Chuyện của người vợ liệt sĩ (11/08/2011)

Không được báo trước, bà sững sờ nhưng rồi trầm tĩnh trong nụ cười đôn hậu. Là người khách lần đầu đến nhà nhưng tôi thấy ấm áp qua cử chỉ thân thiết cởi mở; bà đón tôi như người thân trong nhà đi xa lâu mới về.

Sau những lời thăm hỏi chuyện trò thân mật, bà kể: “Tôi về làm dâu gia đình nhà tôi ông ấy là con một; chỉ có hai chị em, bà chị lấy chồng ở xóm trên. Các cụ vốn cần cụ chịu thương, chịu khó nên nhà chồng tôi cũng có bát ăn, bát để. Ở nhà tôi là chị cả, tám người em trong nhà, vốn lam lũ vất vả quen từ thuở nhỏ lại được phú tính có cái sức khỏe tốt, nên gánh vác công việc gia giáo của gia đình nhà chồng nhanh chóng thích nghi, được bố mẹ chồng quý mến.

Trong lúc mẹ chồng tôi đang trống vắng vì bố chồng tôi mất được một thời gian ngắn, thì nhà tôi, anh ấy được lệnh gọi lên đường nhập ngũ. Quả thực lúc ấy tôi thấy bị sốc và hụt hẫng quá; vì mẹ chồng tôi đã già, tôi một mình với bốn người con nhỏ, thằng thứ tư vẫn còn ẵm ngửa. Nhưng được mẹ chồng tôi động viên an ủi: “Con cứ vui vẻ để chồng con nó lên đường làm tốt nhiệm vụ; là trai trẻ thời đất nước có chiến tranh phải vậy con ạ! Ở nhà mẹ con cháu mình trông cậy nương nhờ vào nhau, mọi công việc đã có chính quyền và hợp tác xã giúp đỡ…”. Tôi như được tiếp thêm nghị lực để có sức vượt qua những khó khăn sau này.

Thế rồi một buổi sáng tôi tiễn anh lên đường theo con đường trùm mát rượi của những bóng cây đa cổ thụ, người già ở quê cũng không biết ai trồng từ lúc nào. Sau cái nắm tay dặn dò, tôi dừng lại dưới gốc đa cổ thụ đầu làng; nhìn bóng anh thấp thoáng theo đoàn quân xa dần, trong tôi tâm hồn bồng bềnh suy nghĩ miên man. Rồi hình ảnh thằng nhỏ con tôi còn ẵm ngửa hiện lên mà bước chân đôn đáo vụt quay về, tôi đỡ nó trong tay mẹ chồng rồi ôm chặt nó vào lòng. Ba thằng anh nó tíu tít quanh tôi hỏi chuyện: “Bố đi… bao giờ về hả mẹ?”. Tôi lặng người xoa đầu chúng mà nhắc lại lời dặn của chồng tôi trước lúc lên đường: “Bố đi bộ đội đánh Mỹ; ở nhà các con chăm ngoan học giỏi, vâng lời bà và mẹ, bao giờ về, bố mua quà cho nhé!”

Giọng bà nghẹn lại, rồi đưa tay vuốt mái tóc đã điểm bạc bởi những năm tháng dãi giầu sương gió, tần tảo thay chồng nuôi mẹ và các con! Rồi bà kể tiếp: “Những ngày đầu quả thật là gian nan, nhất là khi trái gió trở trời, các con đau yếu, nhưng được mẹ chồng tôi thực am hiểu cảnh mẹ chồng nàng dâu, mẹ tôi luôn chuyện trò tâm sự động viên, nhiều đêm thức trắng chăm sóc các cháu những lúc chúng ốm đau cùng an ủi động viên tôi. Từ đó tôi có người mẹ thực sự là chỗ dựa vững chắc giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn phức của cuộc sống khi các con tôi còn thơ dại.

Ở địa phương, chính quyền cùng các đoàn thể, nhất là hội phụ nữ đều tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình bộ đội, trong đó có nhà tôi, từ bố trí công việc, giúp công sửa chữa các công trình trong gia đình.

Trong tình thương yêu đùm bọc bao la của tập thể, sự bao dung che chở của mẹ chồng, các con tôi mỗi ngày một lớn khôn và lần lượt cắp sách đến trường. Tôi vẫn tự nhủ: Ở nhà mình cố gắng để cho anh ấy ở ngoài mặt trận được yên tâm với nhiệm vụ”.

Cuộc sống đang êm đềm trôi đi, nào ngờ một ngày cuối hạ năm 1973… cái tin đến với gia đình tôi như sét đánh ngang tai:

Địa phương tổ chức báo tử cho chồng tôi!

… Thế là anh ấy đã hy sinh!...

Tôi thổn thức bàng hoàng lao đến ôm lấy mẹ chồng mà nức nở, rồi lặng thiếp đi miên man với bao suy nghĩ mông lung từ những ngày còn chung sống với anh. Rồi hình ảnh những cây đa cổ thụ và cái nắm tay dặn dò ngày tiễn anh lên đường lại hiện lên trong tôi. Trong lúc đang miên man bởi vô vàn suy nghĩ, tôi tỉnh lại thì thấy thì thấy mẹ chồng đã ngồi cạnh tôi từ lúc nào, mẹ vỗ về tôi: “Thôi sự đã rồi, chồng con đã hy sinh vì nhiệm vụ Tổ quốc giao cho cũng là một vinh dự lắm con ạ. Con càng xót xa bao nhiêu thì mẹ càng đau lòng bấy nhiêu! Hãy gắng gượng lên để cho mẹ và các con của con yên lòng”. Ở cái tuổi 14, thằng Đoàn con lớn tôi thấy bà và mẹ thủ thỉ, nó vẫn đứng tần ngần mếu máo, nhìn đứa em út vẫn tung tăng chạy đi chạy lại đùa nghịch nó mới lên tiếng: “Còn đùa à!”. Trong đầu tôi thoáng vụt lên: Mình phải vững vàng can đảm lên chứ, để thực sự là chỗ dựa cho mẹ và các con, nuôi dạy cho chúng ăn học trưởng thành, gánh vác trách nhiệm thay chồng.

Từ ngày báo tử chồng tôi hy sinh, mọi công việc hàng ngày mẹ tôi luôn bên cạnh đỡ đần tôi, mẹ thương con, con thương mẹ. Nhiều khi bảo nghỉ mà mẹ chồng tôi vẫn cứ đeo đẳng từ việc đồng áng cùng tôi suốt mười mấy năm, sau khi tuổi 80 kề cận thì mẹ mới chịu nghỉ. Giúp việc ở nhà được vài năm thì cụ quy tiên. Cũng là lúc các con tôi đã trưởng thành, và hiện nay con đầu tôi là đang là giám đốc một công ty xây dựng.

Con thứ hai là cán bộ ở một vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Con thứ ba là trợ lý giúp việc cho anh cả.

Con thứ tư, thằng út ngày bố lên đường còn ẵm ngửa nay đang làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh.

Công việc trong nhà tạm ổn định; các con tôi mải mê mỗi đứa một công việc; chỉ những khi có công việc trong nhà hay ngày tết, hoặc lệ làng thì chúng mới tụ họp về. Khi ở gần cái tuổi thất thập này đã được lên chức bà từ lâu, tôi nghĩ: Mình phải làm một việc gì để lại sau này! Thế là tôi ngỏ ý báo cáo lãnh đạo chính quyền, hội người cao tuổi địa phương xin phép trồng một số cây đa để bù vào chỗ những cây đa cổ thụ do năm tháng thời gian mà chúng đã nhường lại đất trống. Ban đầu tôi có ý định trồng bốn cây để kỷ niệm cho bốn thằng con trai nhà tôi. Nhưng ngày ngày rào tưới cây tôi càng làm càng thấy ham và đã trồng được 11 cây. Cho tới nay, sau 10 năm, hàng cây đã lên xanh tốt, cành là xum xuê tỏa bóng mát. Người trong xã đi qua ai cũng trầm trồ khen ngợi: “Bà mát tay thật”. Giọng bà trầm lại nhưng dứt khoát để lộ hai hàng răng hạt na vẫn đen bóng với mái tóc chớm điểm bạc pha màu sương gió với bao nỗi toan qua 73 mùa xuân nghiệt ngã đã vượt qua. Bà vẫn nhanh nhẹn, tháo vát.

Đồng chí bí thư chi bộ thay mặt lãnh đạo và nhân dân thôn Thị, ghi nhận và biểu dương tới bà đã có lòng hảo tâm ủng hộ cho thôn 500.000đ, để tu bổ sửa chữa hệ thống đèn chiếu sáng của thôn bị trận mưa vừa rồi làm hư hại hỏng mất một số. Mở cuốn sổ ghi nhận tấm lòng vàng của các cá nhân đã hảo tâm ủng hộ cho thôn Thị để xây dựng những công trình công cộng, tôi càng thấm thía, sửng sốt trước những trang ghi rành rọt từng người rồi chợ nhận ra: Bà Vũ Thị Chuyên! Vợ của liệt sĩ Lương Quốc Trưởng đã chắt chiu dè sẻn chi tiêu hàng ngày để ủng hộ cho thôn tới hơn 10 triệu đồng.

Giọng bà vẫn sang sảng: Bây giờ đã già rồi nhưng tôi lại có thêm niềm vui và cám ơn đoàn cán bo,ä chiến sĩ quân giải phóng miền Đông Nam Bộ của tỉnh Bắc Giang, vừa qua có tổ chức đi thăm chiến trường xưa. Nhân về thăm lại khu căn cứ tỉnh Long An, lại được thông tin và đến nơi chồng tôi đã chiến đấu để bảo vệ nhân dân và đã hy sinh trong khi chống địch càn vào khu căn cứ Đức Hòa. Qua đây tôi cũng xin gửi lời cảm ơn cán bộ nhân dân tỉnh Long An đã đùm bọc chở che cho chồng tôi lúc sống chiến đấu cũng như lúc đã hy sinh! Gần 50 năm rồi tôi như được gặp lại ông ấy. Ngoài kia, trên những cây đa bà trồâng đang vươn cao, cành lá xum xuê, bầy sáo sậu đang tíu tít gọi nhau về làm tổ, tận hưởng những quả đa ngọt lịm thu này.

Lương Văn Thuần