Chuyện về lá cờ (14/03/2012)
Truyện ký của Nguyễn Anh Quyết
Trời mưa, mặt đường đầy nước. Một tốp học sinh đang trú mưa dưới mái lán một ngôi nhà bên cạnh đường. Lại một cơn mưa ào đến.
Trên đường, bóng một ông già đội mũ cối cũ, đạp xe vội vã. Trên mình khoác một mảnh nilông sơ sài, chắc ông không có áo mưa mang sẵn. Đang đạp xe hối hả, bỗng ông phanh vội. Chiếc xe quá đà hay phanh không ăn, nên vẫn trượt đi một đoạn, qua khỏi nơi ông định dừng. Ông vội nhảy xuống xe, lật đật quay ngược trở lại, cúi xuống nhặt miếng vải bị gió mưa làm rơi ở rãnh nước cạnh đường. Ông nhặt lên, vội vã rũ rũ cho hết đất bám vào… Ôi! Lá cờ… lá cờ đỏ, có ngôi sao vàng rực rỡ hiện ra… Lá cờ vải đã cũ, lại bị rách, có lẽ do mưa gió.
Vẻ rất xúc động, ông nâng niu vuốt nhẹ tay cho hết đất bám, rũ rũ mấy lần nữa cho thật phẳng rồi gấp lại. Ông đứng dưới mưa, âm thầm nâng niu lá cờ đã rách, mặc gió thổi bay tấm nilông trên người cùng những giọt nước chảy ròng ròng trên gương mặt khắc khổ.
Bọn trẻ không xô đẩy nhau nữa, im lặng nhìn ông, ngạc nhiên. Chợt một giọng con gái cất lên:
- Ông ơi, ông vào đây trú mưa đã, ướt hết rồi kìa! Lá cờ ấy đã rách, ông lấy làm gì?
Ông già ngẩng lên nhìn lũ trẻ. Sau vài giây ngập ngừng, ông tiến đến, tay giơ lá cờ ra trước, nói giọng xúc động:
- Các cháu ạ, đây là lá cờ, là Tổ quốc đấy, là xương máu đấy các cháu ạ! Để ông kể cho các cháu nghe chuyện về lá cờ nhé!
Bọn trẻ ríu rít:
- Ông ơi, ông kể đi, ông kể đi!
Bọn trẻ xích lại, nhường chỗ cho ông ngồi. Giọng đều đều hồi tưởng, ông kể:
Ngày ấy, khoảng cuối năm 1973, sau Hiệp định Pa-ri, ta và địch tạm đình chiến. Các vùng đất của hai bên được giữ nguyên trạng. Để phân ranh giới, hai bên đều cắm cờ giữ đất. Đơn vị ông được giao nhiệm vụ chốt giữ ở một quả đồi thấp thuộc tỉnh Quảng Đà (cũ). Các cháu có biết không, lúc đó chiến sự ác liệt lắm, tiểu đội ông còn có năm người, có nhiệm vụ cắm chốt, giữ cờ.
Bọn giặc thường xuyên nống ra lấn chiếm. Chúng thường dùng lực lượng lớn đánh ra hòng chiếm đất của ta. Hôm ấy, bọn giặc mò lên chốt. Chúng định nhổ cờ của ta, cắm cờ của chúng lên. Một tên lính lò mò đi lên, vừa đưa tay định nhổ cờ, thì một loạt AK nổ vang. Tên lính bật ngửa ra sau, đồng thời súng các loại nổ ran, loạn xạ. Bọn giặc cậy đông, chúng bắn rất mạnh, tiếng súng chát chúa vang lên.
Bên ta có năm tay súng, loạt AK đầu tiền nổ vào tên nhổ cờ là của ông Hải, người Hải Phòng, một trong năm tay súng của tiểu đội ông. Đến nửa tiếng đồng hồ đấu súng, bọn giặc vẫn không chiếm được chốt. Lá cờ của ta vẫn tung bay nhưng bị rách tả tơi. Có lẽ sau khi biết không tiêu diệt được các chiến sĩ bên tiểu đội của ông, chúng tập trung hỏa lực bắn lá cờ. Một loạt cối nổ xung quanh lá cờ, một quả nổ ngay chân cột, lá cờ tung lên, tiếng bọn giặc reo hò. Trong khi ấy, tiếng của ông Hải vang lên: “Mất cờ rồi anh Thành ơi! Đừng để chúng cắm cờ của chúng lên nhé!”.
Từ đấy tiếng súng của hai bên nổ gấp gáp hơn. Tiếng AK đanh gọn, đĩnh đạc với những điểm xạ ngắn. Nổi lên trong tiếng rèn rẹt liên hồi như hoảng hốt của AR15 là tiếng âm ịch của cối cá nhân. Ngay sau đó, chúng gọi pháo lớn bắn vào khu vực chốt của ta. Thêm hai người trong tiểu đội bị pháo vùi, đó là ông Dậu và ông Đỉnh, người Hà Tây. Tiểu đội còn lại ba người, ba cây súng, cầm cự kiên cường, bọn giặc vẫn không lên được. Mặt trời đã lên cao, không khí nóng và ai cũng khát. Đạn gần cạn, phải bắn cầm chừng. Rồi súng của ông Hải hết đạn. Còn có hai khẩu của ông và ông Minh. Bọn giặc ào lên, vãi đạn về phía ông và thế là chúng cắm được cờ của chúng. Lá cờ có ba sọc màu đỏ mà các ông gọi là “cờ ba que” bay phần phật trước mặt ba anh em.
Căm giận địch, ông Hải dùng lựu đạn tung vào lá cờ, khói lửa trùm lên… Nhưng khi khói tan, lá cờ ba que vẫn không đổ. Ai cũng tiếc quả lựu đạn. Bỗng tiếng ông Hải: “Anh Thành, anh Minh yểm hộ!”. Chưa kịp can, ông Hải đã thoăn thoát trườn lên, bò, lăn về phía lá cờ… Ông và ông Minh chỉ còn biết đồng loạt siết cò yểm trợ.
Ông Hải đã lăn đến chân lá cờ, đưa tay giật đổ cờ địch xuống. Trong lúc tiếng súng hai bên nổ ran, khói lửa mịt mù đã thấy trong gió, trong khói, lá cờ nửa đỏ nửa xanh có ngôi sao vàng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phần phật kiêu hãnh tung bay. Không biết ông Hải đã bí mật chuẩn bị sẵn lá cờ từ lúc nào mà bây giờ lại có lá cờ tung bay trước gió.
Bọn giặc cay cú, chúng tập trung mọi hỏa lực nhằm vào chân cột cờ. Lá cờ cứ đổ xuống lại được dựng lên mấy lần như vậy. Ông biết ông Hải vẫn nằm đấy giữ cờ mà lòng thương quá, cảm phục quá. Biết ông Hải khó có thể sống được nên cũng chỉ còn biết trút tất cả vào những viên đạn yểm trợ cho ông Hải mà thôi. Cho đến khi lựu đạn cũng hết, ức quá, ông Minh gào lên: “Hải ơi!”.
Bỗng một tiếng nổ bùng lên lọng óc, mọi vật trùm trong khói đen rồi chìm vào yên lặng. Khi tỉnh lại, ông không nghe được gì nữa, mãi mới mở được mắt, thấy mọi thứ chỉ còn lờ mờ và trong thinh không, nghe có tiếng thì thào: “Đồng chí ấy đã tỉnh lại rồi, may quá!”, rồi lại chìm vào mông lung.
Mãi sau này, khi đã tỉnh hẳn ông mới biết rằng, khi bị quả pháo nổ gần, ông bị sức ép ngất đi. Ông Minh cũng bị thương nặng. Còn ông Hải hi sinh ở ngay chân cột cờ. Lúc đó đơn vị tiếp viện lên, bọn giặc bỏ chạy. Lá cờ của ông Hải vẫn được cắm đúng vị trí ấy. Ông Minh và ông được đưa về tuyến sau điều trị, không biết bây giờ ông Minh còn sống không?
Bây giờ mỗi khi nhìn thấy lá cờ là ông lại nhớ đến những ngày mà ông và đồng đội chiến đấu giữ cờ năm ấy đấy, các cháu ạ!.
Cơn mưa đã tạnh từ lúc nào không ai để ý. Trên nền trời đã thấy lộ những mảng màu xanh và tia nắng xuyên mây. Bọn trẻ cũng như sực tỉnh, ào lên ríu rít tranh nhau nói:
- Ông ơi, chuyện của ông hay quá. Chúng cháu cảm ơn ông!
Bọn trẻ túa ra đường, ríu rít như bầy chim non. Ông già nhìn theo, mỉm cười cầm lá cờ cất vào giỏ xe, lững thững dắt đi…
N.A.Q