Chuyện về những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi (23/02/2012)
Nhờ không ngừng cố gắng, đến nay, đời sống của hội viên CCB trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có những bước tiến đáng kể, nhiều hội viên đã, đang trở thành những tấm gương sáng để người dân có thể học tập, noi theo và vươn lên thoát nghèo. Sau nhiều năm chiến đấu ở chiến trường biên giới tây nam, năm 1982, CCB Đinh ý Quỳnh xuất ngũ trở về quê nhà ở xã Mông Hoá (Kỳ Sơn) với tấm thẻ thương binh hạng 4/4, mọi thứ dường như phải bắt đầu làm lại từ đầu. Trải qua nhiều tháng năm lăn lộn với cuộc sống mưu sinh, nhiều thành công nhưng cũng không ít lần thất bại, nhưng sau mỗi lần vấp ngã, bản chất người lính không khiến ông lùi bước. Không chịu bó tay trước khó khăn, vốn lại có kiến thức về nghề xây dựng, ông suy nghĩ đến việc kinh doanh vật liệu xây dựng. Một thời gian, cuộc sống đỡ vất vả hơn, lại tích luỹ được chút ít vốn và có nhiều bạn hàng, ông quyết định mở cơ sở sản xuất gạch block bê tông để tự mình quyết định chất lượng sản phẩm và nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của bạn hàng. Những kinh nghiệm trong những ngày tháng lao động vất vả đã giúp ông thành công khi cho ra đời những sản phẩm gạch block bê tông đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật phục vụ xây dựng các công trình cao cấp. Bây giờ, thương hiệu gạch block công nghệ cao HD Hoà Bình đã trở lên quen thuộc với nhiều người trong và ngoài tỉnh. Với doanh thu bình quân đạt hơn 200 triệu đồng / tháng, CCB Đinh Ý Quỳnh đã được bình chọn là một trong những người lính làm doanh nhân tiêu biểu tại địa phương. Với CCB Nguyễn Văn Tài ở xóm Om Làng, xã Cao Dương (Lương Sơn), việc thành công từ mô hình phát triển kinh tế rừng là niềm vui khôn tả. Câu chuyện người CCB trồng rừng hẳn không còn xa lạ với nhiều người. Nhưng ít người biết rằng đã có lúc tưởng chừng như thất bại. Đó là những ngày đầu trồng rừng đầy gian nan, ngày nào cũng từ sáng sớm đến tối mịt, anh cùng vợ cuốc hố, gánh cây giống, gánh phân lên đồi trồng cây. Trải qua những nỗ lực vừa trồng rừng, chăm sóc cây non, vừa kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm như lợn, gà, ngan, ngỗng..., CCB Nguyễn Văn Tài đã vươn lên trở thành hộ khá của xóm. Đến nay, sau 7 năm vất vả chăm sóc vườn rừng, 14 ha keo đã cho vụ thu đầu tiên với những kết quả khả quan (trừ chi phí), gia đình anh đã thu về gần 400 triệu đồng. Hiện tại, gia đình đang tiếp tục trồng rừng theo chu kỳ thứ 2 (5 năm) và dự kiến sau gần 1 năm nữa sẽ tiếp tục cho thu hoạch. Nếu theo giá thị trường hiện nay 50 triệu đồng /ha, năm 2012, gia đình anh sẽ thu về khoảng 700 triệu đồng. Cũng như hầu hết những người lính sau khi xuất ngũ, cuộc sống gia đình ông Bùi Hữu Hiền ở thị trấn Bo (Kim Bôi) đầy những khó khăn. Năm 1987, chỉ với vài đôi ba ba giống mua tại chợ huyện, ông đã một mình cần mẫn đào ao, đắp bờ, biến khu vực ngập lụt rộng hơn 200 m2 thành nơi có giá trị để phát triển kinh tế từ nuôi ba ba. Đến năm 2002, ông mạnh dạn mở rộng diện tích lên hơn 1.000 m2 để nuôi thêm cá sấu và trồng cây cảnh. Không những chăn nuôi các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ông Hiền còn tiếp tục đầu tư hơn 700 triệu đồng xây 2 nhà sàn để phát triển mô hình du lịch sinh thái, mỗi năm, gia đình ông Hiền có thu nhập khoảng hơn 300 triệu đồng. Còn nhiều gương CCB SX -KD giỏi như các ông Đào Ngọc Phúc ở phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) sản xuất đồ mộc, Hà Văn Quang ở xã Vạn Mai (Mai Châu) nuôi thuỷ sản, Nguyễn Văn Viện ở xã Đồng Tâm (Lạc Thuỷ) phát triển kinh tế trang trại tổng hợp... tất cả đều có điểm chung là từ tay trắng mà làm nên cơ nghiệp. Những CCB kể trên chỉ là một số gương mặt tiêu biểu trong phong trào CCB SX -KD giỏi của tỉnh. Cũng như hầu hết những CCB khác, khi về đời thường, họ phải đối mặt với những khó khăn của đời sống thường nhật. Tuy không có tiếng bom, tiếng súng nhưng cuộc chiến với cái đói, cái nghèo đầy quyết liệt và cũng mang tính một mất, một còn hoặc là vươn lên làm giàu để có một cuộc sống no đủ hoặc phải chịu cảnh nghèo khổ. Phương Linh