Chúng tôi tiến vào giải phóng Sài Gòn

Cách đây 44 năm, lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4, lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" tung bay trên nóc Dinh Độc lập, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, non sông thu về một mối.

Nhớ lại thời khắc lịch sử đó, những cựu chiến binh trực tiếp tham gia trận đánh cuối cùng vẫn bồi hồi, vẹn nguyên ký ức. Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc cảm xúc của một số cựu chiến binh từng có mặt tại Dinh Độc lập trong giờ phút khải hoàn.

* CCB Trịnh Ngọc Ước, nguyên cán bộ chính trị Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2):

Tôi muốn nhảy lên vì sung sướng

Bức ảnh chụp thời khắc Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện được ông Ước lưu giữ cẩn thận (ông Ước đứng thứ ba từ phải sang).

Tôi vinh dự có mặt trong thời khắc lịch sử của dân tộc. Đứng cạnh Dương Văn Minh, nghe đọc lời tuyên bố đầu hàng, tôi muốn nhảy lên vì sung sướng.

Trước đó, sáng 29-4, Trung đoàn 66 đảm nhiệm lực lượng thọc sâu, cơ động đến cầu sông Buông (Biên Hòa) thì bị địch phá cầu, án ngữ. Thời gian khẩn cấp, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 Nguyễn Ân (sau này là Trung tướng, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1) hạ lệnh vừa đánh địch vừa sửa cầu. Gần 2 giờ sau, Trung đoàn 66 vượt cầu, cơ động thọc sâu bỏ qua các mục tiêu nhỏ lẻ tiến thẳng vào Sài Gòn.

Đội hình trung đoàn nhanh chóng vượt qua cầu Sài Gòn, đến ngã tư Hàng Xanh, chúng tôi chưa biết tiến theo đường nào để vào dinh Độc Lập thì một ông lão chừng 70 tuổi, tay cầm cờ đỏ sao vàng chạy lại xin lên xe dẫn đường. Tới gần cổng Dinh, tôi thấy chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cửa sắt. Xe tải quân sự chở chúng tôi cũng theo sát sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Theo sự phân công của chỉ huy, tôi và đồng chí Phùng Bá Đam, Trung úy, cán bộ tổ chức cơ quan chính trị trung đoàn cùng đứng bên cạnh Dương Văn Minh trong lúc ông ta đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện để ghi âm. Lần đầu tiên tôi nhìn kỹ Tổng thống cuối cùng của chính quyền cũ. Ông ta luôn cúi đầu, chỉ ngẩng lên khi hỏi điều gì đó. Lúc Dương Văn Minh đọc những chữ đầu tiên trong bản thảo lời tuyên bố đầu hàng, một niềm hạnh phúc kì diệu trào dâng khiến tôi như muốn hét lên trong niềm sung sướng tột cùng. Ước nguyện cháy bỏng lúc đó, không chỉ riêng tôi mà hết thảy những đồng đội khác là được về nhà gặp bố, mẹ, người thân trong niềm vui chiến thắng… Đâu ngờ được rằng, tôi lại vinh dự trở thành một trong những nhân chứng của thời khắc chuyển giao chế độ. Bức ảnh ghi lại sự kiện lịch sử ấy tôi đã lưu giữ cẩn thận như một kỷ vật vô giá suốt mấy chục năm nay.

* Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử:

Tất cả chúng ta đều là người chiến thắng

Trung tướng Lê Nam Phong.

Ngày 29-4-1975, trước lúc xuất quân tiến vào nội đô Sài Gòn, Tư lệnh Quân đoàn 4 Hoàng Cầm đã trao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cho Sư đoàn 7 để cắm trên nóc dinh Độc Lập.

Sư đoàn 7 được tổ chức thành lực lượng thọc sâu binh chủng hợp thành tiến thẳng vào nội đô tiêu diệt địch. Mục tiêu chủ yếu là Dinh Độc lập và Đài phát thanh. Sáng 30-4, tôi ngồi trên chiếc xe bọc thép chạy trên xa lộ tiến vào Sài Gòn. Những đoàn xe bên đường ùn tắc do biển người chào đón chen lấn hò reo làm xe không đi được. Tôi thoáng nghĩ, có thể đơn vị trễ thời gian không không kịp thực hiện nhiệm vụ trên giao cắm cờ chiến thắng lên nóc Dinh Độc lập nên tôi bàn giao nhiệm vụ liên lạc với quân đoàn cho Chính ủy sư đoàn Nguyễn Văn Thái, rồi nhảy khỏi xe bọc thép, gọi một chiến sĩ lái xe Honda chạy thẳng vào thành phố. Đến cầu Thị Nghè, gặp đồng chí Minh, trợ lý tác chiến, tôi nóng ruột hỏi ngay: “Đại đội 7 có cắm được cờ không?”. Đồng chí Minh hơi trầm ngâm: “Báo cáo Thủ trưởng, Quân đoàn 2 đã cắm cờ trước. Đại đội 7 đến sau 30 phút”. Tôi động viên đồng chí trợ lý, rồi dặn dò ở lại đón các trung đoàn vào chiếm mục tiêu đã phân công.

Mấy phút sau, chiếc xe Honda đã đưa tôi tới Dinh Độc lập. Gặp đồng chí Hoàng Cao Đại, Chính trị viên Đại đội 7 đang chờ sẵn. Trông nét mặt Đại có vẻ hơi buồn, tôi an ủi: “Không sao, ta đến được thứ 2 là tốt lắm rồi!”.

Ngày hôm đó, tôi luôn động viên các chiến sĩ Sư đoàn 7 bằng câu nói đùa: Quân đoàn 2 cắm cờ cao thì chúng ta cắm cờ thấp, cũng đều cắm cờ “Quyết chiến quyết thắng” cả. Như thế nghĩa là tất cả chúng ta đều là người chiến thắng.

* Cựu chiến binh Lê Huy Tuyên, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10, Binh đoàn Tây Nguyên):

Mãi khắc ghi hình ảnh Sài Gòn tưng bừng trong ngày toàn thắng

Cựu chiến binh Lê Huy Tuyên (đứng trước) cùng đồng đội trở lại chiến trường Tây Nguyên.

Đêm 29-4, Trung đoàn 28 nhận nhiệm vụ bổ sung, tham gia cùng Binh đoàn Quyết thắng đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Đúng 8 giờ sáng 30-4, lệnh của cấp trên thúc giục khẩn trương đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, trung đoàn tôi gấp rút cơ động hướng mục tiêu thẳng tiến.

Đến ngã tư Bảy Hiền, gặp địch chống trả yếu ớt. Một đại đội được lệnh dừng lại tiêu diệt, còn đơn vị tiếp tục tiến công. Đến khoảng 11 giờ trưa, trung đoàn tổ chức thành 2 mũi tham gia cùng Sư đoàn 320B (nay là Đoàn 390, Binh đoàn Quyết thắng) đánh thẳng vào Bộ Tổng tham mưu. Mũi thứ nhất đánh vào từ cửa Đông Nam. Mũi thứ hai đánh theo cổng chính vào bên trong. Đúng 11 giờ 30 phút nhiệm vụ hoàn thành, lá cờ chiến thắng của đơn vị được các chiến sĩ Đại đội 10 cắm lên tòa nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy cùng với lá cờ lớn của Sư đoàn 320B cắm cao hơn. Cũng thời gian này, cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Sài Gòn rợp bóng cờ, hoa. Không khí tưng bừng ấy mãi in đậm trong tâm trí chúng tôi.

HOÀNG THÀNH (ghi)