Chuyện tình huyền thoại (05/04/2012)

Đó là cuộc chiến đấu giành đi giật lại dài ngày nhất, gay go, ác liệt nhất. Mỗi tấc đất ở đây đã thấm nhiều máu của chiến sĩ và đồng bào ta. Trận chiến đấu oanh liệt, hào hùng đã làm sáng ngời một chân lý: Kẻ xâm lược có sức mạnh, vũ khí tối tân đã chịu thua những con người có ý chí thép gang vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Một đội quân hơn 5 vạn tên, có thừa thãi sức mạnh bom đạn đã bị đánh bại trong chiến dịch phản kích: 26 nghìn địch bị xoá sổ, trong đó 10 nghìn tên đủ sắc lính phơi xác dưới chân Thành Cổ. Tờ báo Phố Uôn của Mỹ kêu lên: "Kỷ luật, lý tưởng và tinh thần coi thường cái chết đã kết hợp với nhau như thế nào khiến các chiến sĩ Việt cộng vẫn xông lên dưới mưa bom B52? Không có một nhà phân tích nào ở Mỹ đi đến một giải thích đầy đủ...".

Thành Cổ cùng với thị xã Quảng Trị đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Giá trị và tầm vóc chiến công ấy đã được xây nên bằng xương máu của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào cả nước và tỉnh Quảng Trị anh hùng. Từ tháng 2 - 1992, di tích này đã được cơ quan chức năng tôn tạo để nơi đây trở thành một công viên văn hoá tưởng niệm; điểm hẹn truyền thống của mọi thế hệ và niềm kính phục của bè bạn thế giới.

Di tích bao gồm các hạng mục:

  • Đài tưởng niệm trung tâm, kè lại hệ thống hào thành và trồng cây bóng mát, cây tạo cảnh quan.

  • Khu bảo tàng Thành Cổ

  • Khu ghi dấu ấn về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm.

  • Khu phục dựng Thành Cổ nguyên sinh.

  • Khu công viên văn hoá.

Cả khu vực di tích rộng 16 héc-ta xanh ngắt một màu cỏ non và những hàng dừa trĩu quả. Chứng tích của 81 ngày đêm "lửa thép", đẫm máu và nhiệt huyết tuổi trẻ cả nước là đây. Mỗi gốc cây, ngọn cỏ trong khu di tích là một linh hồn chiến sĩ đang yên nghỉ. Anh chị em công nhân làm các công trình trong Thành Cổ đều nhắc nhau, hãy nhè nhẹ tay cuốc, tay xẻng, vì sợ chạm vào "da thịt" đồng đội đang nằm dưới lớp cỏ xanh non tơ... Và thực tế, đã một số lần, các anh chị đang làm việc, tìm thấy một khúc xương trắng, hoặc là cây bút, bi đông nước, chiếc bát sắt, cái lược nhôm... của các chiến sĩ kịp mang theo xuống cõi vĩnh hằng.

Những người tham gia thi công công trình hệ thống thoát nước quanh Thành Cổ và cán bộ trong Ban quản lý quyết định đào sâu hơn chỗ có các di vật đó. Và mọi người đều lặng đi, khi phát hiện ở dưới là một căn hầm bê tông cốt thép, vốn là chỗ tên tỉnh trưởng Quảng Trị làm nơi trú ẩn, có 5 bộ hài cốt chiến sĩ đang trong tư thế ngồi trú ẩn, bị một quả bom lade của địch lấp kín lối ra. Một bộ hài cốt tựa vào thành hầm, vẫn còn mang bên mình chiếc xắc cốt, đôi dép cao su và khẩu súng chiến đấu đã hoen gỉ. Sau khi thắp hương khấn vái, anh chị em công nhân mở chiếc túi và tìm được những thông tin, liên quan đến chủ nhân của nó: Cuốn sổ ngoài bìa ghi "Nâng cao chất lượng đảng viên", chiếc đồng hồ, cái bút máy; chiếc lược chải đầu bằng vỏ máy bay Mỹ... Đặc biệt trong một túi ni lông nhỏ, có vài tấm ảnh đã ố vàng, không rõ hình người; hai lá thư, nhiều nét chữ mờ nhoè, khó đọc. Thư ký tên: Phan Thị Biển Khơi. Qua những di vật tìm được này, khẳng định, đây là của liệt sĩ, thượng uý Lê Binh Chủng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn K10, Quảng Trị; phụ trách công tác hậu cần và thu dung thương binh liệt sĩ trong những ngày tháng khốc liệt của mùa hè rực lửa ở Thành Cổ. Lê Binh Chủng quê ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Hai bức thư nằm trong lòng đất mấy chục năm qua, trong đó có một bức viết:

"Đồng Cao, ngày 15 tháng 5 năm 1972.

Anh Binh Chủng yêu quý của mẹ con em! Cầm bút biên thư cho anh, trong lúc chiến trường Trị Thiên đang thắng lớn. Tin vui bay về hậu phương, làm cho mọi người dân đầy sung sướng. Tự hào thay, trong hàng ngũ những người chiến thắng đó có anh, người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ.

Anh thương yêu! Ba bốn chục năm nay, lòng người bao mong muốn hướng về miền Nam thân yêu, về Trị Thiên ruột thịt. Hôm nay, trên chiến trường Bình Trị Thiên đã vang lên tiếng cười của những người dân mất nước đang giành chiến thắng.

Anh có khoẻ không, báo tin cho con và em biết với? Đã lâu rồi không thấy anh biên thư, em rất mong. Còn tình hình ở nhà, mọi người vẫn khoẻ. Con đã bỏ bú, ăn được cơm cá nên nó khoẻ hơn trước nhiều anh ạ! Mùa màng năm nay lúa tốt lắm. Có thể nói từ trước tới nay chưa từng có; và bây giờ đang bước vào thu hoạch nên em rất bận. Máy bay Mỹ oanh tạc thường xuyên nên lúc nào cũng phải ngủ hầm. Gần đây, chúng còn bắn vào làng và giữa cánh đồng, làm một chị bị chết. Cầu Lý Hoà bị cắt, đến nay vẫn chưa thông. Hầm hào ở nhà vẫn tương đối chắc; ngoài đồng, bà con đi gặt cũng có hầm trú ẩn.

Còn bao nhiêu điều để nói với anh nhưng khuya quá, em tạm dừng bút đi ngủ để mai, 3 giờ phải đi gặt...".

Trong thư, người viết có nhắc tới Đồng Cao và Lý Hoà. Hai địa danh này ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nhưng người con gái viết thư bây giờ đang ở đâu? Mọi người thực hiện phương án liên lạc với quê của liệt sĩ Lê Binh Chủng và đã đạt được kết quả.

Số là, ở thị xã Quảng Trị, có một cán bộ cùng quê Lê Binh Chủng và chơi thân với cháu ruột của liệt sĩ; hiện đang làm hiệu trưởng một trường trung học cơ sở ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Được tin bạn báo, người cháu đó điện ngay về cho bố là Lê Văn Kiên, anh trai của Lê Binh Chủng. Không kìm được xúc động, ông oà lên khóc; bởi lẽ, mấy chục năm qua đi tìm em mà không thấy, dẫu biết rằng thi hài vẫn nằm trong hầm ngầm ở Thành Cổ.

Đồng chí Nam, công tác ở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, người cùng đơn vị với liệt sĩ Lê Binh Chủng kể lại rằng, vào tháng 8 năm 1972, bộ đội ta bị kẹt trong hầm ngầm. Trong 7 ngày đêm liền, các chiến sĩ thiếu ăn, thiếu nước uống, thiếu không khí thở, song vẫn kiên cường theo dõi những bước chân của địch đi trên nóc hầm và liên lạc ra ngoài bằng máy vô tuyến điện. Đây là bức điện cuối cùng của các anh: "Địch đang đi trên nóc hầm của chúng tôi. Yêu cầu các đồng chí cứ bắn thẳng vào hầm, đừng lo lắng gì về chúng tôi cả".

Bình tâm lại, ông Kiên nghĩ đến cô em dâu Phan Thị Biển Khơi cùng cháu ruột Lê Quảng An. Nhiều năm nay, mẹ con cháu vẫn thường xuyên ra thăm quê nội. Năm 1974, Biển Khơi đau xót nhận được giấy báo tử của chồng. Chị và con trai vội khăn gói ra Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu dự lễ truy điệu Lê Binh Chủng. Và từ đó, Biển Khơi trở về lặng lẽ nuôi con, vừa làm cô giáo vừa tham gia nữ dân quân Quảng Bình.

Thời gian sau, chị gặp anh Hoàng Hữu Trạch, bộ đội ở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình; từng có vợ, hai con thơ dại nhưng bom Mỹ đã cướp đi mẹ của các cháu. Thương hoàn cảnh của anh Trạch, Biển Khơi xin phép đằng nội được tái giá. Mẹ của Lê Binh Chủng nói trong nước mắt với con dâu: "Các con lo vun xới hạnh phúc cho nhau. Đất nước hoà bình, thống nhất rồi, không nên nghĩ nhiều tới quá khứ đau buồn; nên lo cho con cái. Thằng Chủng hi sinh rồi; thằng Trạch mẹ coi như là con của mẹ. Thỉnh thoảng hai con đưa các cháu ra chơi với mẹ...".

Về sống với gia đình mới, mẹ con Lê Quảng An được sự che chở, chăm sóc của anh Hoàng Hữu Trạch, một người chồng, người cha thực sự. Trong nhà không phân biệt con anh, con tôi; tất cả đều sống hoà thuận, hạnh phúc. An học hết trung học phổ thông rồi đi học điện tử, về làm thợ sửa chữa. Hôm xin phép nghĩa trang Thành Cổ, gia đình bốc mộ Lê Binh Chủng đưa về quê hương, trời miền Trung mưa to. Trên chuyến xe ra Quỳnh Lưu, An trầm tư nói: "Giá như bà nội còn sống thì hay biết mấy. Đã bao năm bà ao ước tìm thấy mộ của con trai...". Mọi người tê tái nhìn nhau; không ai nói gì; thương nhớ bà cụ đã ra đi từ năm 1990.

Từ ngày tìm được thi hài Lê Binh Chủng, hằng năm, gia đình An lại vào Thành Cổ dâng hoa, thắp hương, đọc những dòng chữ trong bức điện cuối cùng, "Địch đang đi trên nóc hầm của chúng tôi. Yêu cầu các đồng chí cứ bắn thẳng vào hầm, đừng lo lắng gì về chúng tôi cả", và ngắm những kỷ vật của bố và các liệt sĩ để lại. Anh hiểu rằng, những thứ đó đã minh chứng cho câu chuyện huyền thoại về một thế hệ thanh niên chống Mỹ, cứu nước; sẵn sàng hi sinh tất cả vì lý tưởng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Lê Quảng An là đứa con trai chưa một lần được biết mặt cha. Cái tên ấy được đặt, như kết nối hai quê Quảng Bình và Nghệ An, đúng lời hẹn ước của bố mẹ anh lúc chia tay, Lê Binh Chủng vào chiến trường. An kể:

"Khi tôi sinh ra thì bố tôi ở chiến trường Quảng Trị. Thực sự trong ký ức, tôi không thể hình dung được người bố của mình như thế nào; chỉ có thể biết qua lời kể của mẹ, đồng đội của bố và bà con lối xóm. Tôi hiểu bố tôi là một chiến sĩ đã chiến đấu và hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Bạn bè, đồng đội của bố tôi vẫn thường nói là tôi có khuôn mặt giống bố. Ở nhà, mỗi khi nhìn ảnh bố tôi, mọi người cũng nói như vậy".

Trưởng ban quản lý di tích Thành Cổ Trần Khánh Khư và đồng nghiệp cho biết thêm quan hệ của bố mẹ Lê Quảng An; đó là một chuyện tình cảm động trong thời chiến giữa chàng trai xứ Nghệ Lê Binh Chủng và cô giáo làng Phan Thị Biển Khơi (Bố Trạch, Quảng Bình). Một lần hành quân qua địa phương này, mối tình giản dị nhưng thắm đượm, sâu sắc giữa Binh Chủng và Biển Khơi đã nảy nở. Thời điểm lịch sử của đất nước, cũng là giờ phút không thể nào quên giữa tình cảm đôi trai gái lúc chia tay. Trước khi lên đường, họ cho nhau tất cả. Chưa được hưởng hạnh phúc của hôn nhân thì Lê Binh Chủng đã phải vượt qua vĩ tuyến 17, vào chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị. Lá thư cuối cùng, Biển Khơi viết cho người yêu, đề ngày 15-5-1972, báo tin vui, tình yêu của họ đã "khai hoa kết nhụy". Nhưng chưa kịp được sống cùng con, dù chỉ tính ngày, tính tháng, thì Lê Binh Chủng đã vĩnh viễn nằm lại với cỏ cây Thành Cổ.

Hình ảnh của anh không chỉ sống mãi với những người thân trong gia đình mà còn in đậm trong ký ức của đồng đội. Chiến sĩ phân đội trinh sát Tiểu đoàn 3, Tỉnh đội Quảng Trị tâm sự: "Anh Lê Binh Chủng là người cao to, cằm vuông, râu quai nón. Mỗi khi anh ăn lương khô dính đầy râu, trông tức cười. Lê Binh Chủng rất vui tính, chan hoà với anh em trong đơn vị. Lúc đó, tôi mới 17 tuổi, thường xưng hô với anh là "cha con".

Một lần, tôi đi bảo vệ cho anh Chủng xuống nắm tình hình ở Đại đội 11. Điểm chốt này, buổi sáng, đơn vị vẫn giữ. Đến chiều, chúng tôi xuống. chưa đến điểm chốt đã bị địch bắn. Lúc ấy, mọi người mới biết chốt đã mất. Chúng tôi chạy về tới bờ Thành Cổ thì chúng gọi pháo bắn. Ai nấy trú ẩn xuống một hầm chữ A. Khi ngớt pháo, tôi nhô lên quan sát. Đột nhiên anh Chủng cầm chân tôi lôi xuống. Đúng lúc, một quả pháo địch nổ ngay trước hầm. Tôi hút chết! Tôi đi bảo vệ anh nhưng hoá ra anh lại cứu tôi, nhờ kinh nghiệm chiến trường, khi nghe tiếng pháo địch đề pa. Và tôi thật đau buồn, ân hận, lúc anh Lê Binh Chủng bị bom đạn của chúng lấp cửa hầm thì tôi lại không cứu được anh...".

Thành Cổ Quảng Trị nằm tại trung tâm thị xã Quảng Trị anh hùng (khu 4, phường 2); chỉ cách quốc lộ 1A hai ki-lô-mét về phía bắc; cách bờ sông Thạch Hãn 500 mét về phía đông. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa hè năm 1972, Thành Cổ được cả nước cũng như thế giới biết đến, bởi những chiến công hiển hách, những tấm gương anh dũng hi sinh như Lê Binh Chủng và đồng đội của anh. Hơn nữa, những kỷ vật của liệt sĩ, đặc biệt là bức thư của Phan Thị Biển Khơi, trong hầm ngầm Thành Cổ, sẽ mãi mãi là "Chuyện tình huyền thoại" không thể nào quên đối với hậu thế.

Chi Phan