Chuyện ghi ở bệnh viện Chợ Rẫy

Câu chuyện thứ nhất: Tháng 5-2000, bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành ghép thận cho 3 bệnh nhân, trong đó có tôi. Ngày ấy làm một ca ghép thận là vấn đề không đơn giản. Nếu tính từ ca ghép thận đầu tiên được tiến hành tại Quân y viện 103 (Hà Nội) thì sau 8 năm, tới tôi mới là ca thứ 27 trong cả nước. Sau phẫu thuật, khi còn nằm trong phòng cách ly, người nhà của chị Trúc, một bệnh nhân, cũng được ghép cùng đợt với tôi, lén hỏi nhỏ: “Anh đã bồi dưỡng bác sĩ bao nhiêu rồi?”. Tôi lắc đầu. Nhưng rồi ngày hôm sau người nhà chị Trúc với khuôn mặt buồn, than vãn: “Tôi vừa bị ông Sinh la quá trời anh ạ. Ông ấy nói cần tập trung lo cho người bệnh chứ không phải lo chuyện bồi dưỡng bác sĩ”. Thì ra người nhà chị Trúc tìm đến tận nhà “thăm bác sĩ” với bịch trái cây gọi là “cây nhà lá vườn” kèm theo “phong bì 10 triệu đồng”. Ngay sau đó bác sĩ Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa Tiết niệu, người chịu trách nhiệm chính ca ghép thận, xách bịch trái cây vào khoa để anh chị em chia xẻ “cây nhà lá vườn”, còn 10 triệu đồng thì giao cho bộ phận hành chính nhập vào sổ tiền tạm ứng viện phí của bệnh nhân Trúc.
Câu chuyện thứ hai: Tháng 1-2014 vừa qua, nhân dịp gặp mặt hằng năm các bệnh nhân ghép thận do bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức, một số anh chị em bệnh nhân ghép thận nhân dịp chuẩn bị Tết Giáp Ngọ nhã ý có món quà nho nhỏ tặng các thầy thuốc đang trực tiếp điều trị cho mình. Chị Trần Kim Thư, một người cũng được ghép thận cùng đợt với tôi đã thay mặt các bệnh nhân trao “phong bì 12 triệu đồng” cho bác sĩ Chủ nhiệm khoa. Lần này, cũng vẫn là Phó giáo sư Trần Ngọc Sinh, trưởng khoa Tiết niệu “vui vẻ nhận” với lời cám ơn chân thành những tấm lòng của bệnh nhân, đồng thời chuyển toàn bộ số tiền đó vào quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo…
TRẦN HÙNG