Chuyện ông Xuân!
Nguyễn Tiến Xuân đang lật từng cuốn sổ nhuốm màu thời gian ghi những liệt sĩ đã báo tin.
Nhưng không phải là thư gửi cho người thân mà là thư cung cấp thông tin về liệt sĩ gửi đến các gia đình, chính quyền địa phương của liệt sĩ mà ông ghi chép lại được thông tin bằng nhiều nguồn, chủ yếu từ chuyên mục Thông tin về những người hy sinh vì Tổ quốc, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Tính đến nay ông đã kiên trì viết hơn 15.000 lá thư cung cấp thông tin, góp phần giúp nhiều thân nhân tìm được phần mộ liệt sĩ.
Nghe ông kể tôi mới hiểu thêm động cơ thúc giục ông làm công việc tình nghĩa. Gia đình ông có 2 anh trai là liệt sĩ. Một anh đã tìm được mộ, còn liệt sĩ Nguyễn Văn Lai thì vẫn chưa tìm được. Ông có tới hàng chục năm thường xuyên nghe Chuyên mục Thông tin về những người hy sinh vì Tổ quốc, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, hi vọng biết được tung tích của anh mình. Nghĩ những gia đình có người thân hi sinh cũng sống trong chờ đợi như gia đình mình, nên năm 2010 ông nảy ra ý nghĩ đóng sổ ghi chép lại những thông tin nghe được về liệt sĩ và gửi thư thông báo phần mộ của liệt sĩ đang ở đâu, an táng tại nghĩa trang nào. Nhất là từ khi ông về hưu, càng có thời gian, ông càng nghe nhiều, viết nhiều...
Sự kiên trì của ông được đền đáp. Từ những lá thư ông gửi đã có 276 gia đình tìm được phần mộ và hàng trăm gia đình biết được địa chỉ nơi chôn cất liệt sĩ...
Việc ông làm xuất phát từ tấm lòng cao cả của người trong cuộc - người mong ngóng thông tin của những liệt sĩ. Ông tuyệt nhiên chưa bao giờ nhận bất cứ sự cảm ơn nào bằng vật chất từ thân nhân liệt sĩ. Ông bộc bạch:
- Với tôi, món quà quý giá nhất là sự phản hồi của thân nhân liệt sĩ từ khắp mọi miền báo tin đã tìm được phần mộ liệt sĩ. Chỉ cần thế thôi!”.
Ngồi lật từng cuốn sổ dày cộp ghi rõ ràng, cẩn thận danh sách từng thông tin liệt sĩ mà ông đã viết thư gửi đi, ông nói vui: - Cứ chồng những lá thư tôi đã gửi lên thì có lẽ phải cao quá nóc nhà rồi đấy.
Trước đây ông còn tự bỏ tiền lương hưu của mình để mua cả tem và phong bì gửi thư. Sau này Tổng cục Bưu điện biết việc làm cao quý của ông, đã ra một “quy chế riêng” bất thành văn, là những thư ông gửi: “Thông tin về liệt sĩ” thì không phải dán tem... Từ ấy không phải mua tem nữa, nhưng đều đặn hằng tháng ông vẫn mua hàng tập phong bì để tiếp tục công việc của mình.
Những lá thư đi chất chứa bao hi vọng - những thư về chở đầy tình cảm, biết ơn. Bà Đặng Thị Dung là con gái của liệt sĩ Đặng Đình Lân ở Đông Hưng (Thái Bình), viết thư cảm ơn ông Xuân. Thư của bà viết: “Bố tôi là bộ đội hi sinh trong kháng chiến chống Pháp, tuy là con nhưng tôi chưa từng biết mặt bố. Gia đình đã lần tìm khắp nơi, nghe ai mách bố ở đâu là tìm ở đó. Người bảo ở Hải Dương tôi đi Hải Dương. Người bảo ở Hải Phòng, Quảng Ninh, tôi đi Hải Phòng, Quảng Ninh... nhưng đều vô vọng. Lần này nhờ có bác Xuân thông tin, phần mộ bố tôi được quy tập về Lục Nam, Bắc Giang. Tôi đã khóc ngất khi vừa bước chân vào Nghĩa trang, nhìn thấy tên bố mình trên đó. Gia đình tôi mang ơn bác suốt đời...".
Còn Chủ tịch UBND xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình - ông Đinh Đức Lai thì viết: "Cảm ơn bác Xuân. Bác đã mang mùa Xuân tới mọi nhà. Nghĩa cử cao đẹp, góp phần mang lại niềm vui cho nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ...".
Tấm lòng nhân đạo, nghĩa cử cao đẹp của ông Nguyễn Tiến Xuân đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen: “Có nhiều thành tích trong cung cấp thông tin liệt sĩ”.
Tiễn tôi ra về, nhìn ông, tôi cứ băn khoăn thấy dáng ông đi không còn khỏe... Như hiểu ý tôi ông tươi cười nói: - Cháu cứ yên tâm, các liệt sĩ còn phù hộ cho ông còn đủ sức làm công việc này tiếp nữa.
Vũ Minh