Chuyện hy hữu của một thương binh
Câu chuyện mà tôi sẽ kể sau đây là chuyện có thực, nhân vật có thực, đang sống ở tổ dân phố 8, phường Đồng Sơn, T.P Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đó là ông Nguyễn Văn Trỗi, sinh năm 1947, tại thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, T.P Đồng Hới. Nguyên là cựu Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi (NCT) Quảng Bình.
Chuyện là vào tháng 9-2020, ông được Nhà nước công nhận là thương binh hạng 4 với mức 26% thương tật, sau hơn 47 năm 7 tháng bị thương do bom đạn Mỹ gây ra, theo quy định của Nhà nước, ông được truy lĩnh tổng cộng số tiền là 106.395.000 đồng. Số tiền truy lĩnh đó được tính bằng phụ cấp thương binh 26% thương tật mỗi tháng là 1.353.000 đồng nhân với 47 năm 7 tháng.
Khi biết tôi có ý định viết để kể ra cho mọi người nghe câu chuyện hy hữu về quyết định được công nhận thương binh của ông, ông Nguyễn Văn Trỗi đã “a lô” cho tôi mà khẩn khoản: “Đừng, đừng nhé, xin anh đừng viết nhé”.
Thái độ của ông Nguyễn Văn Trỗi là đức khiêm tốn chân thật của người cán bộ, một đảng viên có 55 tuổi Đảng, một cựu Phó chủ tịch Hội NCT Quảng Bình. Nhưng tôi nghĩ còn một đều tế nhị là ông và vợ con ông không muốn mọi người biết chuyện 3 mảnh bom Mỹ vẫn còn “nằm vùng” đã 50 năm (1972-2022) ở vùng kín của ông.
Ba mảnh bom Mỹ mà đợt kiểm tra của Phòng Giám định y khoa của Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình nhờ Khoa Điện quang Bệnh viện Việt Nam - Cuba soi chụp ngày 23-5-2019, xác minh theo yêu cầuđã hiện rất rõ. Ông Nguyễn Văn Trỗi còn giữ tất cả hồ sơ, trong đó có tấm phim chụp sự phản quang của 3 mảnh vỡ của bom Mỹ ấy. Và tôi, tác giả bài này cũng đã “thực mục tại sở thị”. Được hỏi về việc tồn tại 3 mảnh bom trong cơ thể mình, ông kể:
Sáng 15-5-1972, ông Nguyễn Văn Trỗi lúc đó là Xã đội phó xã Bảo Ninh, thị xã Đồng Hới. Ông có mặt tại trận địa phòng không của dân quân thôn Mỹ Cảnh phía sau đồi cát để thị sát tình hình trận địa. Khoảng 9 giờ sáng, một tốp máy bay F.4H của Mỹ từ ngoài biển bay vào. Từ trên cao, nó lao xuống ném bom một vùng ở thị xã Đồng Hới. Các tay súng phòng không của tổ săn máy bay Mỹ ở Mỹ Cảnh Bảo Ninh, nổ súng đón đầu. Máy bay Mỹ không trúng đạn và lao vào phía dãy núi Trường Sơn. Hình như những thằng “giặc trời” phát hiện ra trận địa mặt đất đang săn chặn nó, nên sau đó từ phía Trường Sơn, hai thằng F.4H lao qua trên bầu trời sông Nhật Lệ và ném bom xuống trận địa phòng không này của Bảo Ninh.
Hai quả bom nổ, cách trận địa khoảng gần 100m khiến khói bay nghi ngút bao trùm một vùng. Hết âm thanh chát chúa do bom nổ, các chiến sĩ dân quân trực chiến từ công sự ngoi lên, mặt người nào người nấy đều đen ngòm như vừa mới bôi nhọ nồi. Không ai thương vong. Tiếng cười chiến thắng của nam nữ dân quân ở đây vang lên sảng khoái. Nhưng kìa, hai tay của Xã đội phó Nguyễn Văn Trỗi tứa máu. Nữ y tá dân quân xã đội có mặt lúc đó vạch tay áo Nguyễn Văn Trỗi lên xem. Và chị la lên, khi phát hiện máu túa ra đỏ ngầu từ vùng pagét phía trước của Nguyễn Văn Trỗi. Chị đã nhờ một nữ xạ thủ của khẩu đội phòng không dìu anh Trỗi vào nhà y tá trưởng trong thôn để cứu chữa. Tại đây, y tá trưởng lau rửa, băng bó vết thương “thằng cu” cho Nguyễn Văn Trỗi. Sợ để lâu sẽ phiền phức cho người bị thương, y tá trưởng đã dùng kim chỉ khâu vết thương cho “thằng cu” Nguyễn Văn Trỗi, nhưng không ngờ, có 3 mảnh bom rất bé đã nằm yên ở đó cho đến khi vết thương tạm ổn. Sau 10 ngày điều trị tại Bệnh xá Bảo Ninh, Nguyễn Văn Trỗi tạm bình phục, trở về lao động và tiếp tục tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Sống chung với mảnh bom thù trong vùng kín của mình, mặc dù trước đó ông đã có một con trai và sau đó có thêm hai đứa con nữa (một cháu bị mất vì tai nạn lúc gần 1 tuổi), trong sinh hoạt hằng ngày, lắm khi ông Nguyễn Văn Trỗi thấy lấn cấn, nhưng không nghĩ là còn mảnh bom trong vùng kín của mình.
Nhiều năm sau đó, ông Nguyễn Văn Trỗi kinh qua nhiều địa vị công tác, và ở vị trí nào ông đều hoàn thành tốt, được khen thưởng; trong đó có 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Nhờ những nhân chứng trong trận đánh ngày 15-5-1972 còn sống và giấy tờ điều trị trong 10 ngày sau đó tại Trạm xã Bảo Ninh mà ông tìm lại được và được sự ủng hộ của nhiều người có trách nhiệm, bỏ qua những mặc cảm bấy lâu, ông Nguyễn Văn Trỗi đã quyết tâm đến Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình xin làm mọi thủ tục để được hưởng chế độ thương binh.
Trải qua quá trình làm hồ sơ vất vả, đợi chờ, khi kết quả của bản phim mà Khoa Điện quang Bệnh viện Việt Nam - Cuba ngày 23-5-2019 chụp được công bố, 3 mảnh vỡ trong cơ thể của Nguyễn Văn Trỗi, nên tháng 9-2020, Sở LĐTBXH Quảng Bình đã ra quyết định công nhận ông là thương binh kể từ ngày 15-5-1972, sau 47 năm 7 tháng kể từ ngày bị thương do giặc Mỹ gây nên.
Sau khi nhận tiền truy lĩnh, tháng 6-2021, ông Nguyễn Văn Trỗi đã đến Ủy ban MTTQ T.P Đồng Hới ủng hộ 1 tháng phụ cấp thương binh của mình là 1,4 triệu, góp sức cùng toàn dân chống dịch Covid-19. Ông cười và bắt tay, khi tôi đến nhà ông chơi, rồi sung sướng nói:
- Có công thì có của, Nhà nước ta công bằng và chu đáo với tất cả mọi người, khi mọi người sống hết mình vì đất nước, quê hương.
Đồng Hới, tháng 6-2023
Hồ Ngọc Diệp