10 ngày hạnh phúc và 10 năm …
23 tuổi - cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời thì cô giáo Lê Thị Luyến đón nhận tin dữ: Chồng cô, Trung úy Phạm Văn Vụ, Phó đồn trưởng Đồn 131 Mường Khương (Lào Cai) hy sinh. Hạnh phúc đến với cô chỉ mới 10 ngày thì chuỗi ngày đau khổ đã ập tới... Cho đến giờ, 38 năm sau ngày chồng hy sinh, cô giáo Lê Thị Luyến vẫn nhớ như in những kỷ niệm những ngày hai người bên nhau. Cô kiệm lời chia sẻ với tôi: “Những lúc anh được về phép anh dành nhiều thời gian cho tôi như để bù đắp cho những ngày xa cách”.
Có lẽ vì tình yêu mặn nồng mà 10 năm sau ngày chồng hy sinh, không ngày nào cô giáo Luyến quên được giây phút bên nhau. Ngày nào cô cũng lấy thư của chồng gửi cho mình để đọc. Đọc đến nỗi cô nhớ từng nét chữ, thuộc làu làu từng bức thư.
Hôm tôi đến, cô Luyến đưa ra 2 kỷ vật của vợ chồng mà cô vẫn giữ đến bây giờ. Một ổ khóa có hình trái tim và một lá đơn xin vào Đảng mà chồng cô viết mẫu. Cô chia sẻ: “Chiếc ổ khóa này anh mua tặng tôi với quan niệm khóa chặt trái tim nhau suốt cuộc đời. Tôi luôn giữ gìn nó như bùa hộ mệnh. Bao nhiêu năm chuyển công tác, chuyển nhà, chiếc khóa vẫn song hành với tôi. Ấy vậy mà hạnh phúc chỉ vỏn vẹn được 10 ngày….”.
Bao nhiêu hẹn ước cháy bỏng giữa hai người đều dở dang. Giây phút hạnh phúc bên nhau anh Vụ dặn vợ: Nếu có con, con trai sẽ đặt tên là Việt, con gái sẽ đặt tên là Phương… Những dự định ấy chưa thành hiện thực thì anh Vụ đã ra đi, không bao giờ về nữa.
Cái ngày 17-2-1979, anh bắn đến viên đạn cuối cùng. Và khi anh dũng hy sinh, trên tay anh vẫn còn một quả lựu đạn chưa kịp mở chốt...
10 năm sau đó, không đêm nào cô không nhớ tới người chồng.
Cô lao vào công việc, nhập vào đội ngũ "Giáo viên mạng lưới" đến dạy khắp những vùng xa khó nhất. 10 năm không còn một người đàn ông nào khác trong mắt người vợ mất chồng. 10 năm, cô nhận nuôi thằng út con của chị gái. Thằng Nghĩa, để anh rể - một người lính khác yên tâm cầm súng ở Yên Minh, Hà Giang.

Chấp nhận phía trước là chông gai
Cứ tưởng cuộc sống yên phận khi cô giáo Luyến có 1 đứa cháu để chăm sóc. Thế nhưng khi thằng Nghĩa đủ lớn khôn thì nó quyết trở về với mẹ. Cô giáo Luyến, một lần nữa khóc hết nước mắt trước nỗi cô đơn. “Tứ phía chỉ toàn tường là tường, chăn đắp thế nào cũng thấy lạnh lưng”.
Thời gian trôi đi, xung quanh cô giáo Luyến có nhiều người muốn che chở, bù đắp nhưng cô không chọn. Duyên cuộc đời run rủi thế nào mà cô lại dành tình yêu cho anh thương binh nặng 91% Trần Xuân Lộc - với đôi chân bị liệt hoàn toàn.
Biết tin cô “nặng lòng” với thương binh nặng Trần Xuân Lộc không còn khả năng tự sinh hoạt gia đình, bạn bè đã vô cùng ái ngại, thậm chí phản đối, khi người chồng tương lai của cô là anh thương binh cuộc sống chỉ gói gọn trên chiếc xe lăn!
Thế nhưng người phụ nữ đã một lần đón nhận nỗi đau từ chiến tranh ấy vẫn quyết định chấp nhận thêm lần nữa đối diện với hậu quả của cuộc chiến tranh dù biết rằng phía trước đầy chông gai.
Lễ cưới của cô giáo Luyến và anh thương binh nặng Trần Xuân Lộc được tổ chức tại Trung tâm điều dưỡng thương binh tỉnh Phú Thọ.
Không váy cưới, không ôm hoa! Cô rạng ngời đẩy chiếc xe lăn giữa hôn trường trong sự mừng tủi của người thân, bạn bè, đồng đội. Có lẽ, chỉ có thể là tình yêu thương rất lớn, vượt lên trên số phận, vượt lên tất cả những nỗi sợ hãi thường nhật, cô giáo Luyến và thương binh nặng Trần Xuân Lộc mới có thể vượt qua để nên duyên, nên nghĩa chồng vợ.
Cuộc sống mới, dù đã lường trước những khó khăn, vất vả khi chấp nhận gắn bó với thương binh nặng Trần Xuân Lộc nhưng cô không ngờ mọi thứ lại vất vả đến thế. Những lúc trái gió trở trời vết thương lại hành hạ anh Lộc. Cô Luyến nhớ lại: “Có thời gian tôi trắng đêm ngồi xoa bóp cho anh. Anh đau, tôi cũng dàn dụa nước mắt. Mọi sinh hoạt của anh đều phải có sự trợ giúp của tôi. Bù lại anh yêu thương tôi lắm…”.
Hạnh phúc của cô giáo Luyến và anh thương binh nặng Trần Xuân Lộc cũng kết trái nở hoa khi cô sinh hạ được người con gái và đặt tên là Phương. Phương bây giờ cũng là cô giáo và có chồng là bộ đội.
Liệu có ở nơi đâu trên trái đất này có một người phụ nữ có chồng là liệt sĩ và một người chồng là thương binh nặng?
Chiến tranh! Chính chiến tranh chứ không phải số phận đã khiến nhiều những người phụ nữ Việt Nam sống cả cuộc đời trong mất mát nhưng qua đó thấy được nghị lực phi thường của họ. Và ở trên dải đất hình chữ S này chúng ta còn thấy rất nhiều phụ nữ như cô Luyến…
ĐỨC DỤC