Chuyện thật trong bài thơ “Núi Đôi” (09/08/2012)
Chị tôi sinh năm 1932, tại làng Xuân Dục Đoài, chân Núi Đôi. Lớn lên khi cuộc kháng chiến chốâng thực dân Pháp bắt đầu, chị chịu ảnh hưởng lớn của những người thân tham gia hoạt động cách mạng, như cha Trần Văn Khuê, xã đội phó từ hồi đầu kháng chiến; bác ruột Trần Văn Bích, cơ sở cách mạng, bảo vệ Huyện uỷ Đa Phúc những năm 1945-1946; chú ruột Trần Văn Nghiêm, bộ đội giải phóng quân đã hi sinh; cậu ruột Nguyễn Văn Vấn, chiến sĩ thi đua toàn quân. Căm thù bọn giặc tàn ác đã bắn giết hàng trăm du kích và dân thường ở khu vực chân Núi Đôi, từ tuổi thiếu niên đến 17 tuổi, chị tích cực công tác ở các đoàn thể cứu quốc. Năm 1949, chị làm nhiệm vụ giao thông liên lạc và tiếp tế phục vụ du kích chống càn. Được đi học lớp cứu thương về, chị càng hăng hái hoạt động. Chị tham gia bắn tỉa ở Núi Đôi hàng tháng trời, làm cho bọn địch không dám đi ra ngoài. Bị thương, chị vẫn chiến đấu dũng cảm, được đoàn thể khen ngợi. Năm 1951 chị đi học, một năm sau trở về, chị được cử vào đội quân báo, tổ địch vận và BCH phụ nữ xã.
Từ khi hoạt động bán công khai ở khu vực Lương Châu (nay thuộc xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn), nơi địch dồn dân, chị thường xuyên trà trộn trong dân phu lên đồn địch, gây dựng cơ sở. Hai người chị thường xuyên móc nối là ông Tám Hồng, người làng Lương Châu, làm thợ mộc trong khu bốt Núi Đôi và bà Tuệ, người làng Xuân Dục là vợ Tây, nhờ đó chị thường xuyên nắm bắt được tình hình tề ngụy và kế hoạch càn quét của chúng. Được chị giác ngộ, hai sĩ quan địch đã vác súng tiểu liên ra đầu hàng Việt Minh.
Trước một loạt sự kiện: Hành quân càn quét không hiệu quả, lính ra hàng Việt Minh, binh lính chán ghét chiến tranh… địch đã nghi ngờ có tác động của chị Trần Thị Bắc. Trong một trận càn, địch bắt được cha chị. Ông bị tra tấn chết đi, sống lại vẫn không nhận có con là du kích. Đầu năm 1954, chị nhận được quyết định chuyển lên làm quân báo huyện đội. Chuyến công tác cuối cùng ở xã, chị đã anh dũng hi sinh.
Ngày 16-3-1954 (tức 12-2 âm lịch), sau khi bố trí lực lượng, chuẩn bị địa bàn để mở trận mai phục đánh địch ở khu vực chùa Táo trở về, chị đưa đoàn cán bộ khoảng 30 người, chủ yếu là nữ, từ vùng địch hậu Lương Châu ra công tác vùng vành đai trắng giáp ranh, đến chân Núi Đôi thì đụng địch phục kích. Chị là người đi đầu dẫn đường, bị bắt sống, chúng bịt mồm không cho chị kêu, hòng bắt cả đoàn. Để báo cho đoàn công tác, chị chống cự quyết liệt, lao vào vật lộn với một thằng Pháp chỉ huy, làm nó kêu rống lên. Chúng tức điên quên cả mục đích ban đầu, chĩa tiểu liên bắn hết cả băng đạn vào ngực chị. Đoàn cán bộ nhờ đó mà thoát hiểm. Đồng chí Túc, quân báo huyện cùng anh em du kích đang chuẩn bị hành quân ra nơi mật phục thì nghe tiếng súng và được báo tin Bắc hi sinh, anh em cơ động ra nơi nổ súng thì chị đã tắt thở. Anh em vừa khóc, vừa ôm xác người đồng đội vượt qua vành đai trắng về khu vực Cầu Cốn (Vệ Sơn Đoài) làm lễ truy điệu và an táng chu đáo.
Trong quá trình hoạt động, chị Bắc đã yêu một anh bộ đội ở tiểu đoàn 46 chủ lực tỉnh, quê làng Vệ Linh (xã Phù Linh). Anh chị được tổ chức cho “cưới đời sống mới” vào tháng 12-1953. Cưới xong, hai người lại trở về ngay vị trí chiến đấu. Hơn hai tháng sau thì chị hi sinh.
Sau ngày chị Bắc mất, anh Vũ Cao về đóng quân ở nhà mẹ đẻ của chúng tôi nghe chuyện, xúc động lắm, chỉ một đêm anh đã viết xong bài thơ “Núi Đôi”. Anh ấy bảo không ngờ bài thơ lại thành công đến thế. Bài thơ nói được tình yêu thiêng liêng mãnh liệt và sự hi sinh cao cả của người kháng chiến. Anh bộ đội trong bài thơ tên thật là Trịnh Khanh. Hoà bình lập lại ở miền Bắc, anh là Huyện uỷ viên, Chính trị viên Huyện đội Yên Lãng (Vĩnh Phúc). Sau anh làm Phó ban lịch sử Đảng tỉnh rồi chuyển về làm Chủ nhiệm khoa Lịch sử Đảng thuộc Viện Mác-Lê nin cho đến khi nghỉ hưu. Năm 1955, anh đã về tìm mộ vợ ở khu vực Cầu Cồn, chuyển về an táng cạnh mộ cha ở làng Vệ Linh quê nhà, sau đó, địa phương lại chuyển về nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Dược. Mẹ tôi đã đi hỏi vợ lần nữa cho anh. Lần này, anh kết hôn với em gái một đồng đội đã hi sinh, quê ở làng Hối Dưỡng, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Nay ông Khang đã ngoài 70 tuổi, có 5 con đều trưởng thành. Các con ông đều coi liệt sĩ Bắc là mẹ. Ngày giỗ 12-2, cả nhà quây quần ở nhà anh Trịnh Khánh, con trưởng, làm đám giỗ cho mẹ Bắc. Ngày lễ, tết, anh Khanh về thắp hương viếng người vợ yêu quý ngày xưa ở nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Dược.
Trần Văn Nhuận, Nguyễn Toàn