Chuyện không phải để cười...
Chẳng biết lúc ấy tôi tỉnh hay mơ? Hình như tôi vẫn đang tỉnh. Hoặc nếu có ngủ thì ngủ cũng chưa được bao lâu. Rõ ràng tôi vừa mới nằm xuống thì chợt giật mình vì có một bóng người đứng ngay ở đầu giường, nhìn tôi ngây dại. Một ông lão tóc bạc, da mặt nhăn nheo nhưng lại son phấn, trang điểm như một cô dâu mới về nhà chồng. Tự nhiên, tôi thấy rờn rợn...
- Ông đừng ngại bộ mặt hóa trang này. Tôi đâu muốn thế. Cả đời, tôi có son phấn bao giờ đâu. Tôi cũng đã nói thế rồi, nhưng chẳng ai hiểu. Cái lũ trẻ ranh ấy... Nhưng rồi, đời người, ai cũng thế cả. Vào cái khoảnh khắc ấy...
- Thế ra cụ là...?
- Vâng, ông đừng sợ. Tôi không phải là ma. Tôi chỉ là một kẻ oan khuất, đi kêu oan. Tôi đã gõ cửa nhiều người. Trong đó có một nhà thơ danh tiếng. Ông ấy cũng đã mang chuyện tôi kể với mọi người bằng một bài thơ rất hay. Nhưng bây giờ, hình như chẳng có ai đọc thơ, dù ngay cả thơ hay. Khổ vậy. Tôi đành phải tìm đến ông...
- Thế thì cụ nhầm rồi. Tôi mời cụ đến tòa án. Tòa án mới là nơi cứu người oan khuất trước vành móng ngựa...
- Nhưng chuyện của tôi, tòa án lại không thể can thiệp được.
- Thế thì làm sao tôi có thể giúp cụ được?
- Ông là bạn của báo chí. Ông cộng tác với bao nhiêu tờ báo có lượng in lớn, có rất đông người đọc. Tôi cũng từng là bạn đọc của nhiều tờ báo mà ông có bài in. Bây giờ, ông lại tung hứng theo bạn bè, mở thêm trang Blog, Facebook...
- Nhưng chuyện của cụ có cười được không? Tôi chỉ thích cười thôi. Tôi thích những chuyện cười. Mình vừa viết vừa cười. Bạn đọc vừa đọc vừa cười cơ…
- Thế chuyện của tôi mà không buồn cười à? Buồn cười mà không cười được. Thế mới khổ, mới lại càng buồn cười. Vả lại, đời người, cũng phải có lúc cười, lúc khóc. Chứ cứ hềnh hệch suốt ngày thì có khác gì con đười ươi. Mà cười cũng có hàng ngàn kiểu cười. Có cái cười thành tiếng. Có khi cười lại ra nước mắt. Có lúc cười mà lại không phải là cười...
- Vâng, cụ bình vậy thì tôi cũng chỉ biết vậy...
- Cái số tôi khổ lắm ông ạ. Tôi cả một đời nghiêm túc, thanh bạch mà rồi cuối cùng lại thành một trò cười, ông bảo có khổ không? Bà lão nhà tôi mất sớm, tôi ở vậy, cung cúc “gà trống nuôi con”. Khi ấy tôi còn trẻ lắm. Cũng có ối người đàn bà trẻ đẹp muốn đỡ đần tôi. Nhưng không ai có thể thay bà nhà tôi được. Tôi chỉ yêu duy nhất có mỗi bà ấy. Bây giờ bà ấy khuất núi rồi, bao nhiêu tình cảm sức lực, tôi dồn hết cho thằng con trai. Mà thằng bé nhà tôi, lạy giời cũng rất chăm chỉ. Nó học giỏi, thông minh, làm giám đốc ngành, rồi làm đến tận chức quan đầu tỉnh. Chả gì cũng to nhất một vùng. Nhiều người bảo tôi có phúc. Tôi thì cũng chẳng biết thế nào? Nhưng tôi chỉ có mỗi nó, duy nhất một mình nó. Thế mà hôm tôi ngã bệnh ra đi, tôi thấy lố nhố quanh quan tài, có bao nhiêu đứa chít khăn xô, vận quần áo xô, là đồ tang lễ chỉ dành cho người ruột thịt. Mà chúng thì không phải họ hàng. Mặt mũi chúng lạ hoắc. Tôi chẳng nhìn thấy bao giờ. Thế mà chúng cũng sụt sịt, có đứa còn khóc ra cả nước mắt nữa mới lạ chứ. Vừa khóc, vừa len lén nhìn thằng con tôi. Ô hay… lạ quá, mà khổ thật đấy!
- Cụ có lỗi gì đâu mà khổ!
- Tôi bị vu oan… Có người bảo tôi có con riêng!
- Không, họ không khóc vì cụ, họ chẳng liên quan gì với cụ…
- Đúng! Đúng! Không thể vì tôi được. Có đứa nào thèm để ý đến mặt mũi tôi đâu. Ngay cả tấm hình của tôi bày trên kệ thờ, chúng cũng không thèm lé mắt đến. Mặt mũi chúng lạ hoắc. Lấc láo. Thế thì sao chúng lại khóc?
- Họ khóc vì ông con cụ đấy. Khóc để lấy lòng con cụ…
- Thế thì phải rồi... Đúng rồi thế mà . Ối giờ đất ơi! Ối con ơi! Cứ tưởng bố chết, hóa ra là con chết...
Trần Đăng Khoa