Chuyện con bò tót
Đàn bò tót lai bị "bó chân" trong chuồng với nước lã, rơm khô nên suy kiệt sức khỏe chỉ còn "da bọc xương"
Mấy hôm nay, báo chí, dư luận xôn xao chuyện 10 con bò tót lai ở Phước Bình, Bác Ái, Ninh Thuận. Chưa rõ nguyên do từ đâu, nhưng nhìn mấy con bò gầy giơ xương và khuôn mặt đầy đau khổ của người chăn bò than thở: Bỏ mấy đồng tiền công ít ỏi mua rơm cỏ cứu đói cho bò…, ai cũng thấy chạnh lòng, chua chát, thất vọng!
Chuyện mấy con bò bị bỏ đói, nếu là của dân thì mấy ai rỗi công bàn tán! (mà của dân thì khó xảy ra chuyện đó); đây lại là đối tượng của đề tài khoa học cấp Nhà nước, do một vị PGS, TS - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Lâm Đồng làm Chủ nhiệm (nay vị ấy đã nghỉ), liên quan đến hai - ba tỉnh; với tổng kinh phí 5 tỉ đồng.
Chuyện nghiên cứu khoa học ở xứ ta, thì dạng đề tài cấp này, cấp kia lúc nào cũng đua nhau như “nấm sau mưa”; nhưng kết quả thì “như sao buổi sớm” là điều ai cũng rõ. Khoa học chứ có phải chuyện đùa đâu!
Ai cũng hiểu trong nghiên cứu khoa học, việc thử nghiệm thành công hay chưa thành công, thậm chí thất bại là chuyện bình thường; và nguồn kinh phí 5 tỷ đồng cho một đề tài cấp Nhà nước cũng không phải là quá lớn! Vấn đề cần lên án ở đây là thái độ thiếu trách nhiệm, là sự vô cảm của những người trong cuộc, của Trung tâm Ứng dụng KH-CN thuộc Sở KH-CN tỉnh Lâm Đồng - cơ quan Chủ nhiệm đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng giáp ranh ba tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa”.
Các cụ xưa từng dạy: “Nên thì ôm cho chặt, không nên thì đặt cho êm”! Thời hạn kết thúc nghiên cứu đề tài từ tháng 6-2019; nếu cơ quan Chủ nhiệm đề tài và những người được giao thực hiện đừng vô cảm với những con bò lai đã từng là niềm hy vọng của họ, đừng thiếu trách nhiệm với những đồng tiền của dân, lẳng lặng mà “gói” đề tài lại, ví như để cho nó tự sinh sản một loại bò lai to con, lắm thịt…, thì đâu nên chuyện!
Duy Nguyễn