Chuyện “đất vàng” ở New York

Nếu có dịp đến thăm TP. New York (Mỹ) bạn sẽ phải bất ngờ vì nơi đây không những là trung tâm thương mại, tài chính lớn, mà còn là nơi có mật độ dân cư cao nhất thế giới. Dân số thành phố được ước tính khoảng hơn 8,3 triệu người, diện tích đất là 789,4km2.
Giá một mét vuông đất ở New York hiện nay vào khoảng 20 nghìn USD - một mức giá mà chỉ có những triệu phú, tỷ phú mới dám mơ đến chuyện mua để kinh doanh và sinh sống.
Tuy với mật độ dân cư cao nhất nước và giá đất còn quý hơn vàng như thế, nhưng chính giữa trung tâm TP. New York lại có một công viên rộng tới 3,41km2 - Công viên Trung tâm (Central Park)
Hẳn bạn đọc sẽ vô cùng ngạc nhiên và tự hỏi: Tại sao TP. New York lại dành khu đất rộng, ở vị trí đẹp nhất giữa trung tâm thành phố để xây dựng công viên công cộng?
Nhưng rất dễ lý giải nếu chúng ta trở lại ngọn nguồn từ những ngày hình thành ý tưởng quy hoạch thành phố. Đó là vào khoảng trước năm 1857, lấy ý tưởng định hướng cho quy hoạch, chính quyền TP. New York đã quyết định xây dựng công viên rộng lớn tầm cỡ thế giới này để không chỉ phục vụ nhu cầu giải trí, vui chơi thư giãn của người dân, mà còn là “lá phổi xanh” cho cả thành phố. Cũng phải nói thêm rằng Công viên Trung tâm chỉ là một trong rất nhiều công viên khác trên toàn TP. New York với tổng diện tích lên tới 100km2 và 23km bãi sông, bãi biển công cộng.
Không phải không có phản đối ý tưởng xây dựng Công viên Trung tâm, nhưng hầu hết ý kiến của các nhà khoa học tham gia lập quy hoạch đều khẳng định và thống nhất, không những xây dựng, mà Công viên Trung tâm thành phố còn phải được quy hoạch đáp ứng với mật độ dân cư dự tính của ít nhất 5 thế kỷ sau. Nhà thơ, kiêm biên tập viên tờ New York Evening Post là một trong những người đầu tiên kêu gọi phải xây dựng ngay công viên này. Vì theo ông: “Công trình tốt cho sức khỏe, tốt cho thành phố và tốt cho mọi thứ…”.
Chính nhờ những ý tưởng trong quy hoạch tổng thể này mà từ khi xây dựng thành phố, các kiến trúc sư người Pháp đã “khoanh công viên” trong tổng thể hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị. Đến nay không chỉ Công viên Trung tâm thành phố mà đường giao thông, khu nhà ở, công sở, trung tâm thương mại, dịch vụ… vẫn hợp lý đến mức hoàn hảo.
Công viên Trung tâm thành phố nay đã trở thành một trong ít những công viên đẹp và rộng lớn nhất thế giới. Từ năm 1962 trở thành Danh lam lịch sử Quốc gia thì Công viên được giao cho một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận quản lý, kinh doanh theo một hợp đồng ký với chính quyền thành phố. Tổ chức này chịu trách nhiệm 80,7% nguồn nhân lực và đóng góp 83,5% trong tổng số 37,5 triệu USD mỗi năm cho thành phố duy trì hoạt động của Công viên.
Có lẽ cả do quy hoạch và phương thức quản lý phù hợp mà đã qua mấy trăm năm nay, Công viên Trung tâm TP. New York vẫn luôn mới như vừa xây dựng; lại như nó không thể không có, không thể không là ở vị trí đó của thành phố.
Không chỉ người dân TP. New York mà cả nước Mỹ coi Công viên Trung tâm là của họ. Tuyệt nhiên không có vi phạm, không có tranh chấp kể từ ngày xây dựng công viên đến nay…
Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng từ câu chuyện xây dựng Công viên Trung tâm TP. New York (1857) nhìn lại quy hoạch và thực hiện quy hoạch của các thành phố, đô thị nước ta nói chung, Hà Nội nói riêng, không ai không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Ví dụ như TP. Hà Nội, vốn dĩ được người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ cho một thành phố với dân số hơn 30 nghìn người, tầm nhìn 100 năm không quá 50 nghìn người. Đến nay dân số đã lên tới 7,8 triệu người, trong khi những con phố, công trình ngầm không những không được mở rộng, mà hệ thống sông ngòi, ao hồ còn bị san lấp một cách vô tội vạ. Nghiêm trọng hơn nữa là hàng loạt những tòa nhà chung cư cao tầng, tòa nhà thương mại hàng mấy chục tầng thi nhau mọc lên như nấm.
Có một nghịch lý là quy hoạch “con” bất chấp quy hoạch “bố” và dường như ngày một tập trung vào khu trung tâm để “gặm đất vàng” Hà Nội, dẫn đến hạ tầng cơ sở của Hà Nội không còn đáp ứng nổi nữa.
Xin mọi người cố liên tưởng giữa “cung” và “cầu” của Hà Nội bây giờ giống như một xô nước to (cầu) đổ vào một cái bát con (cung) để thấy được mức độ rất nghiêm trọng của cơ sở hạ tầng thành phố.
Nhân đây, người viết xin cảnh báo Hà Nội càng mở rộng đường, thì giao thông càng ùn tắc.
Chỉ còn lối thoát duy nhất là xây dựng ngay (ngay lập tức) những thành phố vệ tinh với tiện nghi và chính sách ưu đãi thật tốt hơn hẳn nội đô, mới hy vọng cứu được “đất vàng” Hà Nội.
Hiện nay, các “thành phố vệ tinh” của TP. Hà Nội tất cả dường như còn nằm trên giấy!
Tiễn sĩ Nguyễn Minh Phong