Chuyện nhỏ!
Một sự trùng hợp, là khi mạng xã hội và các cơ quan truyền thông đưa cảnh “Đồi Cù, Đà Lạt bị phá nát” rồi hỏi: “Cơ quan chức năng của Lâm Đồng đã ở đâu?”, thì Thành ủy Hà Nội cũng có buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ bàn đến quản lý, khai thác Hồ Tây.
Tại Hội nghị này, đồng chí Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu nhấn mạnh, đại ý: Hồ Tây mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, môi trường, du lịch nên bằng mọi giá phải lưu giữ, bảo tồn và phát huy tiềm năng của hồ.
Đúng như Bí thư Thành ủy Hà Nội nói, tuy Hồ Tây chỉ rộng hơn 526ha, chu vi gần 15km, nhưng là hồ tự nhiên lớn nhất Hà Nội, xung quanh có 71 di tích lịch sử văn hóa, được ví là nơi “Giữ hồn cốt Hà Nội”... Ví như, Cổng làng Yên Thái hiện vẫn còn đôi câu đối, tạm dịch là: “Thuần phong mỹ tục mãi mãi chiếu trên mặt nước Hồ Tây/ Lời hay việc tốt lưu truyền dài lâu như hương thơm của hoa nhài”.
Tuy nhiên, “giữ” Hồ Tây khó khăn, phức tạp nhất là tình trạng dân lấn chiếm đất hồ làm nhà ở, biến của công thành của riêng, thì đến nay đã được thành phố kè toàn bộ tuyến đường quanh hồ, nhưng là từ dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Và Hồ Tây cũng đã được quy hoạch từ hơn ba thập niên trước. Nghĩa là “giữ” Hồ Tây bây giờ chỉ cần cán bộ các cấp của thành phố duy trì đúng theo quy hoạch là Hồ Tây sẽ mãi mãi là Hồ Tây.
Mà phàm đã gọi là “cán bộ” thì phải thực thi nhiệm vụ theo đúng quyền hạn, chức trách của mình thôi. Kinh nghiệm, nếu cán bộ “không bật đèn xanh” thì dân chả dám vi phạm. Đó là chưa nói Hà Nội còn có các cơ quan T.Ư “soi, xét” hằng ngày, hằng giờ...
Nên Thành ủy hoàn toàn yên tâm, dành thời gian chăm lo đội ngũ cán bộ của thành phố thực sự là “công bộc của dân” - có cán bộ đúng là cán bộ rồi, thì chuyện “giữ” Hồ Tây nay sẽ chỉ còn là “chuyện nhỏ”.
Huy Thiêm