Chuyện tình Sư trưởng
Dù tuổi đã cao nhưng hai ông bà vẫn quyết định dắt nhau vượt gần 600 km trở về thăm nơi đã nảy nở tình yêu ban đầu và nên duyên vợ chồng ngay giữa chiến trường ác liệt (xã miền núi Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24-3).
Nói về duyên nợ cách đây 42 năm, ông Nã chia sẻ: “Ngày ấy tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 (Sư đoàn 2). Một lần chúng tôi đi thị sát tình hình địch ở lưng chừng dãy núi Bằng Thùng hiểm trở. Đang ngồi nghỉ chân trên tảng đá lớn thì có tiếng cô gái chào khẽ và nói lời xin lỗi vì đã đến chậm. Đồng chí tham mưu trưởng giới thiệu với tôi đó là bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà phụ trách bệnh xá Quế Sơn. Đồng chí không ngớt lời ca ngợi, cô bác sĩ dù có thân hình bé nhỏ, nhưng rất nhanh nhẹn, tận tâm cứu chữa hàng trăm thương binh của các đơn vị quân đội và nhân dân trong vùng… Trước khi đến đây, đồng chí chính ủy đơn vị tôi cũng dặn trước: “Anh gặp cô ta chắc sẽ vừa ý đấy…”.
Ở cái tuổi ngoài 40 chỉ quen đánh giặc như tôi, lại lần đầu tiếp xúc, thế mà tôi đã cảm thấy quý mến Thu Hà và nghĩ ông chính ủy mình đã nói “không ngoa”. Cô ấy mời chúng tôi vào bệnh xá gần đó. Thật bất ngờ tuy nói là bệnh xá, nhưng thực ra đó là các hang đá tận dụng làm nơi điều trị cho thương binh rất lý tưởng. Đi sâu vào bên trong hang đá, nơi sẽ bố trí để chúng tôi ở lại vài ngày phục vụ công tác trinh sát địch, một cảm giác thật mát mẻ và yên tâm.
Trong khoảng 7 ngày ở đây tận mắt chứng kiến các y bác sĩ cứ thoăn thoắt đôi chân xuôi ngược, ra vào hang đá liên tục phục vụ thương binh. Có người đi lấy thuốc, người đi cõng gạo mà không thấy trở về… Người ở nhà thì động viên an ủi, rửa vết thương cho thương binh, chăm sóc từng miếng cơm. Các y bác sĩ của bệnh xá ở đây có lúc phải ăn khoai sắn để nhường cơm cho thương binh. Đã vậy một cán bộ ở đây cho biết trước khi bác sĩ Thu Hà về kế nhiệm đã có tới 3 đồng chí bệnh xá trưởng hi sinh.
Qua tìm hiểu, tôi được biết, Thu Hà học cùng khóa Trường đại học Y Hà Nội với bác sĩ Đặng Thùy Trâm (1960 - 1966). Ra trường cả 2 đã xung phong đi phục vụ chiến trường miền Nam, nhưng Trâm đã hi sinh. Vì thế tôi vô cùng xúc động và càng thêm lòng khâm phục. Rời bệnh xá trở về đơn vị, dù cả 2 đều lớn tuổi, lại chưa một lời hẹn ước, nhưng trái tim tôi đã mách bảo: “Đây là điểm hẹn! Chào em, người con gái xứ Quảng mà anh hi vọng trao gửi niềm tin và thầm nhủ anh yêu em và… sẽ cưới em”.
Bác sĩ Thu Hà bồi hồi nhớ lại: “Hồi ấy tôi thấy mắc cỡ lắm, bởi mình thì thân hình nhỏ bé, anh ấy lại là người to cao, thế nhưng cứ như có định mệnh mà ông trời đã se duyên vậy. Đầu năm 1973, khi hiệp định đình chiến được ký kết, đơn vị anh ấy quyết định tổ chức đám cưới cho chúng tôi ngay dưới chân núi Bằng Thùng. Do đình chiến nên các đơn vị có điều kiện cử bộ đội về dự rất đông. Tiệc tùng rất to, có mổ heo, mổ trâu và có cả kẹo bánh, thuốc lá nữa nên rất vui. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau cưới, anh ấy lại nhận lệnh đi chống địch lấn chiếm… Chiến tranh là vậy. Năm 1974, tôi được điều ra Hà Nội để đi học nâng cao chuyên môn ở nước ngoài và cũng là lúc tôi sinh cháu trai đầu lòng”.
Ông bà đều là thương binh, bị nhiễm chất độc hóa học, nhưng ông bà cảm thấy hạnh phúc bởi cả hai người con (1 trai, 1 gái) của ông bà đều học giỏi và thành đạt.
Bài và ảnh: Trần Công Thi