Chuyện nữ Anh hùng bên dòng sông Lũy
Anh hùng LLVTND Trần Thị Lý.
Trong số các nữ Anh hùng LLVTND được Quốc hội tuyên dương thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, có 2 người có cùng họ tên là Trần Thị Lý. Một, là Trần Thị Lý (có tên gọi là Nhâm), sinh năm 1933 tại Quảng Nam. Hai, là Trần Thị Lý ở Quảng Bình. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu đôi nét về nữ Anh hùng đất Quảng Bình.
Chị Trần Thị Lý sinh ra trong một gia đình nghèo bên dòng sông Lũy, một nhánh của con sông Nhật Lệ, đó là làng Phú Thượng, xã Phú Hải, thị xã (nay là thành phố) Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Là một người lanh lợi, hoạt bát, có ý thức tập thể cao nên chị được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho Đảng ủy, Xã đội. Sinh năm 1945, năm 1964, chị được kết nạp Đảng, lúc đó chị tròn 19 tuổi. Tháng 2-1965, Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang ra miền Bắc đã chọn thị xã Đồng Hới làm điểm đánh mở đầu. Phú Hải là một trong những điểm nóng chiến sự. Lúc này, chị Trần Thị Lý được sung vào lực lượng dân quân, làm chiến sĩ phòng không ở trận địa nam Cầu Dài thị xã Đồng Hới.
Trong những trận chiến đấu đánh trả máy bay thù, chị Lý đã chạy từ trận địa phòng không này sang trận địa khác để truyền mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên, đồng thời dùng súng trường K44 bắn trả máy bay Mỹ. Chị đào hầm sập, cứu đồng đội, đồng bào bị bom Mỹ vùi lấp. Đặc biệt, ngày 4-4-1965, đế quốc Mỹ đã huy động hàng trăm lượt máy bay đến ném bom Cầu Dài, triệt hạ thị xã Đồng Hới, chị Trần Thị Lý đã dũng cảm mưu trí chèo đò chở Bí thư Đảng ủy xã Lê Viết Thuật vượt sông để chỉ đạo dân quân, nhân dân chiến đấu, rồi trở lại trận địa an toàn. Trong một lần bị bom vùi, chị bình tĩnh cởi áo ngoài khoác lên đầu súng để đất đá khỏi vào làm chẹt nòng. Sau đó, chị bươn mình ra, tiếp tục nổ súng bắn máy bay địch.
Với những thành tích xuất sắc, chị đã được Quốc hội tuyên dương Anh hùng ngày 1-1-1967. Cũng trong năm đó, chị được chuyển sang Quân đội, làm Chính trị viên phó Thị đội Đồng Hới. Trải qua công tác ở một số cơ quan, đơn vị trong Quân đội, từ 1985, chị được điều về giữ chức Phó, rồi Giám đốc, Phó bí thư chi bộ Khách sạn Bạch Đằng, Đà Nẵng, thuộc Quân khu 5. Chị là đại biểu Quốc hội Khóa IV, V, VI và từng là ủy viên T.Ư Hội LHPN Việt Nam, ủy viên T.Ư MTTQ Việt Nam; được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Là người đồng hương, đồng tuổi với Anh hùng Trần Thị Lý, tôi được nghe nhiều kỷ niệm sâu sắc và những câu chuyện lý thú về thời thanh xuân xủa chị.
Trong thời gian công tác, chị đã được vinh dự 3 lần gặp Bác Hồ và được Bác trực tiếp khuyên bảo. Lần thứ nhất là lần cùng đoàn Quảng Bình được ưu tiên gặp Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau ngày Đại hội liên hoan Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc (1-1-1967). Gần cuối buổi, Bác Hồ bảo chị Lý hát bài “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân cho Bác nghe. Quá cảm động và lúng túng nên chị chưa hát được ngay thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng “cứu nguy” cho chị và bảo: “Cháu Lý hãy “cầm càng” cho tất cả đoàn cùng hát”. Thế là chị đứng dậy và bắt nhịp cho toàn đoàn Quảng Bình hát bài hát mà Bác và Thủ tướng yêu thích. Lần thứ hai, chị gặp và được Bác Hồ khuyên bảo, là trước lúc lên đường sang Cuba tham dự Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới. Khi Bác hỏi: “Cháu đã chuẩn bị những gì sang thăm và tham quan ở Cuba?”, chị Lý thưa với Bác rằng các chú lãnh đạo cho may áo dài, sắm dày cao gót nhưng sử dụng còn lúng túng lắm. Bác liền bảo: “Cháu sang Cuba lần này để báo cáo thành tích kinh nghiệm chiến đấu của mình và học tập kinh nghiệm của nhiều người khác chứ đâu có phải đi du lịch mà sắm các thứ ấy. Để Bác nói chú Song Hào chuẩn bị bộ đồ bộ đội và dép cao su cho cháu”. Và chị Trần Thị Lý đã mặc trang phục như thế trong suốt thời gian ở Cuba.
Người ta còn kể cho nhau nghe câu chuyện tình yêu của chị với Đại tá Anh hùng Nguyễn Chơn. Lần đó, Đại tá Anh hùng Nguyễn Chơn (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) về Hà Nội tham dự Đại hội liên hoan Anh hùng LLVTND. Người Anh hùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng đó vì xông pha lăn lộn nơi trận mạc, nên sắp bén tuổi tứ tuần mà vẫn “ế vợ”. Thấy Nguyễn Chơn về dự Đại hội lần này có làm thân với nữ anh hùng Trần Thị Lý (nhân một lần xem phim ngồi cạnh nhau), anh em, đồng chí bèn “ra tay” để giúp Nguyễn Chơn. Vào một tối thứ bảy, họ rủ nhau (không quên kéo Trần Thị Lý cùng đi) đến phòng nghỉ của anh Nguyễn Chơn uống nước, chuyện trò. Rồi như đã bàn trước, họ bấm tay nhau, lần lượt rút lui. Đến người cuối cùng ra khỏi phòng, họ không quên khoá trái cửa lại, tạo cơ hội cho hai người tự nhiên tâm sự với nhau.
Hơn 1 giờ, Đại tá Nguyễn Chơn hút hết không biết bao nhiêu điếu thuốc lá, mặt đỏ gay, không biết nói một câu gì cả. Chị Lý ngồi yên như vậy, cũng không dám nhìn Nguyễn Chơn, tay bứt xé không biết mấy lá hoa trong lọ giữa bàn. “Thôi phải mở đường thoát cho hai người”. Nghĩ vậy, chị liền lên tiếng trước:
- Cớ mần răng mà anh em họ nhốt mình trong phòng rứa, Thủ trưởng?
Nguyễn Chơn lúc bấy giờ mới ngẩng lên, ấp úng:
- Là vì… vì… họ nói,… họ nói…
- Họ nói mần răng, thưa Thủ trưởng? - Trần Thị Lý khơi gợi.
Nguyễn Chơn dũng cảm, táo bạo như cố vượt qua một trọng điểm: Họ nói là tui ưng o!
- Họ nói như rứa thì ý Thủ trưởng mần răng?
Nguyễn Chơn lúng túng như một học trò có lỗi:
- Thì… thì…tui cũng ưng o như họ nói thật!
Mãi một lúc sau, Trần Thị Lý mới bộc bạch: Ý Thủ trưởng răng thì em cũng rứa!
Và thế là, anh em đồng chí nghe trộm ngoài cửa, mở cửa chạy vào. Một người vui tính hét vang: Xong rồi! xong rồi! Trận đánh kết thúc hoàn toàn thắng lợi! Chúc mừng anh chị đã phá được hàng rào, xung kích tiến lên chiếm lĩnh trận địa của tình yêu!
Không lâu sau, Nguyễn Chơn ở tuổi 48, Trần Thị Lý ở tuổi 34 thành vợ, thành chồng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cha nuôi tinh thần của Trần Thị Lý bận việc không đến dự lễ cưới được đã gửi tặng đôi tân hôn 1 chai rượu, 2 cây bút máy. Chai rượu mang ý nghĩa mừng cuộc vui. Cặp bút máy mang ý nghĩa khuyên vợ chồng nên chỉ sinh 2 con. Quả vậy, vợ chồng Nguyễn Chơn và Trần Thị Lý sinh được 2 cô gái lanh lợi giỏi giang. Bây giờ 2 cô gái đã có gia đình và làm việc ở 2 cơ quan nhà nước.
Anh hùng Trần Thị Lý là một trong ba nữ Anh hùng bên sông Nhật Lệ (đó là chị Nguyễn Thị Khíu - Anh hùng Lao động, mẹ Nguyễn Thị Suốt Anh hùng Ngành Giao thông vận tải và chị) cùng được Quốc hội tuyên dương công trạng trong kỳ Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc năm 1967. Đó là những người đã góp phần làm sáng danh lịch sử quê hương Đồng Hới anh hùng.
Ghi chép của Hồ Ngọc Diệp