“Chuyện cổ tích” thời này!
Sáng ngày 10-10, tiết học môn giáo dục công dân ở lớp 9/7 Trường THCS Trần Cao Vân, T.P Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, bất ngờ đón hai người đàn ông trang phục lịch sự, gọn gàng, vẫy tay chào học trò rồi xin phép thầy giáo cho được vào dự giờ.
Bất ngờ hơn khi hai vị đi thẳng xuống cuối lớp lấy hai ghế dự phòng ngồi, vừa nghe thầy giáo giảng bài, vừa ghi chép rất chăm chú.
Càng bất ngờ hơn khi biết danh xưng hai vị: Một là Chủ tịch tỉnh - ông Phạm Ngọc Thọ, một là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh - ông Nguyễn Tân.
Tóm lại là một buổi đi cơ sở không báo trước của ông Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là chuyện quá bình thường và đương nhiên làm cán bộ phải như thế (không chỉ trong sách dạy mà ngay trong thực tế) của chính đội ngũ cán bộ nước ta trước đây từ T.Ư đến địa phương. Điển hình là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, việc bình thường đó đến nay lại là chuyện hiếm. Hiếm đến mức dư luận, nhất là cộng đồng mạng còn nghi ngờ, cho rằng, hay đó là kiểu “làm phép, đánh bóng” của ông Chủ tịch tỉnh?
Đúng là bây giờ thật khó tìm được một chuyến đi cơ sở khác “bất ngờ” như chuyến đi dự giờ của ông Phạm Ngọc Thọ… Khỏi phải nói mỗi chuyến đi cơ sở của cán bộ ta bây giờ phải được lên kế hoạch, thông báo trước cho cơ sở chu đáo, cẩn thận đến mức nào.
Có lẽ vì thế mà cán bộ mình không nắm được thực ở dưới.
Ví dụ như ở Hà Giang, ngôi nhà xây trái phép cao sừng sững mấy tầng, dân trong, ngoài tỉnh, đến cả khách du lịch người nước ngoài cũng biết mà hỏi lãnh đạo tỉnh, huyện, xã sở tại đều không biết!
Rồi chuyện ở Vĩnh Phúc, một Đại đức trụ trì chùa Nga Hoàng, tha hóa từ nhiều năm nay, đến mức bị phơi lên mặt báo, làm vị Đại đức đó xấu hổ quá phải xin hoàn tục, mà các ngành, các cấp, kể cả lãnh đạo tỉnh cũng đều không hay biết…
Nếu tình trạng xa dân, xa cơ sở của cán bộ ta cứ mãi thế này kể cũng nguy thật…
Huy Thiêm