Chuyện làng tôi (14/07/2011)

Xin nói luôn, ma khô ở đây đều là ma liệt sĩ; họ đều là bộ đội từng chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt trên khắp các chiến trường từ miền Bắc, miền Nam tới nước bạn Lào và Campuchia trong thời kỳ đánh Mỹ.

Thường vậy, cả tuần, trước ngày đưa liệt sĩ về quê thì gia đình đã báo trước để người trong họ còn kịp lo tiền phúng viếng; để người ngoài họ lo thời gian thăm hỏi. Còn chính quyền thì lo viết điều văn sao cho thống thiết; để trang hoàng khánh tiết, buổi lễ truy điệu lại (vì trước lúc báo tử đã truy điệu rồi) được hoành tráng, trang nghiêm.

Chuyện bà L, vợ liệt sĩ B. Khi liệt sĩ hy sinh thì bà dù mới chỉ có một mụn con gái, nhưng vẫn quyết chí thủ tiết thờ chồng, trong khi kiếp thuyền quyên vốn lắm đa đoan và nhẽ đời thì “hoa thơm bướm lượn”.

Vả lại, con người ta làm sao có thể nắm chặt tay suốt từ tối đến sáng được. Vì thế nên vợ liệt sĩ B tự nhiên bụng cứ bự lên. Bây giờ chuyện ấy thì bình thường chứ cách nay hơn 30 chục năm, chuyện ấy khủng khiếp lắm. Bà L đã phải cắn răng gánh chịu sự đớn đau ghê gớm trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần. Cũng may, đứa con thêm của bà là trai; cháu thông minh, học giỏi và tỏ ra rất có hiếu, cháu đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học ở nước ngoài. Năm ngoái về nước, sau khi cho tiền giúp chị gái theo chồng vào Cần Thơ lập nghiệp, lại đưa cho mẹ 80 triệu đồng để lo trọn gói từ việc đi xem, đi lễ đến tiền thuê xe hai lần từ Hưng Yên vào Tân Biên Sa Mát, tỉnh Tây Ninh, rước hài cốt cha dượng về quê rồi làm ma khô linh đình; cũng phát tang cùng khăn ngang áo dài, kèn trống não ruột, ăn uống rả rích mấy ngày. Nhưng cháu nói với mẹ, nhất định không cầm một đồng bạc phúng viếng của ai, khiến dân làng ai cũng nể trọng, luôn mồm tấm tắc: Đúng là đẻ con khôn mát rượi cái con người; dưới suối vàng hẳn ông B cũng ngập tràn hạnh phúc. Và cứ theo luận thuyết của người đời là dương sao âm vậy, lấy việc được no xôi chán chè là hạnh phúc thì ông B hạnh phúc lắm. Nhưng ông đâu biết rằng, ông càng hạnh phúc bao nhiêu thì bà L càng đau khổ bấy nhiêu.

Vì rằng chẳng biết vong em nhập vào xác anh thế nào mà ông bác cứ khơi khơi chửi mắng bà có mưu gian từ trước nên đã dành “trứng tốt”, đợi chồng chết mới đẻ con trai với thằng khác. Rồi lấy lá lót tay đuổi bà L ra khỏi chính ngôi nhà mà cả đời bà chắt chiu xây dựng. Chuyện xưa của bà thì cả làng đều biết, nhưng cả làng đều đã thông cảm. Còn chuyện nay của ông bác thì cả làng đã mấy ai hay. Bà L cho đó là chuyện thời đại, vì nó không nằm ngoài chuyện đất đai. Mấy năm gần đây đất lên lên giá vùn vụt mà ông bác lại có tới ba đứa con trai. Ba con trai là ba gia đình đang lụng bụng ở chung trong miếng đất chưa đầy một sào. Một hôm, không biết bác gái nghe ở đâu cái thông tin thằng con riêng của bà L có ý định mua nhà ở Hà Nội để đưa mẹ ra ở, liền tức tốc về bàn với chồng, ông phải làm thế nào chứ không thể để hoài thóc ta cho gà người bới được. Nay ông bác tự dưng bới chuyện cũ của bà, không những bà chẳng ngạc nhiên mà còn rất khinh thường tâm địa của họ. Với họ thì đây là dịp tốt để thực hiện nốt kế hoạch xâm chiếm đất đã có từ lâu.

Còn câu chuyện vong ông Tần nhập vào ông Tấn thì lại làm sáng lên một sự thật khác mà sự thật này trước đó, từng là tảng băng chìm, gây nghi kỵ, chia rẽ tình đoàn kết giữa nhà ông Tấn với nhà ông Sở.

Tuy ba anh em Tấn, Tần, Sở cùng chung dòng máu cha, nhưng lại khác dòng máu mẹ. Bà cả sinh được Tấn, Tần, bà hai sinh được Sở... Bây giờ làng tôi vẫn có người nhớ chuyện cụ Đám Tích có hai vợ, nhưng khác người ở chỗ một bà từng là chủ, một bà từng là tớ. Năm cải cách ruông đất chỉ vì bà hai (lúc đó chưa lấy ông) nông nổi đi nghe người ta xui dại, tố điêu làm bố bà cả bị chết oan; cho nên bà cả căm lắm. Khi nghe tin chồng định lấy vợ hai lại chính là kẻ ăn người ở nhà bà năm trước thì bà ra công phá, nhưng không nổi. Cái gì cụ Đám đã quyết thì khó bề thay đổi. Cụ bảo: Để tôi dung hoà hai dòng máu địa chủ và bần nông thành dòng máu xã hội chủ nghĩa.

Thế rồi chiến tranh đã lôi Tần và Sở vào cuộc. Tần đăng lính Hải quân còn Sở và Bộ binh. Ngày miền Nam giải phóng, ông Tấn thay mặt bố và hai mẹ, hôm trước nhận tin buồn, giấy báo tử em Tần, chỉ vẻn vẹn mấy chữ “hy sinh anh dũng tại mặt trận phía Nam”. Hôm sau, ông nhận được tin vui, em Sở vẫn sống, đang là cán bộ quân quản tại Sài Gòn.

Hoà bình đã được mười năm, ông Tấn muốn vào Nam để thăm phần mộ của em Tấn liền được ông Sở lúc đó là sĩ quan quân đội, thu xếp cho ông đi liền.

Những tưởng hình ảnh đứa em trai cùng bố mẹ đã nguôi ngoai; nào ngờ mấy năm nay, làng, xã lại rộ lên phong trào đi tìm đưa hài cốt liệt sĩ về quê, khiến ông Tấn lại thấy canh cánh trong lòng.

Nhiều đêm không ngủ được ông bần thần trở dậy bật đèn lục tìm ảnh Tần ra ngắm nghía. Lòng ông lại rất muốn đưa hài cốt em Tần về; mà sao lần nào đưa ra bàn, chú Sở cũng gạt đi bảo rằng: Còn gì nữa đâu mà đưa với đón.

Xem ra chú ấy chưa thật bụng; hay là lại nghe vợ sợ tốn kém. Đã thế thì ông quyết tâm đến trung tâm ngoại cảm để nhập đồng.

Bà cô hỏi han rất kỹ lưỡng từng thông tin về liệt sĩ và ông cũng trả lời rất cụ thể. Thế là chưa tàn một tuần hương, vong đã nhập vào người ông làm ông khóc tu tu như một đứa trẻ, co rúm chân tay mà hờ rằng: Em là Tần đây, em vẫn đầy đủ nguyên vẹn tứ chi; chỉ có điều đang đói cơm rách áo, chẳng ai cho ăn, chẳng ai cho mặc; chung quanh lại toàn người lạ không biết than thở cùng ai. Anh Tấn nhất định phải mang em về, chứ đừng trông mong gì cái thằng Sở, tuy cùng máu cha, nhưng tanh dòng máu mẹ...

Lần này trước khi đáp ứng nguyện vọng của ông, ông Sở bắt ông phải làm giấy cam đoan rằng: Sự thật dù thế nào đi chăng nữa ông cũng không được thối chí và phải tin vào lòng tốt của con người.

Ông Tấn không ngờ chú em cùng bố khác mẹ của mình lại “oai” đến thế; xe đến tỉnh nào là có bè bạn ở tỉnh đó ra đón. Còn tỉnh có nghĩa trang Tần nằm thì đích thân đại tá, tỉnh đội trưởng cứ luôn miệng: Sao thủ trưởng vào mà không điện cho em biết trước, em sẽ lo cho hết mọi công đoạn; còn nếu gia đình nhất định xin đưa về thì thú thực không có gì để mà đưa. Và anh ta cũng nói đúng như có lần ông Sở đã từng nói: Tần hy sinh trên biển, khi bom địch đánh chìm cả con tàu nên không còn thi thể. Cái nghĩa trang nhỏ này là nghĩa trang tượng trưng; những hàng mộ bên trái kia tuy có tên liệt sĩ hẳn hoi nhưng không có cốt đâu. Bác cả không tin, em cho người đào lên để bác rõ.

Sự thật dù xót xa đau đớn đến thế nào thì trước sau vẫn cứ là sự thật. Lúc đầu mắt ông Tấn còn ráo khô, sau đó dần dần đỏ nhoèn. Lưỡng lự ông định bọc một nắm đất đem về, nhưng lại bảo, thôi cũng chẳng nên hình thức quá; nắm đất này có nghĩa lý gì. Nếu em Tần đã nằm giữa lòng biển khơi thì cũng là nằm trong lòng bao dung của đất mẹ Việt Nam.

Bỗng ông Tấn loạng qoạng đưa hai bàn tay chới với về phía ông Sở: Chú Sở cho anh xin lỗi vì đã có lúc anh nghĩ sai về chú; anh thật có tội với chú; có tội với cha hu hu... Không để ông Tấn quỳ xuống đất, rất nhanh ông Sở đã đưa hai tay nâng ông anh đứng thẳng dậy, bất giác cả hai người đàn ông cùng đưa tay lau mắt cho nhau...

Ký của Nguyễn Thành