Chuyện về chiếc cán Quân kỳ Quyết thắng

Tháng 8-1976, tôi là kỹ sư cơ khí, kỹ thuật viên chế tạo vũ khí nòng trơn - Phó phòng Kỹ thuật Nhà máy Z.125 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, được Giám đốc Nhà máy cử lên Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng nhận nhiệm vụ.

Vào cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, tôi được đồng chí trực ban dẫn vào phòng làm việc gặp Phó Tổng tham mưu trưởng Đỗ Đức. Sau khi tôi giới thiệu về bản thân, đồng chí Đỗ Đức cho biết: “Sắp tới, Đại tướng Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp sẽ dẫn đầu một đoàn đại biểu cán bộ cao cấp thay mặt Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đi thăm các nước XHCN và bạn bè quốc tế, để cảm ơn sự giúp đỡ của các nước đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của ta giành thắng lợi. Quà tặng của đoàn ta là lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của QĐND Việt Nam. Nhiệm vụ của đồng chí là thiết kế cán Quân kỳ đạt được yêu cầu: hình thức gọn, đảm bảo tính kỹ thuật và mỹ thuật, dễ vận chuyển, lắp ráp nhanh; để khi Đại tướng tuyên bố trao quà tặng thì trợ lý đi cùng nhanh chóng lắp cán cờ rồi giương cao lá cờ ở tư thế như đang hành quân; thể hiện sự trân trọng và quý báu thứ quà tặng đặc biệt này”.

Trong hai ngày kể từ khi đươc thông báo nội dung bức điện của Bộ Tổng Tham mưu đến khi được cử lên gặp Thủ trưởng Đỗ Đức, tôi đã suy nghĩ, chuẩn bị  khá cụ thể phương án của mình, nên sau khi nghe đồng chí Tổng Tham mưu phó yêu cầu, tôi mạnh dạn đề xuất:

- Thưa Thủ trưởng:

- Về vật liệu chúng tôi sẽ làm bằng ống nhôm có đường kính 35-36mm, hiện kho Cục Vật tư có. Tôi sẽ cho cắt làm 4 đoạn, mỗi đoạn dài 60cm đóng lõi nhôm ngắn vào hai đầu. Tiện ren trục, ren lỗ lắp vào nhau đảm bảo đồng tâm, thẳng. Tôi sẽ cho đánh bóng bề mặt, cho lân hóa tạo ra màu xanh ánh kim nhạt, chống ô xy hóa bề mặt.

- Về chóp cán cờ, tôi muốn thiết kế theo hình xưa nay chưa có. Tôi thấy vũ khí thương, giáo xưa nay có mũi nhọn hình búp đa, hình dáng ấy còn lưu giữ nhiều ở các đình, đền của ta. Trong thực tế đời sống, ta có hai loại cây tre và cây sen với búp măng tre và búp sen biểu hiện cho tinh thần bất khuất, tính thanh tao của người Việt. Vì vậy, tôi sẽ chọn búp sen làm hình chóp cán cờ (lúc này hoa sen chưa là Quốc hoa của Việt Nam).

Chúng tôi sẽ chọn vật liệu là vỏ quả đạn pháo 37mm; cho cắt bỏ phần tum đầu đạn, giữ nguyên phần đuôi có gờ hất vỏ đạn và lỗ ren hạt nổ để lắp vào đầu cán cờ. Tôi cho dập loe côn 15 độ, cắt vỏ đạn 57mm dập chóp hình côn, hàn vào phần đuôi này, bảo đảm đồng tâm; đánh bóng, cho mạ niken - crôm, để nguyên màu ánh kim bạc, nhìn rất dịu mắt.

Khi lắp tổng thể tao ra cán  cờ cao 2,6-2,7m.

Với thiết kế như trên, khi cần, Đại tướng có thể chỉ vào hình dáng vỏ đạn trên chóp Quân kỳ, bày tỏ ý thể hiện lòng biết ơn của ta đối với sự giúp đỡ của bạn bè, tạo thêm yếu tố vẻ vang của Quân kỳ Quyết thắng!

Nghe tôi trình bày cụ thể hình thức cũng như phương án sản xuất cán Quân kỳ Quyết thắng, Tổng Tham mưu phó Đỗ Đức vui vẻ khẳng định: “Tôi đồng ý. Đồng chí về cho làm ngay, không cần duyệt mẫu nữa”.

Tôi thưa: Xin Thủ trưởng cho lệnh bằng văn bản và cho biết đơn vị nhận hàng.

Nhận được văn bản giao nhiệm vụ của trên, trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã hoàn thành 30 bộ cán Quân kỳ, giao về Cục Quân trang thuộc Tổng cục Hậu cần, để đồng bộ việc may cờ và túi đựng. Sau đó, Nhà máy còn được giao làm gấp 40 bộ cán Quân kỳ phục vụ Lễ duyệt binh trong ngày lễ Quốc khánh 2-9.

Mẫu Quân kỳ Quyết thắng (đồng bộ cả cán sản xuất loạt đầu) hiện còn lưu giữ tại Phòng Truyền thống Nhà máy Z.125 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

48 năm đã trôi qua kể từ ngày cán Quân kỳ Quyết thắng do chúng tôi sản xuất được sử dụng. Cán liền một khối. Kích cỡ, màu sắc và búp sen cũng vậy, tùy vào kích thước lá cờ mà làm to hay nhỏ cho phù hợp. Tôi tin là cán cờ đó còn được tiếp tục sử dụng lâu dài.

Là người được giao nhiệm vụ thiết kế, tổ chức sản xuất cán Quân kỳ Quyết thắng; nhân kỷ niệm 80 năm ngày Thành lập QĐND Việt Nam, xin được ghi lại như một kỷ niệm sâu sắc của thời quân ngũ.

Phan Thuần