Chuyện tìm trong đáy balô: “Sáng ra nhấp một chén... khà”

Nói đến nhà thơ Quân đội Vũ Cao (1922-2007) không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi. Bài thơ là một câu chuyện tình bi tráng và đẹp đẽ trong thời đất nước còn, chiến tranh, được in đi in lại cả trăm lần, được chép trong sổ tay của những anh học trò, của những chàng lính trẻ nhiều thế hệ, ngâm trên sóng phát thanh, được đem giảng dạy tại các nhà trường cả mấy chục năm qua, được dịch ra mấy thứ tiếng và được chuyển thành phim đưa lên màn ảnh nhỏ... Hơn thế, còn được đi vào đời sống bằng cả những giai thoại, những  nghi vấn văn chương rất đẹp. Và cũng nhờ có Núi Đôi - thơ mà Núi Đôi - núi trở nên nổi tiếng khắp cả ba miền đất nước. Trước khi tác giả Núi Đôi về với cõi vĩnh hằng (2007), T.P Hà Nội đã kịp đặt tên cho một con đường rất đẹp từ trung tâm thị trấn Đa Phúc trên quốc lộ 3 đến ngã tư Bưu điện Văn hoá xã Tân Minh (Sóc Sơn - Hà Nội) là đường Núi Đôi vào năm 2006. Đường dài 2.100m uốn lượn dưới chân núi Đôi. Núi Đôi là tên một ngọn núi nhỏ thuộc địa phận các xã Phù Linh và Tân Minh. Cảnh trí nơi đây rất đẹp với những đồi thông, đồng lúa, xóm làng thanh bình cổ kính và nên thơ nằm bên những dấu tích của cuộc chiến chưa xa (lô côt, mồ liệt sĩ). Đường Núi Đôi đẹp bên núi Đôi đẹp: Lối ta đi giữa hai sườn núi/ Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi/ Em vẫn đùa anh: Sao khéo thế/ Núi chồng núi vợ đứng song đôi.

Chuyện quanh bài thơ Núi Đôi, quanh tác giả của bài thơ chắc sẽ còn dài dài  trong làng  văn nghệ, trên văn đàn, thi đàn, bục giảng, trên chính quê hương có ngọn níu chồng, núi vợ và lớp trẻ mai sau như “tiên đoán” của nhà phê bình áo lính Hồng Diệu về sức sống của bài thơ cách nay đã một phần tư thế kỷ (năm 1986). Ông viết: “Có thể nói ngay được rằng, cho dù rồi đây, trong thời đại khoa học kỹ thuật, dù thơ có hiện đại, có trần trụi, có tân kỳ đến đâu, một bài thơ giản dị như Núi Đôi vẫn còn được người ta nhớ ngưới ta thuộc”

Vũ Cao không chỉ để lại cho đời một Núi Đôi - dẫu không bề thế, không choáng ngợp nhưng lừng lững, mà ông còn để lại nhiều  tác phẩm có giá trị khác như “Đèo trúc” (thơ), “Một đoạn thơ sông Đà” (truyện ngắn). Thơ ông giàu chất truyện và trái lại, truyện của ông lại rất giàu chất thơ. Với những đóng góp xuất sắc cho văn học cách mạng kháng chiến ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật ngay từ đợt đầu tiên (2001).

Người ta nói Vũ Cao là một nhà thơ, một cây bút truyện ngắn, một nhà tiểu thuyết, một tác giả được các em nhỏ yêu quý; người ta lại nói Vũ Cao là nhà quản lý văn nghệ, là “quan văn” vì ông đã từng làm Tổng biên tập một tờ tạp chí văn chương có “thương hiệu” là tờ Văn nghệ Quân đội suốt những năm bom đạn ác liệt, khó khăn nhưng lại rất “vàng son”. Giám đốc một nhà xuất bản nằm giữa Thủ đô là Nhà xuất bản Hà Nội... nhưng trước sau gì ông vẫn là nhà thơ Quân đội, từ Quân đội, của bộ đội. Nói vậy không phải vì ông đã từng đeo lon Đại tá 4 sao (lúc ông còn trong Quân đội, cấp Đại tá có Đại tá 4 sao và Đại tá 3 sao, thế nên nhà thơ Phạm Tiến Duật mới có bài thơ mừng Văn nghệ Quân đội: Nay mừng tạp chí được huân chương/ Anh Thiều (nhà văn Xuân Thiều), anh Điệng (nhà văn Dũng Hà) với anh Phương (nhà văn Hồ Phương)/ Thượng tá bỗng dưng thành Đại tá/ Cũng như khu phố đổi ra phường. Tham gia quân đội ngay từ đầu cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống Pháp và liên tục làm phóng viên mặt trận của các tờ báo Quân đội như Chiến sĩ Liên khu 4, Vệ quốc quân, QĐND... mà nói  vậy vì những trang viết hay nhất của ông là những trang viết về bộ đội, viết cho bộ đội và cái căn bản làm nên tên tuổi Vũ Cao cũng là những trang viết về chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ. Nói đến đội ngũ những nhà văn - chiến sĩ, những nhà văn Quân đội nửa sau thế kỷ XX phải nói đến Vũ Cao.

Vũ Cao tên khai sinh là Vũ Hữu Chỉnh, sinh năm 1922, tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong một gia đình có truyền thống chữ nghĩa văn chương (ông là anh ruột nhà văn Vũ Tú Nam và Vũ Ngọc Bình, chú ruột ông là nhà thơ Côi Vị và vợ ông là nhà văn Thanh Hương), mất năm 2007 tại Hà Nội. Quê hương ông không chỉ là đất địa linh nhân kiệt - nơi sinh thành của những danh nhân Trần Huy Liệu, Văn Cao, Văn Ký... mà còn là mảnh đất tươi đẹp, nơi có núi Hổ, sông Hầu, có mây sông Vị, có cầu Trình Xuyên... rồi cả những ga tàu, bến sông và những bầy chim ri, chim sẻ... Nói đến thơ Vũ Cao là nói tới thơ bộ đội, đúng rồi, nhưng nói tới thơ ông cũng phải nói tới những bài thơ về quê hương của ông, trong đó đặc biệt xuất sắc có bài Còi tàu với những câu:

Quê tôi Núi Hổ, chợ Hầu

Bóng mây sông Vị, cây cầu Trình Xuyên

...

Tôi theo bè bạn lên  đường

Nắm tay rồi sẽ lớn khôn thành người

Có lần quay lại phố Gôi

Chào hàng cây với bóng đồi để đi

Mấy đần chim sẻ chim ri

Tiễn chân tôi đã bay về lại lên!

Núi Hổ là nơi khai sinh chàng trai Vũ Hữu Chỉnh, Núi Đôi là nơi ghi danh Vũ Cao vào văn học. Bây giờ thì cả hai ngọn núi này còn đó nhưng nhà thơ của chúng ta thì đã đi xa. Dẫu vậy, nghĩ về thơ bộ đội những người yêu thơ, những bạn đọc bộ đội lại nhớ tới ông, lại nhớ về một ngọn núi nhỏ nơi miền sơn cước cùng câu chuyện tình của một thời chiến tranh lãng mạn và bi tráng. Và bóng dáng người thơ năm nào lại hiện ra qua vần thơ của một đệ tử mà sinh thời ông rất yêu quý - nhà thơ Xuân Sách:

Sáng ra nhấp một chén... khà

Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi.

Thập tam trại – 2019

Núi Đôi

Bảy năm về trước, em mười bảy

Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng

Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa

Bữa thì em tới, bữa anh sang

Lối ta đi giữa hai sườn núi

Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi

Em vẫn đùa anh: sao khéo thế

Núi chồng núi vợ đứng song đôi!

Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới

Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau

Mới ngỏ lời thôi, đành lỗi hẹn

Đâu ngờ từ đó bặt tin nhau.

Anh vào bộ đội, lên Đông Bắc

Chiến đấu quên mình năm lại năm

Mấy bận dân công về lại hỏi

Ai người Xuân Dục, núi Đôi chăng?

Anh nghĩ, quê ta giặc chiếm rồi

Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi

Mỗi tin súng nổ vành đai địch

Sương trắng người đi lại nhớ người.

Đồng đội có nhau thường nhắc nhở

Trung du làng nước vẫn chờ trông

Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm

Em vẫn đi về những bến sông?

Náo nức bao nhiêu ngày trở lại

Lệnh trên ngừng bắn, anh về xuôi

Hành quân qua tắt đường sang huyện

Anh ghé thăm nhà, thăm núi Đôi.

Mới tới đầu ao, tin sét đánh

Giặt giết em rồi, dưới gốc thông

Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa

Em sống trung thành, chết thuỷ chung!

Anh ngước nhìn lên hai dốc núi

Hàng thông bờ có con đường quen.

Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói

Núi vẫn đôi mà anh mất em!

Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo:

Em còn trẻ lắm, nhất làng trong;

Mấy năm cô ấy vào du kích

Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng?

Từ núi qua thôn, dường nghẽn lối

Xuân Dục, Đoài Đông cỏ ngút đầy

Sân biến thành ao, nhà đổ chái

Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay

Cha mẹ đưa nhau về nhận đất

Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau

Nứa gianh nửa mái lều che tạm

Sương nắng khuây dần chuyện xót đau.

Anh nghe có tiếng người qua chợ:

Ta gắng: mùa sau lúa sẽ nhiều

Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc

Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu!

Nhưng núi còn kia, anh vẫn nhớ.

Oán thù còn đó, anh còn đây

Ở đâu cô gái làng Xuân Dục

Đã chết vì dân giữa đất này!

Ai viết tên em thành liệt sĩ

Bên những hàng bia trắng giữa đồng

Nhớ nhau anh gọi em: đồng chí

Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Anh đi bộ đội sao trên mũ

Mãi mãi là sao sáng dẫn đường

Em sẽ là hoa trên đỉnh núi

Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.

Vũ Cao

Ngô Vĩnh Bình