Tiểu đội 4 trước khi hy sinh có 12 người hôm đó 2 người không ra mặt đường làm nhiệm vụ, đó là Lê Thị Hồng quê Đức Lạc, Đức Thọ được cử đi Quảng Bình lấy gỗ về làm hầm, Nguyễn Thị Thanh bị ốm ở nhà. Võ Thị Tần và Hồ Thị Cúc nhiều tuổi nhất tiểu đội, là hai đảng viên, đều sinh năm 1944, người nhỏ tuổi nhất Võ Thị Hà lúc đó mới 17 tuổi.
Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần và tiểu đội phó Hồ Thị Cúc 2 người có tính cách trái ngược nhau. Võ Thị Tần không có gì dấu kín được trong bụng lâu. Nhưng công việc thì tính toán rất kỹ. Thời gian đơn vị đóng ở Cổng 19 xã Phú Lộc Tần ít cho chị em về thăm nhà. Nhưng trước khi chuyển về làm nhiệm vụ ở Ngã ba Đồng Lộc Tần cho chị em lần lượt về thăm nhà, thăm bạn bè. Có người không về Tần động viên nên về. Sau khi tiểu đội hy sinh nhiều người trong Đại đội 552 mới thấy việc làm ý nghĩ sâu sắc của Tần. Tần có người yêu anh Nguyễn Viết Hồng. Hai gia đình đã đi dạm hỏi. Ở Thiên Lộc, huyện Can Lộc trai gái đi dạm hỏi nghĩa đã thành vợ chồng, nhưng do anh Hồng lên đường nhập ngũ gấp quá chưa tổ chức được lễ thành hôn. Hôm anh Hồng vào chiến trường Tần cắt một nắm tóc mình thề với anh Hồng trọn tình chung thủy. Anh Hồng giữ giữ lỏn tóc thề của Tần như một kỷ vật. Khi được điều ra đảo Cồn Cỏ chiến đấu ác liệt lắm sợ mất kỷ vật thiêng liêng anh Hồng đem lỏn tóc của Tần và ảnh 2 người bọc ni long thật kỹ cho vào một ống liều thuốc phóng súng cối 60 ly, chôn gần kho đạn trung đoàn. Rất may hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở đảo Cồn Cỏ vào nơi cất dấu kỷ vật không bị trúng bom đạn, anh Hồng bới lên đem về cất giữ. Sau này bảo tàng TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc xin lỏn tóc chị Tần anh gửi tặng. Tần duy nhất để lại bức ảnh đó sau này anh Hồng chụp lại để thờ và có ảnh để lại trên bia mộ. Cúc ít nói, nét mặt lúc nào cũng đượm buồn. Có lẽ nét mặt xuất phát từ nội tâm của Cúc, bố mẹ mất sớm ở với cậu khi đang còn nhỏ. Cúc thường tâm sự với chị em tuổi thơ cơ cực lắm, mong sau khi hoàn thành nhiệm vụ được làm việc ở một cơ quan nhà nước. Nhưng tinh thần trách nhiệm rất cao, có hôm tiểu đội làm ca 2 giờ sáng, 12 giờ Cúc đã gọi chị em dậy. Cúc cầm càng xe bò rất chuẩn. Nhờ Cúc cầm càng xe bò chuẩn mà nhiều hôm chị em không rơi xuống hố bom, xuống vực. Tiểu đội đặt cho Cúc biệt danh: “ Cúc cầm càng”. Trong công việc Cúc luôn giành việc khó, nặng nhọc về mình. Lúc máy bay ập đến bắn phá Cúc giành hầm kèo cho chị em, Cúc ẩn nấp ở hầm cá nhân. Nên ngày 24/7/1968, 10 chị em trong tiểu đội hy sinh 9 chị em tìm được chỉ còn lại Cúc. Đồng đội vừa khóc vừa tìm Cúc. Nhà thơ Yến Thanh ( Nguyễn Thanh Bính) người cũng đi tìm Cúc xúc động viết:
Em ở đâu hỡi Cúc!
Đồng đội tìm em
Gọi em !
Gào em !
Ba ngày sau tìm thấy Cúc hy sinh ở một chiếc hầm cá nhân trong tư thế ngồi ôm cái cuốc vào lòng. Cả đơn vị ruột gan như muối xát, Cúc ra đi chiếc gối thêu cho người yêu đang dang dở.
Trần Thị Hường có nước da trắng, xinh gái nhất tiểu đội, hát hay, mà cũng hay hát. Cái tài của Hường giỏi nói nói chuyện hài. Làm ban đêm nhờ Hường nói chuyện hài cả tiểu đội quên cả thời gian, quên mệt nhọc. Tiểu đội gọi Hường là “ Cây tiểu lâm”. Mỗi khi Hường đi công tác, hay được về thăm nhà không ra mặt đường ai cũng nhớ. Hồi đó tiểu đội nuôi một con bò để kéo xe. Nhưng nó hay đánh người. Chỉ có Hường và Nguyễn Thị Nhỏ chăn thì nó rất ngoan. Nên tiểu đội hay phân công đi chăn bò. Hường phàn nàn tôi đi TNXP đâu phải đi chăn bò. Miệng nói thế nhưng bò lúc nào ăn cũng no. Võ Thị Hà em út của tiểu đội, thích mặc quân phục, hát hay. Bài tủ của Hà: “ Vui mở đường” . Bố mẹ dân làng chài chuyên môn đánh cá trên sông, Hà thông minh, nhanh trí làm việc gì cũng khéo. Chị em thường nói với nhau: anh chàng nào vớ được Hà thì sung sướng. Ra mặt đường hò đối đáp với lái xe, bộ đội chỉ có Hà và Hường là “ hai cây” chủ lực. Còn chị em trong tiểu đội làm nhiệm vụ cố vấn là chính. Cả Tổng đội thường khen Tiểu đội 4 lao động luôn năng suất dẫn đầu, văn nghệ hay.
Làm việc vất vả, căng thẳng ăn uống chẳng có gì. Một hôm mẹ anh Trần Văn Thuận ở trong Đại đội đến thăm con, sang chơi với chị em, thấy ăn cơm với muối lạc. Mẹ bảo các con làm vất vả mà ăn uống thế này. Mẹ khóc, chị em trong tiểu đội cũng khóc theo.
Mỗi khi nhắc đến chuyện đời thường 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc, càng thấy các cô, vô tư, trong sáng, không có gì cho riêng mình. Các cô ra đi vì dân, vì nước, xứng đáng những thanh niên Anh hùng, của một dân tộc anh hùng.
Bài và ảnh: Hải Hưng