CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN GIÁ TẠI TP HỒ CHÍ MINH: Một điểm son đã lan tỏa (30/06/2011)

Công cụ điều tiết giá thiết thực

TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai chương trình bình ổn thị trường từ Tết năm 2002, với số vốn bình ổn chỉ có 45 tỷ đồng và chỉ với 2 doanh nghiệp tham gia là Công ty lương thực thành phố và Tổng công ty VISAN.

Số vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp chỉ là một phần rất nhỏ (chiếm 20-30% nhu cầu của thị trường), nhưng doanh nghiệp phải bán cùng một giá đối với toàn bộ hàng hóa bán ra trên thị trường. Để có được một thị trường bình ổn, thành phố đã xây dựng được sự kết nối chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, phân phối và tiêu dùng; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia tự khai thác mặt bằng, cửa hàng, liên kết với tiểu thương các chợ mở rộng điểm bán, tạo điều kiện cho hàng hóa đến tay người tiêu dùng, giảm các tầng lớp trung gian, từ đó giảm chi phí trực tiếp trên sản phẩm. Sau 9 năm triển khai, chương trình bình ổn của thị trường TP Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu, thiết thực, khẳng định được sức lan tỏa, ngày càng khẳng định vai trò định hướng dẫn dắt giá cả của các mặt hàng thiết yếu, hạn chế hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến, góp phần ổn định an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, đã giúp cho CPI của thành phố luôn thấp hơn so với cả nước từ 1-2%.

Huy động tổng lực tham gia bình ổn giá

Bước sang năm 2011, tình hình thiên tai lũ lụt, cùng với diễn biến phức tạp của giá cả trên thị trường thế giới, đã ảnh hưởng lớn đến cung cầu của các loại hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Mặt khác, xu hướng tiêu dùng của người dân TP Hồ Chí Minh đang dần chuyển dịch sang các loại hình mua sắm tiện ích theo hướng văn minh thương mại. Để đáp ứng nhu cầu trên, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn trong năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012, gắn liền với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó gồm 9 nhóm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản.

Theo dự báo, số lượng hàng hóa tham gia bình ổn Tết Nhâm Thìn 2012 chiếm khoảng 30-40% so với nhu cầu thị trường và tăng bình quân khoảng 20% so với Tết Tân Mão 2011. Để đáp ứng những yêu cầu trên, TP Hồ Chí Minh cũng đã tuyển chọn đối tượng tham gia chương trình phải là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh thành khác trong cả nước, Liên hiệp HTX, các HTX của thành phố. Trong đó ưu tiên chọn các doanh nghiệp có quá trình tham gia và thực hiện tốt các quy định của chương trình bình ổn trong các năm trước, đồng thời thành phố cũng sẽ hỗ trợ công tác truyền thông, quảng bá đối với các sản phẩm và các điểm bán của đơn vị tham gia trong chương trình.

Bà Nguyễn Thị Hồâng, Phó chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Đến nay, TP.Hồ Chí Minh đã chỉ định được 22 doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn giá cho năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012. Trong đó có 11 doanh nghiệp nhận vốn 100% của chương trình, có 8 doanh ngiệp nhận một phần vốn của chương trình và có 3 doanh nghiệp không nhận vốn của chương trình. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá được UBND thành phố cho vay không tính lãi, không thế chấp tài sản trong vòng 12 tháng, với tổng số vốn cho vay là 412 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chương trình từ 1-4-2011 đến 31-3-2012”.

Cùng với những nỗ lực của doanh nghiệp với các giải pháp bình ổn giá trên các mặt hàng thiết yếu, TP Hồ Chí Minh đã huy động toàn xã hội tham gia chương trình như: Tổng Liên đoàn Lao động, Hội CCB, Hội Phụ nữ... và toàn thể các hộ dân có nhà cho thuê đối với công nhân, học sinh, sinh viên cam kết không tăng giá tiền nhà trọ, tiền điện, nước và các dịch vụ khác, vận động mọi thành viên trong các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

UBND TP Hồ Chí Minh khuyến khích các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế đáp ứng đủ điều kiện, đăng ký tham gia chương trình bình ổn, bằng phương thức nhận vốn hoặc không nhận vốn, cam kết chấp hành đầy đủ các quy định của chương trình, chủ động xây dựng các chương trình khuyến mãi, giảm giá, giữ giá bán sản phẩm… góp phần cùng chính quyền thành phố ổn định thị trường, chăm lo tốt an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn thành phố, đồng hành cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết XI của Chính phủ.

Bài và ảnh: VŨ XIÊM