Chuyện người thuyền trưởng đầu tiên vượt biển ra Bắc (16/05/2011)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ năm 1959, song song với việc mở đường mòn Hồ Chí Minh dọc theo dãy Trường Sơn, Bộ Chính trị đã chỉ đạo cho Bộ Tư lệnh Hải quân thành lập đơn vị vận tải biển đầu tiên để chở vũ khí, lương thực, thuốc men... vào miền Nam. Để bảo đảm con đường vận tải biển được thông suốt, Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo cho các tỉnh ở dọc theo bờ biển Nam bộ tự tổ chức những con thuyền vượt biển mở đường ra miền Bắc...

Người Thuyền Trưởng Đặng Bá Tiên là một trong 34 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên vượt biển ra Bắc năm xưa, sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về những chiến công thầm lặng của các anh.

Đồng chí Đặng Bá Tiên, sinh năm 1931, tại xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí sinh ra trong một gia đình Công giáo toàn tòng nhưng cả bố, mẹ, chú, cậu, anh ruột đều tham gia Việt Minh và đều là đảng viên nên ngay từ khi còn ở tuổi niên thiếu, đồng chí đã được giác ngộ cách mạng và đã tham gia đưa thư, gọi loa tuyên truyền, đi mít tinh biểu tình... rồi tham gia đội du kích ở địa phương. Năm 1949, đồng chí được kết nạp vào Đảng và được điều lên làm cán bộ thuộc Ban tôn giáo Tỉnh ủy. Trong chiến dịch Điên Biên Phủ, đồng chí tham gia công tác tuyên truyền trong đoàn dân công “Cung ứng tiền phương”. Sau ngày đình chiến 1954, đồng chí lại tham gia vào Ban tuyên truyền chống cưỡng ép di cư, rồi ngay trong thời gian này, đồng chí được cấp trên bố trí trộn vào đoàn đồng bào Công giáo di cư vào Nam để hoạt động cách mạng, bỏ lại sau lưng bố mẹ già, một người vợ trẻ đang mang thai đứa con đầu lòng và bao bà con họ hàng, bạn bè đồng chí thân yêu...

Mặc dù phải đến một vùng đất xa lạ, xa quê hương, xa gia đình, xa tổ chức, một mình đơn phương độc mã không cửa nhà, không tiền của, chỉ với hai bàn tay trắng, với ít vốn sống từ khi hoạt động trong kháng chiến chống Pháp và một số lời chỉ dẫn của các đồng chí lãnh đạo như đồng chí Lê Thanh Nghị, Ngô Thuyền... Từ trên chuyến tàu chở dân di cư đổ bộ xuống cảng Sài Gòn, đồng chí đã nhanh chóng hòa vào dòng người di cư xuống Đồng Tháp Mười, cùng với một số thanh niên đi làm thuê cho dân bản xứ như đắp bờ kênh, cắt cói, dệt chiếu, chăn vịt... Chẳng bao lâu anh đã được nhân dân địa phương gọi bằng cái tên thân thương - Tư Bắc...

Qua khá nhiều cuộc đấu tranh tập thể của bà con Giáo dân để bảo vệ ruộng đất đã khai phá, những người cộng sản ở địa phương quan sát, nghe ngóng và đặt câu hỏi: “ Ai là người chỉ dẫn bà con đấu tranh theo kiểu cách này”. Anh nhớ nhất lần đầu tiên được các đồng chí đảng viên địa phương bố trí cho anh gặp chị Ba Định (lúc đó làm Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre). Qua những câu hỏi thăm dò ban đầu, chị Ba hỏi tiếp:

  • Cậu di cư vào đây với ai?

  • Thưa chị tôi đi có một mình!

  • Bây giờ tôi hỏi thực, cậu có phải là đảng viên được Đảng cử vào?

Lúc này Đặng Bá Tiên đã hiểu khá rõ người đang hỏi mình là ai nên anh vô cùng xúc động và trả lời trung thực:

  • Thưa chị đúng vậy ạ!

Khoảng vài ngày sau, Đặng Bá Tiên lại được gặp chị Ba Định và được nghe chị thông báo:

  • Ở ngoài Hà Nội báo cho tôi rõ rồi. Cậu là người theo đạo Công giáo đã được giác ngộ và tham gia công tác cách mạng từ trong kháng chiến chống Pháp, được kết nạp Đảng từ năm 1949. Bây giờ cậu được kết tập vào chi bộ đảng địa phương chứ không phải làm lễ kết nạp đảng viên mới nữa. Cũng từ những ngày này Đặng Bá Tiên lại được chị Ba Định đặt cho cái tên mới là Tư Giáo...

Anh nhớ đinh ninh lời chị Ba Định căn dặn trước khi đi “Điều lắng”. “Cậu Tư Giáo bắt buộc phải đi Điều lắng lúc này là lánh đi để bảo toàn lực lượng. Nhiệm vụ của cậu là phải “nằm im” chứ không được “động đậy gì?”. Chẳng bao lâu nữa, tổ chức sẽ rất cần cậu. Cậu luôn phải giữ liên lạc, khi nào có mật báo thì bảo trở về ngay”...

Tháng 4-1960, đồng chí Ba Định được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Tư Giáo được chị điều về làm công tác Tôn giáo của tỉnh. Và từ đó Tư Giáo có tên mới là Sáu Giáo.

Thấm thoắt phong trào Đồng Khởi đã được một năm. Lúc này cách mạng miền Nam đã vượt qua những thử thách nghiêm trọng nhất, từ thoái trào và thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế chủ động tiến công, liên tiếp dành được những thắng lợi vang dội trên khắp các chiến trường. Tình hình cách mạng miền Nam đòi hỏi phải được đúc kết, phát triển thành lý luận và cần có sự chi viện tốt hơn về mọi mặt từ Trung ương. Do đó, Xứ ủy Nam Bộ và Tỉnh ủy Bến Tre có ý định cử một đoàn cán bộ dùng thuyền vượt biển ra miền Bắc, báo cáo tình hình cách mạng miền Nam và qua chuyến đi này, nối thông hành lang chiến lược bằng đường biển để tranh thủ sự chi viện của Trung ương về mọi mặt.

Một lần nữa Sáu Giáo lại được chị Ba Định trực tiếp gọi lên giao nhiệm vụ trọng đại này.

  • Cậu có dám trở lại miền Bắc lúc này không?

  • Em là đảng viên, Đảng giao nhiệm vụ gì thì em cũng cố gắng làm tròn.

  • Thế cậu định đi bằng đường nào?

  • Đường biển, em thấy đi đường biển là tạo được yếu tố bất ngờ và nhanh nhất.

  • Thế cậu đã đi biển bao giờ chưa?

  • Em con nhà ngư dân và đã theo cho ra biển từ năm 11 tuổi. Hơn nữa, ngày đi “Điều lắng” em đã đi lái kéo trên sông biển và đã tranh thủ học để thi lấy bằng lái tàu thủy hạng nặng.

Chị Ba Định vỗ tay và cười rất sảng khoái:

  • Ý Đảng, lòng dân là một rồi. Bây giờ cậu về suy nghĩ, xây dựng kế hoạch, sáng mai qua đây ta bàn tiếp.

Nói xong câu đó Sáu Giáo thấy nét mặt của chị Ba rạng rỡ hẳn lên và chính anh cũng nhận thấy tấm bằng lái tàu thủy anh bỏ xó từ mấy năm trước không còn là “đồ vô dụng” nữa...

Sau một vài chuyến tập dượt đánh cá bằng con thuyền mới mua. Ngày lên đường đã gần kề, Sáu Giáo liên tiếp được gặp chị Ba và một số đồng chí lãnh đạo Khu, giao nhiệm vụ rất tỉ mỷ. Anh chú ý lắng nghe rồi tự ghi chép trong đầu từng “tài liệu” để ra Trung ương báo cáo cho đầy đủ, chính xác và dễ hiểu chứ tuyệt đối không được ghi ra giấy hay bất cứ một phương tiện nào khác. Có thể nói ngày đó, cái đầu Sáu Giáo là một “kho tư liệu sống”, in ra được hàng ngàn trang sách tài liệu; nhưng lúc bấy giờ anh chỉ còn được sử dụng một phương châm: “Sống để dạ chết mang đi”.

Đoàn thủy thủ gồm 6 người: Đặng Bá Tiên (Sáu Giáo) - Thuyền trưởng, Nguyễn Văn Tiến (Năm Kiệm) - Bí thư chi bộ, Huỳnh Văn Mai (Tư Đen), Nguyễn Văn Bê (Hai Bê), Nguyễn Nhung (Hai Hùng) và Ba Đức (Đức đen), tập kết ở bến Cồn Lợi, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre. Vào tối thứ bảy, ngày 1-6-1961, đoàn thủy thủ lên đường. Đồng chí Ba Định và đồng chí Mười Khước (cán bộ Xứ ủy Nam Bộ) đến tận nơi tiễn đoàn.

Sau ngày lênh đênh trên biển, thuyền đã đến vùng biển Phú Yên; Thuyền trưởng Sáu Giáo cho thuyền dạt vào đất liền cho anh em nghỉ ngơi một ngày, lấy thêm nước ngọt, mua đường nấu chè những điều quan trọng nhất là để tính toán thời gian vượt Cửa Tùng vào đúng tối thứ bảy, là lúc bọn địch lơ là mất cảnh giác nhất. Từ Phú Yên trở ra là cả một chặng đường vất vả gian nan. Giấy phép đánh cá không còn giá trị nữa. Tàu tuần tiễn của địch liên tục quần đảo. Để đảm bảo an toàn, con thuyền bé nhỏ phải chạy mãi ra ngoài hải phận quốc tế. Sáu thủy thủ phải thay nhau cầm lái, cảnh giới địch và vật lộn với sóng gió khủng khiếp. Có người ói ra cả mật xanh mật vàng. Đúng vào tối thứ bảy vượt Cửa Tùng - cửa ải ác liệt nhất, quyết định cái rang giới giữa thành công và thất bại. Bởi thế ai cũng hồi hộp. Riêng Đặng Bá Tiên tâm trạng thật khó tả. Là người chỉ huy, người vạch ra kế hoạch vượt biển, những giờ phút ấy thật hệ trọng. Anh sẽ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân miền Nam trong cái khoảng khắc ngắn gủi này...

Chiếc thuyền 30 mã lực mở hết tốc độ lao về hướng Bắc, không gặp trở ngại gì, bởi đã được tính toán rất kỹ. Trí tuệ và ý chí của những người cộng sản đã chiến thắng. Khoảng ba giờ sáng, các thủy thủ phát hiện thấy có hai chiếc tàu phía trước mặt. Tiên quan sát giải thích cho anh em biết đó là tàu của ta. Cũng phải đi mất một ngày trời mới thấy những ngọn núi nhấp nhô và những vệt xanh thẫm, dấu hiệu của đất liền rõ dần. Khoảng nửa đêm, anh em gặp rất nhiều thuyền giăng đèn đánh cá. Xem xét kiểu dáng thuyền và cách ăn mặc của ngư dân, Tiên nhận thấy đúng là vùng biển miền Bắc; anh cho thuyền chuyển hướng đi dần vào đất liền. Hỏi thăm một số ngư dân, các anh biết mình đang ở vùng biển thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Tiên sung sướng lệnh cho anh em neo thuyền nghỉ ngơi; kết thúc 8 ngày đêm lênh đênh trên biển cả. Đoàn thủy thủ không biết rằng, từ khi chiếc thuyền máy đậu lại, các anh đã bị phong tỏa. Lúc này miền Bắc đang rất cảnh giác rất cao đối với bọn biệt kích đường biển. Sáng hôm sau, bốn chiếc tàu sắt khép chặt vòng ngoài, một chiếc ca nô của đồn công an biên phòng ra đưa toàn đoàn vào đất liền. Mỗi người được giữ ở một nơi khác nhau; có hai chiến sĩ biên phòng bồng súng canh gác. Hết công an biên phòng lại đến công an huyện, công an tỉnh đến “làm việc”. Đã thống nhất với nhau từ trước, mọi người chỉ khai là làm công cho chủ thuyền Sáu Hải, thuyền bị lạc. Tiên chỉ được phép nói thật khi gặp Trưởng Ty công an hoặc Chủ tịch, Bí thư tỉnh. May sao đến ngày thứ ba, Tiên gặp được anh Trang, Phó Ty công an tỉnh Hà Tĩnh, trước đây có thời gian công tác cùng với Tiên ở Khu 4. Anh Trang vội về Ty, điện báo gấp ra Hà Nội. Ngày hôm sau, đồng chí Ngô Tám, Vụ Trưởng Vụ tổ chức, Ban thống nhất Trung ương đi ô tô vào tận nơi đón đoàn ra Hà Nội. Khoảng 10 giờ đêm, đoàn về đến nhà khách của Ban thống nhất Trung ương trên đường Quán Thánh. Hai vị lãnh đạo cao cấp của Đảng là đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Phạm Hùng vẫn đang ngồi chờ những người con ưu tú của quê hương Đồng Khởi- những người mở đầu cuộc khởi nghĩa từng phần ở đồng bằng Nam Bộ, nay lại mở đường biển ra miền Bắc, nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn ai nấy bắt tay miệng cười mà nước mắt cứ chảy dòng.

Bắt đầu từ sáng hôm sau, qua bốn ngày liên tục, Đặng Bá Tiên được vinh dự thay mặt đoàn báo cáo với các đồng chí trong bộ chính trị: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Lê Văn Lương về tình hình Đồng Khởi ở Bến Tre. Việc triển khai nghị quyết 15, việc thực hiện phương châm “hai chân”, “ba mũi”, về xây dựng lực lượng cách mạng tổ chức đội quân tóc dài, về vấn đề ruộng đất và chăm lo đời sống nhân dân...Thực tiễn đấu tranh phong phú, sinh động của Đảng bộ, quân dân Bến Tre đã góp phần giúp các đồng chí lãnh đạo của Đảng định hướng đúng đắn cho đường lối cách mạng miền Nam.

Từ khói lửa của cuộc chiến tranh khốc liệt, sống chết chỉ cách nhau gang tấc, những chiến sĩ cách mạng miền Nam tưởng như không có gì hạnh phúc hơn trong những ngày sống giữa thủ đô, được hưởng sự ưu đãi đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, và Nhà nước. Đồng chí Lê Duẩn gọi những chiến sĩ vượt biển là những cảm tử quân, cho phép các cảm tử quân đề đạt nguyện vọng và đáp ứng tất cả nguyện vọng của anh em: Đi thăm Điện Biên, Nhà máy Dệt Nam Định, đi tàu hỏa sang Trung Quốc, thậm chí cả chuyến đi Hải Phòng bằng máy bay một lần cho biết.

Một buổi tối đoàn được vinh dự gặp Bác Hồ, được quây quần tại nhà sàn của Bác. Đó là những giờ phút hạnh phúc, thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi người. Bác ân cần hỏi thăm về cuộc sống chiến đấu của đồng bào Bến Tre. Đặng Bá Tiên thay mặt anh em báo cáo với Bác về cuộc đấu tranh gian khổ, ác liệt, về những tấm gương dũng cảm hi sinh, một lòng bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng quân dân Bến Tre. Tiên thưa với Bác ý nguyện của đồng bào miền Nam là sớm đánh thắng Mỹ - Diệm để rước Bác vào thăm. Bác cười mà nước mắt rưng rưng. Khi biết trong đoàn mới có hai người là đảng viên, Bác bảo: “Cảm tử quân mà không hi sinh người nào, như thế thì giỏi quá! Tất cả các chú đều xứng đáng là đảng viên, riêng chú Tiên, Bác đặt thêm tên cho chú là Sáu Hải”.

Không chỉ là lời khen mà nó còn là chỉ thị. Chỉ mấy ngày sau, Ban thống nhất Trung ương đã làm đầy đủ thủ tục kết nạp đảng cho cả bốn người trong đoàn.

Ghi nhận sự đóng góp của đồng chí Đặng Bá Tiên đối với sự nghiệp cách mạng Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho đồng chí Huân chương Độc lập hạng hai và nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2009, đồng chí vinh dự được đón nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Hiện tại tuy tuổi cao sức yếu nhưng đồng chí vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương. Hằng năm đồng chí vẫn về Bến Tre thăm lại đồng bào, đồng chí, thăm những nơi cùng đồng đội đã một thời oanh liệt. Bến Tre vẫn dành cho anh Tư Bắc, anh Sáu Giáo, Sáu Hải, Đặng Bá Tiên một tình cảm đằm thắm, thiết tha và coi đồng chí như là một người con yêu tú của quê hương Đồng Khởi.

Trích hồi ký của Trịnh Duy Sơn