Chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước (DNNN), một chủ đề không mới, chúng ta đã nói nhiều trong văn kiện của Đảng và trên các diễn đàn. Vấn đề là chúng ta lúng túng, chưa có giải pháp nhất quán.
“Không bàn lùi việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản doanh nghiệp nhà nước”. Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Đặng Huy Đông tại cuộc Đối thoại diễn ra ngày 27-5-2016. Nhưng vấn đề là làm như thế nào?

Tái cơ cấu chưa đạt yêu cầu đề ra
Đối với DNNN, ai cũng biết một thực tế đau lòng là lãng phí, thất thoát nhiều, mà không ai phải chịu trách nhiệm. Lịch sử phát triển kinh tế mọi nơi trên thế giới đã luôn chứng tỏ và cảnh báo rằng việc trực tiếp đầu tư và điều hành sản xuất kinh doanh không phải là chức năng của cơ quan nhà nước công quyền.
Sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực kinh tế dân doanh liên tục phát triển vươn lên nhanh chóng đã tạo thành nền kinh tế với cơ cấu mới về chất. Kinh tế dân doanh trong nước đã đạt tỷ trọng trên 40%; DN có vốn đầu tư nước ngoài gần 20%; DNNN gần 40%. Trong khi Nhà nước đầu tư tới một khối lượng rất lớn vốn và tài sản sở hữu toàn dân vào sản xuất kinh doanh tại các DNNN, chỉ tính các DN có 100% và trên 50% sở hữu Nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản đã lên đến 5.408 nghìn tỷ đồng - phải nói là rất lớn.
Chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tập trung vào 3 trụ cột tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính; tái cơ cấu DNNN trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong giai đoạn 2011-2015. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 20/20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền. Các bộ, địa phương phê duyệt đề án của 79 tổng công ty nhà nước trực thuộc.
Tuy nhiên, kết quả tái cơ cấu DNNN chưa đạt được như mong muốn.

Nước đã ngập đến đâu?
Ai cũng biết một nội dung được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng XII là tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước và chức năng quản lý nhà nước; sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN. Thực ra, vấn đề này văn kiện Đảng đã nói từ rất lâu, lần này nhắc lại nên cũng không phải lúc bàn chủ trương mà là bàn cách làm thế nào.
Ngày 27-5, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức đối thoại chính sách về khó khăn thách thức trong thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước cho thấy: các ý kiến đều đồng ý phải có cơ quan chuyên trách, song khá nhiều ý kiến băn khoăn với đề xuất tại dự thảo về mô hình cơ quan chuyên trách là cơ quan thuộc Chính phủ, có tên gọi dự kiến là Ủy ban Đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tóm lại là còn đang rất loanh quanh bởi không khéo xóa được “bộ chủ quản” thì lại sinh ra “bộ mới” bởi “hành chính hóa”, “nhà nước hóa” là “sở trường” đậm dấu ấn Việt Nam. Nếu tái cơ cấu DNNN mà lại sinh ra “bộ mới” thì không khéo “con kiến leo cành đa”!
Suy cho cùng, không ai là không quan tâm đến “hệ số lương”.
Có một nghịch lý rất Việt Nam nữa là, chủ trương xóa bỏ cơ chế chủ quản cũng đã từng được thảo luận ở nhiều diễn đàn, những không những chưa được gỡ bỏ, mà còn phát triển sang một số lĩnh vực mới!.
Thực tế cho chúng ta thấy: sở hữu nhà nước không phải là nguyên nhân quan trọng nhất làm giảm tính hiệu quả của DNNN mà cơ chế quản lý mới là vai trò quan trọng. Ta yếu về cơ chế quản lý. Vì vậy, cần thiết đẩy nhanh hơn nữa chương trình cải cách DNNN theo hướng xây dựng cơ chế quản lý hợp lý đối với DNNN.
Mục tiêu cao nhất là vừa nâng cao được hiệu quả kinh doanh của DNNN, vừa tạo điều kiện cho các bộ, ngành tập trung hơn vào những công việc thích hợp với vai trò, chức năng của mình.
Không thể bàn lùi việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản DNNN vì như có người ví “nước đã đến chân”. Còn trong thực tế thì nước đã ngập đến bụng rồi!
Từ Tâm