Chuyện của hơn 40 năm trước!

Nhận lệnh của trên, từ miền Bắc, Quân đoàn hành quân thần tốc, vượt hàng nghìn cây số, kịp vào tập kết tại Đồng Xoài, Sông Bé trước giờ chiến dịch mở màn. Quân đoàn có nhiệm vụ tấn công vào trung tâm Sài Gòn từ hướng Bắc. Theo mệnh lệnh của Thiếu tướng Nguyễn Hòa - Tư lệnh Quân đoàn, để tiến được vào trung tâm thành phố, Quân đoàn phải tiêu diệt được hai cụm căn cứ quan trọng của địch là: Lái Thiêu - Tân Uyên và Bến Cát - Lai Khê, do Sư đoàn 3 ngụy chiếm giữ.

Tôi là trợ lý Tác chiến Quân đoàn, được phân công đi cùng mũi đánh vào Tân Uyên. Sáng 30-4, mũi chúng tôi giải phóng được ấp Bình Mỹ. Đang chuẩn bị tiến công căn cứ Tân Uyên, thì bất ngờ một tốp máy bay A.4D của địch ném bom chặn đường tiến của đơn vị và không may, tôi bị thương nhẹ ở môi. Thấy tôi bị thương, một phụ nữ chừng ba chục tuổi, người địa phương, lại gần và nói to: Bộ đội Giải phóng bị thương rồi, các ông cho tôi đưa ông ấy về nhà để cứu chữa, chăm sóc. Gia đình tôi sẽ chăm sóc tận tình, chu đáo, các ông đừng ngại. Tôi là Lê Thị Giềng, ở ấp Bình Mỹ, các ông vừa giải phóng xong đó.

Cảm kích tình cảm của chị, nhưng vết thương nhẹ, nên tôi tiếp tục hành quân cùng đơn vị. Thấy vậy, chị khẩn khoản: Nếu các ông không cho tôi đón thương binh về nhà chăm sóc thì cho tôi dẫn đường các ông vào Sài Gòn, từ đây vào nội đô, đường sá tôi thuộc như lòng bàn tay... Sau đó, chị Giềng đi cùng chúng tôi vào nội đô Sài Gòn. Lúc chia tay, chị bối rối nói: Bộ đội Giải phóng viết cho tôi vài chữ làm kỷ niệm. Thấy thái độ khẩn khoản của chị, anh Sà Liễn - Tham mưu phó Quân đoàn bảo tôi ghi cho chị mấy chữ. Chấp hành cấp trên, tôi viết: “Bộ đội Giải phóng xác nhận bà Lê Thị Giềng ở ấp Bình Mỹ có giúp đưa đường bộ đội vào giải phóng Sài Gòn (Nguyễn Văn Giáp - Trợ lý tác chiến Quân đoàn 1)”.

Cầm tờ giấy trên tay, chị Giềng vô cùng phấn khởi và mong có ngày được gặp lại chúng tôi. Mặc dù thời gian dần trôi, chưa có dịp trở lại Sài Gòn, nhưng tôi vẫn luôn nhớ người đàn bà đã không quản đạn bom ác liệt, để giúp chúng tôi trong ngày cuối cùng của chiến tranh.

Năm 2002, tôi mới có dịp trở lại Sài Gòn. Lần đi này, tôi quyết tìm về ấp Bình Mỹ. Được các CCB ở đây giúp đỡ, tôi tìm được gia đình ân nhân của mình. Thấy tôi Giềng nhận ra ngay. Đoạn chạy vào buồng mang tờ giấy có mấy chữ của tôi viết từ 27 năm trước…

Hơn bốn chục năm, cuộc gặp gỡ bất ngờ với một người con gài bình thường trong ngày cuối cùng của chiến tranh vẫn lắng đọng trong tôi kỷ niệm đẹp về tình quân dân cá nước, dù ở đâu trên dải đất chữ S thân thương này!

Nguyễn Đăng Giáp