Chuyện kể của phu nhân Thượng tướng Trần Văn Trà
Vào khoảng cuối năm 1952, khi đó tôi là Trưởng trạm Y tế xã Điển Bạch, huyện Cà Mâu, tỉnh Bạc Liêu, được các bác Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Dương Quốc Chính... là những người đồng chí, người bạn thân thiết của ba tôi, ngỏ ý mai mối cho tôi lấy anh Trần Văn Trà. Các bác, các chú ấy khen anh Trà hết lời, bảo rằng ảnh là người vừa có tài vừa có đức, rất phù hợp với tôi. Vậy là tôi yên tâm, nhận lời.
Bác Lê Đức Thọ vui lắm, liền cho người báo với anh Trà xuống miền Tây để làm đám cưới. Anh Trà rời Tây Ninh đi Bạc Liêu nhưng mới được chừng 2/3 chặng đường thì nhận được điện của đồng chí Phạm Hùng, phải quay lại căn cứ gấp để lo việc đối phó với hoạt động bố ráp của địch. Đám cưới ở miền Tây đành hoãn lại. Các bác hội ý rồi quyết định sẽ đưa tôi lên căn cứ ở Tây Ninh để tổ chức đám cưới trên đó. Tổ chức phân công anh Mai Chí Thọ bố trí người đưa mẹ con tôi đi. Cuộc hành trình từ Bạc Liêu lên Sài Gòn hết sức gian nan, khi thì đi xuồng, khi thì đi bộ. Chúng tôi được một chị trong tổ chức liên lạc thành đưa đi. Thách thức lớn nhất là làm sao qua được các trạm gác của địch. Nếu bị lộ, sa vào tay giặc, không chỉ hạnh phúc của tôi và anh bị tước đoạt mà còn là mối nguy hiểm cho tổ chức. Lúc bấy giờ nếu con gái trắng trẻo, xinh xắn như tôi đi qua các trạm gác là tiêu ngay với tụi lính. Nếu không bị bắt vì tình nghi thì cũng bị chúng dùng chiêu giở trò. Chị liên lạc là người rất thông minh, nhanh nhẹn và mưu trí. Biết tâm lý của đám sĩ quan, lính gác rất sợ bị lây bệnh thuỷ đậu, nên chị đã lấy nhọ nồi trộn với dầu ăn, hóa trang cho tôi trở thành một người đàn bà xấu xí mắc bệnh thủy đậu, mặt trùm kín khăn: Chị vo tròn bột nhọ nồi với dầu ăn rồi gắn nó lên cơ thể tôi, tạo thành những cái mụn thủy đậu gớm ghiếc. Qua các trạm gác, chị nói với tụi lính là đang đưa bệnh nhân thủy đậu lên Sài Gòn chữa trị, ở một số trạm, tụi lính xét qua loa rồi cho đi. Nhưng cũng có nhiều nơi chúng làm rất căng, chị liên lạc phải đưa tiền cho tụi nó, mới qua được.
Sau mấy tuần lễ, chúng tôi mới tới được Sài Gòn. Từ đây lại có người của tổ chức đưa chúng tôi đi Tây Ninh. Bằng sự mưu trí, sáng tạo, các đồng chí ấy đã đưa mẹ con tôi vào khu giải phóng trót lọt. Chúng tôi được các anh bộ đội đưa về Văn phòng Bộ Tư lệnh. Dọc đường đi đến mỗi trạm, chúng tôi lại được bàn giao cho các đồng chí ở trạm mới tiếp nhận và đưa đi tiếp. Chúng tôi đến căn cứ Dương Minh Châu vào những ngày giáp Tết. Vợ chồng anh Phạm Hùng đón chúng tôi về nhà. Tôi được chị Mai Thanh, vợ anh Phạm Hùng chăm sóc tận tình, chu đáo.
Các anh trong Bộ Tư lệnh quyết định tổ chức đám cưới cho hai chúng tôi vào đúng ngày 3-2. Ai cũng bảo, đây là một đám cưới đặc biệt, vừa chúc mừng hạnh phúc của vợ chồng đồng chí Phó tư lệnh Nam Bộ kiêm Tư lệnh Phân khu Miền Đông, vừa kỷ niệm ngày thành lập Đảng, vừa là tiệc đón mừng năm mới. Gọi là tiệc nhưng thực ra chỉ có tinh thần thôi, còn mâm cỗ thì hết sức giản lược, chỉ hơn bữa ăn ngày thường chút đỉnh. Vợ chồng anh Phạm Hùng tặng chúng tôi một lạng đường. Anh Vũ Hắc Bồng tặng cho một bánh xà bông thơm. Trong điều kiện kháng chiến khó khăn, thiếu thốn trăm bề, những món quà cưới ấy thực sự là của hiếm. Sau ngày cưới, tôi dành lạng đường ấy cho một chị trong Văn phòng Bộ Tư lệnh để chị nuôi con nhỏ.
Tôi nhớ mãi không khí vui tươi, hạnh phúc của lễ cưới hôm đó. Đám cưới tổ chức giữa rừng. Mọi người múa hát rất sôi nổi và dành cho hai chúng tôi những tình cảm, lời chúc mừng chân thành, thắm thiết. Mấy chú bộ đội buộc khăn rằn làm váy, nắm tay nhau hát, múa bài "Dân Liên Xô vui hát trên đồng quê". Đang múa hát rộn ràng thì có một chú bị tuột váy làm cả hội trưởng cười như vỡ bụng. Anh Trà cũng biểu diễn văn nghệ rất "sung". Anh hát các bài "Sông Lô", "Bình Trị Thiên khói lửa" và ngâm thơ. Tôi cảm nhận cuộc sống ở chiến khu mặc dù hết sức kham khổ, vất vả, khó khăn nhưng tình yêu thương mọi người dành cho nhau thì không bút nào tả hết.
Vợ chồng tôi được Văn phòng Bộ Tư lệnh cho một căn nhà lá, đơn sơ, nhưng thật xinh xắn, lãng mạn, phía dưới là nơi làm việc của anh, bên trên có căn gác, là phòng ngủ của hai vợ chồng. Đám cưới xong là bắt tay vào công việc. Tôi được giao làm ở bộ phận Y tế của Văn phòng Bộ Tư lệnh và là người trực tiếp theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho anh. Tôi nói với anh: “Em không chỉ là vợ anh mà còn là y tá riêng của Thủ trưởng, những vấn đề về sức khỏe, anh phải tuyệt đối nghe lời em”!. Anh chỉ cười xòa. Làm vợ anh, tôi mới thấy cường độ làm việc của anh khủng khiếp tới mức nào. Anh làm việc không kể ngày đêm, cơ động như con thoi, có khi đi cơ sở cả tuần mới về. Sau những chuyến công tác, anh gầy rộc, hốc hác, nên hầu như ngày nào tôi cũng phải tiêm thuốc cho anh theo đơn bác sĩ. Bấy giờ tôi mới cảm nhận được đối với các cán bộ như anh, vai trò của người vợ quan trọng đến mức nào.
Ở căn cứ được mấy tháng thì chúng tôi tập kết ra Bắc, bước sang một giai đoạn mới của cách mạng và của cuộc sống gia đình…
Quỳnh Nga (ghi)