Chuyện chưa kể ở Trường Sa

Báo tháng 8- -Ông Trần Đăng Khoa ạ. Tôi cũng đã đọc khá nhiều tác phẩm của ông sáng tác về Trường Sa, bao gồm cả thơ, tiểu thuyết và cả những bài báo vặt. Có cuốn sách của ông, như cuốn tiểu thuyết mini "ĐẢO CHÌM" đã in đến lần thứ 37, một con số kỷ lục...

- Trước hết phải nói ngay với bà rằng, những cuốn sách và các bài viết đó không phải truyện sáng tác. Nó là sự thật hoàn toàn. Ngay cả “Chuyện ở miếu Thuỷ Thần" cũng vậy. Nó là chuyện thật. Chuyện kể về việc tìm kiếm bảy chàng lính biển trôi dạt trên biển khi cứu một người lính bị sóng cuốn ra xa khi anh vớt cái chăn giặt ở đảo Thuyền Chài...

- Đọc câu chuyện ấy, nhiều người muốn hỏi: Thế rồi sao nữa? Số phận của hai chàng lính thuỷ ấy ra sao? Họ có thoát được không? Hay bị biển vùi sâu dưới vực thẳm hoang lạnh và tăm tối của nó?

- Tôi còn biết nói sao được. Biển cả thường rất bí hiểm và ẩn chứa những hiểm họa khôn lường. Số phận của mấy chàng trai ấy ra sao, tôi đã kể trong cuốn chuyện "Đảo chìm" rồi. Cuốn sách này như bà nói, đã tái bản rất nhiều lần ở Nhà xuất bản Thanh niên, Nhà xuất bản Văn học. Gần đây Nhà xuất bản Văn hoá in lại và Nhà xuất bản Kim Đồng đưa vào "Tủ sách vàng" dành cho các em nhỏ. Bạn đọc hẳn cũng đã biết được một phần nào rồi, nên tôi không nhắc lại. Tôi chỉ kể những gì mà cuốn sách không nói đến. Ở Trường Sa, có những chuyện có thật, nhưng kể chẳng ai tin. Ví dụ như chuyện về lũ cá mập. Đấy là loại thú dữ. Người bình thường chỉ nghe đến tên chúng đã sợ đến thót tim. Vậy mà đám lính biển lại mang chúng ra đùa. Ví như có lần, thủy triều rút, trơ ra  cả một bãi cạn, một con mập vào thềm san hô kiếm mồi, bị mắc lại. Con mập không lớn lắm, lại phơi trên đá hộc mấy tiếng đồng hồ, nó đã lả đi rồi. Tưởng ở trên cạn, không có nước vẫy vùng, con mập yếu thế, vì vậy một cậu lính trẻ táo tợn, xốc nó lên vai, vác về nhà đại đội, định làm một bữa nhậu. Ai ngờ đến cửa doanh trại, nó còn quài lại, vạc luôn của cu cậu đến gần một ký thịt mông....

- Khiếp quá. Ông không bịa đấy chứ!

- Bịa gì. Chính nhà thơ Duy Khán đã chứng kiến. Tác giả cuốn sách nổi tiếng “Tuổi thơ im lặng”, là nhà văn đầu tiên ra đảo. Chính ông đã kể lại cho tôi với nhà văn Lê Lựu nghe. Ông Lựu cứ giục Duy Khán ghi lại câu chuyện rùng rợn ấy...

- Chuyện thật mà cứ như bịa...

- Tôi không biết ở những vùng biển khác, cá mập săn mồi như thế nào? Những người thuỷ thủ không may bị trôi dạt trên biển có thấy sợ cá mập không? Còn với những người lính biển ở Trường Sa, cá mập chỉ là muỗi mắt! Không thấy mập vo ve, nhiều khi lại thấy buồn! Mọi chuyện đều do thói quen cả.

Tôi còn nhớ đêm đầu tiên ngủ trên cái chòi bạt dựng chênh vênh ở trên biển, nửa đêm, nghe tiếng đập đánh đùm một cái ở ngay sau vách bạt. Tôi hoảng hồn, tưởng anh chàng nào ngủ mê mà lăn xuống biển. Nhưng không. "Mấy con mập nhép ấy mà - Một anh lính càu nhàu - Anh đừng để ý đến bọn giặc cái ấy. Chúng nó lẳng lắm. Đĩ thõa lắm. Cứ thấy hơi giai là xục vào. Dơ!". Cậu lính trẻ chõ xuống biển, quát ngậu xị, cứ như thể đuổi mắng một con mụ đú đởn nào đó. Thực ra, đó chỉ là mấy con mập đi kiếm ăn đêm. Dường như thành thói quen, thức ăn thừa, lính cứ hất qua cửa sổ bạt. Cá đến tìm thức ăn. Rồi mập lại tới săn những con cá đó. Thế là thành mồi nhử mập. "Ở đây, có cá mập cũng vui, anh Khoa ạ. Không có mập thì buồn lắm. Chẳng còn biết lấy gì ra để tiêu khiển. Nhiều khi, để có được bữa ăn tươi, chúng em phải giành giật từng con cá với bầy mập!". "Thế các ông không sợ à?" - Tôi hỏi. "Sợ gì! Thoạt đầu, chúng em có thuốc chống mập, rồi sau thuốc hết. Thuốc hết thì tay bo. Chúng em đã quen sống với bầy mập rồi. Mập không đáng sợ đâu. Vì thường thấy mồi, nó không bớp ngay, mà còn phải quần lượn xác định con mồi đã. Khoảng thời gian ấy, đủ để cho mình đối phó rồi". "Đối phó thế nào?". "Bơi đứng trong khoảng nước ba mét. Bơi thế nào để toàn thân tạo thành một cái cột thẳng đứng. Tất nhiên, cách đối phó này, chỉ áp dụng được ở trong khu vực thềm san hô. Còn ra ngoài khơi, sâu đến mấy cây số kia thì bơi đứng cũng chẳng có tác dụng gì, vì mập nó có thể xốc thẳng từ dưới lên. Chỉ cần một vệt máu loang trên biển thì bầy mập sẽ lao tới xâu xé mình ngay. Mập rất nhạy cảm với máu. Nó có thể phát hiện được mùi máu cách xa hàng dặm biển, cũng như lợn lòi phát hiện củ rừng cách đến hàng mấy mét dưới lòng đất. Còn trong khoảng nước nông chừng ba mét nước này thì mập chịu. Cứ bơi đứng là an toàn".

Sáng hôm sau, để minh chứng cho điều lính nói, anh lính lao xuống biển cũng vừa lúc bầy mập nhào tới tìm bớp những con cá chết... Lũ mập dường như đã quá quen với những "bữa tiệc" linh đình như thế này rồi. Anh lính quần lượn giữa bầy mập hung tợn. Anh bơi đứng trong khoảng nước sâu ba mét, giành giật từng con cá trước miệng mập. Vớ được con cá nào, anh lại kẹp chặt vào nách rồi bước lửng trong nước. Tôi xây xẩm cả mặt mày. Nhưng anh lính vẫn đùa dỡn với bầy mập. Đến nửa tiếng sau, anh lính mới lững thững leo lên lều bạt. Tôi bủn rủn hỏi anh: "Tại sao mập nó lại không bớp cậu nhỉ?". "Nó cũng muốn bớp lắm chứ. Nhưng mà không bớp được. Vì mình bơi đứng. Nếu bơi choãi thì chết với chúng ngay. Còn bơi đứng thì chúng chẳng làm gì được mình. Có lẽ vì mũi nhọn, mà miệng nó lại thụt sâu phía dưới, nên không thể bớp được". Anh lính giải thích. Nhưng cách giải thích này không có sức thuyết phục. "Thế sao nó không xoay nghiêng rồi bớp?". "Ôi dào, cái nhà anh này, chỉ được cái hay vặn vẹo. Anh đi mà hỏi con mập ấy. Hay anh cứ đến tìm hiểu qua các nhà sinh vật học. Em chỉ biết cứ bơi đứng trong khoảng ba mét nước là an toàn". “Thực ra, bơi đứng cũng chẳng an toàn đâu, nếu con mập nó húc cho cậu mất thăng bằng...". "Ôi dào, con mập nó dữ tợn, nhưng nó lại có một nhược điểm là nó rất ngu. Nếu nó lại ma lanh ma cồng như ông anh thì chúng tôi chết từ lâu rồi!". Anh lính ngửa cổ cười ha hả. Rồi anh bảo: "Thực tình, cá mập chẳng có gì đáng sợ. Vì dù ác, nó cũng vẫn chỉ đơn thuần là một con thú thôi. Sợ nhất là khi con người biến thành cá mập. Khi ấy thì chẳng có cách nào thoát được. Vì nó vừa có cái dữ tợn của một con thú, lại vừa có sự thông minh, có học của một thằng người. Như thế thì làm sao mà thoát được. Hãi lắm. Lũ mập cạn ấy cũng nhiều lắm đấy. Nhan nhản ở khắp mọi nơi. Thế nên ông anh cứ phải cẩn thận nhé!".

HẢI VÂN ghi