Chuyện vận dụng thơ trong đàm phán ngoại giao
Bà Phạm Thị Ngọc Dung giới thiệu, thuyết trình các hiện vật với ông Lê Đức Thọ và ông Kissinger.
Ngồi nói chuyện với tôi là bà Phạm Thị Ngọc Dung. Bà đã 80 tuổi mà vẫn tươi trẻ, nước da trắng và khuôn mặt phúc hậu. Bà không thay đổi nhiều so với hơn 50 năm về trước. Lúc đó bà là cán bộ nghiên cứu và hướng dẫn của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Một ngày đầu xuân 1973, Bộ Ngoại giao liên hệ với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đề nghị đón tiếp Đoàn khách đặc biệt, ông Lê Đức Thọ và ông Kissinger là hai cố vấn đặc biệt của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ đến thăm. Lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử đã chọn bà Phạm Thị Ngọc Dung - một cán bộ đã có hơn 10 năm công tác, đã từng đón tiếp hướng dẫn cho nhiều đoàn khách quan trọng trong và ngoài nước.
Bà Dung bồi hồi nhớ lại: “Đầu giờ chiều ngày 11-2-1973, tôi cùng một số cán bộ của Bộ Ngoại giao chờ sẵn tại sảnh chính của Bảo tàng, khoảng 14 giờ thì ông Lê Đức Thọ, ông Kissinger cùng Đoàn tùy tùng xuất hiện. Chúng tôi chào đón và trân trọng mời các ông vào phòng trưng bày. Gian đầu tiên trưng bày hiện vật thời kỳ nguyên thủy của Việt Nam.
Tôi giới thiệu về công cụ sơ kỳ đồ đá cũ được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện năm 1960, tại núi Đọ (Thanh Hóa). Các nhà khoa học trong và ngoài nước căn cứ vào chất liệu và hình dáng công cụ được chế tác, đã đưa đến một kết luận thống nhất: Đồ đá tìm được ở núi Đọ có niên đại cách ngày nay 30-40 vạn năm. Việt Nam là một trong những miền đất quê hương đầu tiên của loài người.
Bất ngờ ông Kissinger quay sang hỏi ông Lê Đức Thọ: Thế quê ngài ở đâu? Ông Lê Đức Thọ trả lời: Tôi sinh ra ở miền Bắc, nhưng được học tập trưởng thành ở miền Nam nên tôi coi đó cũng là quê hương của mình. Tôi tin tưởng một ngày không xa nữa, tôi sẽ trở về quê hương thứ hai của mình.
Hai người và Đoàn đi thăm các phòng trưng bày các nền văn hóa nguyên thủy của Việt Nam, rồi đến thăm phòng trưng bày lịch sử Việt Nam. Đến nơi có trưng bày bài thơ của Lý Thường Kiệt, tôi tự hào cất giọng đọc rõ ràng và truyền cảm:" Nam Quốc Sơn Hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư". Sau đó, tôi dịch và giải thích bài thơ khẳng định chủ quyền của nhân dân Việt Nam đối với đất đai sông núi của mình. Nhân dân Việt Nam coi đây là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc mình.
Khi giọng tôi vừa dứt, ông Lê Đức Thọ liền tiếp lời: “Đây là điều thứ nhất trong Chương 1 của Hiệp định Paris”.
Chương 1 Điều I của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam ghi rõ: Hoa Kỳ và các nước tôn trọng độc lập và chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam...". Đây là cốt lõi là mục tiêu cơ bản mà phái đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ cộng hòa đặt ra trong quá trình tham gia ký kết Hiệp định Paris. Ngườì cầm trịch và cương quyết đấu tranh không khoan nhượng về vấn đề này là ông cố vấn Lê Đức Thọ.
Ông Lê Đức Thọ quê ở Nam Định, là một nhà cách mạng hoạt động chuyên nghiệp. Khi đang hoạt động ở miền Nam, ông được Bác Hồ gọi ra, cử đi tham gia Hội nghị Paris, với vai trò là cố vấn. Ở Hội nghị Paris, đối thủ chính của ông là cố vấn Kissinger. Tuy cả hai trên danh nghĩa là cố vấn nhưng đều là những người thương thảo chủ chốt đóng vai trò quyết định.
Khi thảo luận từng chương, ông Lê Đức Thọ yêu cầu Chương I chỉ có duy nhất một điều: Hoa Kỳ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, hoà bình, độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên bàn đàm phán, đoàn Mỹ phải chấp nhận điều khoản này, nhưng có lần họ đưa nội dung này lẩn vào các điều khoản khác hoặc đòi xóa bỏ.
Qua nhiều lần thương thảo ông Lê Đức Thọ đưa thêm, Hoa Kỳ và các nước... để nhấn mạnh và ràng buộc Hoa Kỳ hơn trước quan hệ quốc tế và cũng là để giữ "Thể diện và sự chiếu cố đến danh dự của các ông", có lần ông Lê Đức Thọ đã nói với ông Kissinger.
Trên bàn đàm phán là như vậy, nhưng trên thực tế trên chiến trường lại diễn ra vô cùng phức tạp. Ở miền Nam Việt Nam lúc đó có ba vùng: Một vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, một vùng do Chính phủ Cách mạng lâm thời kiểm soát, một vùng tranh chấp. Kissinger đòi xóa bỏ các vùng do chính phủ Cách mạng lâm thời kiểm soát, đòi quân đội miền Bắc rút khỏi miền Nam, nhưng bí mật điện cho Đại sứ Mỹ ở miền Nam Việt Nam, thúc Nguyễn Văn Thiệu đem quân đánh lấn các vùng giải phóng của ta. Ông Lê Đức Thọ bác bỏ mạnh mẽ, nhất là việc trao đổi bản kê khai bố trí lực lượng của hai bên. Ông khẳng định quyền chống quân xâm lược của nhân dân Việt Nam, vạch trần ý đồ chia cắt đất nước ta lâu dài của Kissinger.
Trong cuộc họp ngày 21-11-1972, vấn đề khu phi quân sự vẫn bị treo lại. Kissinger tráo trở hơn đòi sửa lại điều 1, Mỹ không muốn thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. Ông Lê Đức Thọ kiên quyết bác bỏ. Các phát biểu của ông Lê Đức Thọ đã tác động mạnh đến ông Kissinger, ông ta đã phải xin ý kiến của Tổng thống Mỹ và cảnh báo "phải sẵn sàng chuẩn bị cho sự tan vỡ" và đẩy mạnh hơn nữa ném bom trở lại miền Bắc để gây áp lực. Ông cũng gây áp lực với Tổng thống Mỹ: Xin từ chức.
Nixon đã đáp ứng để nghị của Kissinger. Chiến dịch Linebacker II, Mỹ dùng B.52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng... ác liệt chưa từng thấy, nhưng bị thất bại nặng nề, phải quay trở lại bàn đàm phán...
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được chính thức ký kết tại Thủ đô Paris (Pháp). Đây là kết quả của quá trình đấu tranh gay go, quyết liệt và phức tạp trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, đỉnh cao của nghệ thuật kết hợp "vừa đánh vừa đàm".
Buổi chiều ngày 11-2-1973, sau khi đi thăm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ông Kissinger đã đến tiếp kiến Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Phủ Thủ tướng. Thủ tướng tươi cười hỏi: Bạn đã đến thăm Bảo tàng Lịch sử của chúng tôi chưa? Ông Kissinger trả lời: Bảo tàng thật thú vị, đây là lần đầu tiên tôi được đến thăm. Các ông có một nền lịch sử lâu dài và rất anh hùng.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đỡ lời: Và cũng rất nhân văn, rất nhân văn.
Trong bữa ăn tiễn ông Kissinger, ông Lê Đức Thọ đem rượu nếp cái của quê hương Nam Định mời ông Kissinger uống, ông ta khen ngon. Ông Lê Đức Thọ liền gửi tặng hai chai rượu nút lá chuối khô. Ông Kissinger tỏ ý cảm động.
Xen lẫn câu chuyện của bà Phạm Thị Ngọc Dung là những lời góp nhặt vụn vặt của tôi. Bà Dung cười rất tươi thốt lên: Cụ Lê Đức Thọ nhìn khuôn mặt và nụ cười rất phúc hậu hiền lành, thế mà làm cho ông Kissinger thán phục, buộc phải cùng nhau ký tắt vào bản thảo của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Đỗ Văn Phú