Chung tay xoa dịu nỗi đau da
Tới dự Chương trình có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam khóa V. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trung tướng Mai Quang Phấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đồng chí Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Thế Lực – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; lãnh đạo các Bộ, ngành, tổ chức xã hội cùng sự có mặt của nhiều gia đình và nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Chương trình giao lưu “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” được tổ chức với mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong nước và trên thế giới về thảm họa da cam ở Việt Nam; vận động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam; tri ân các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Phát biểu tại Chương trình, đồng chí Vũ Trọng Kim đã thay mặt Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ nỗi đau và gửi lời hỏi thăm ân cần đến các nạn nhân chất độc da cam trên mọi miền đất nước. Đồng chí nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, công tác chăm sóc người có công và việc thực hiện chính sách xã hội không chỉ có ý nghĩa tạo động lực xã hội mà còn có tác dụng khơi dậy ý chí quyết tâm và tinh thần đại đoàn kết của dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, hành động nhân nghĩa của chúng ta hôm nay không chỉ góp phần khắc phục hậu quả của quá khứ mà còn góp phần tạo dựng sức mạnh cho hiện tại và tương lai.
Phát biểu khai mạc Chương trình, Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Thế Lực nhấn mạnh: Nỗi đau da cam là nỗi đau tận cùng của con người. Nạn nhân chất độc da cam là người cần được quan tâm giúp đỡ nhất trong xã hội. Các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sống trong khổ đau và bệnh tật giày vò đang mong chờ sự kết nối, đùm bọc, sẻ chia của triệu triệu tấm lòng bà con cô bác và bầu bạn gần xa.
Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 lượt phun rải với khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam, trong đó 61% là chất da cam chứa khoảng 366kg dioxin. Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Rất nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên, có gia đình cả 15 người con đều là nạn nhân chất độc da cam. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt, chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3. Phần lớn gia đình nạn nhân chất độc da cam đã và đang sống trong nghèo khổ, bệnh tật.
Những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam đã đi vào cuộc sống; phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân. Hàng vạn tổ chức, cá nhân đã đến với nạn nhân chất độc da cam bằng tình cảm trong sáng, vô tư và nghĩa cử cao đẹp.
Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2014 mong muốn thay lời các nạn nhân bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng đối với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tri ân sâu sắc các nhà hảo tâm - những tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam; kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp tục giúp đỡ nạn nhân da cam cả về vật chất và tinh thần, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2014 đem đến cho khán giả phóng sự phản ánh rõ nét thảm họa da cam ở Việt Nam cũng như các hoạt động của cộng đồng nhằm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam; phóng sự nói về tấm gương nạn nhân đã vượt lên số phận, hoà mình với cuộc sống cộng đồng. Trong Chương trình, khán giả được gặp gỡ giao lưu cùng bà Võ Thị Đẹp – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Tây Ninh; anh Lê Thanh Hải, một nạn nhân chất độc da cam và ông Kang In Ho, Chủ tịch Hội cựu chiến binh thương tật da cam Hàn Quốc.
Phần nghệ thuật trong Chương trình mang tới cho khán giả những tác phẩm âm nhạc về chủ đề da cam, về hòa bình và tình yêu thương: “Em như chim câu trắng”, “Trái đất này là của chúng mình”, “Chất độc da cam nỗi đau thế hệ”, “Hãy yêu nhau đi”, “Nụ cười da cam”, “Sống như những đóa hoa”, “Hãy để mặt trời luôn chiếu sáng”, ... được thể hiện bởi các nghệ sĩ, ca sĩ : NSƯT Thanh Lam, ca sĩ Mỹ Linh, Tấn Minh, Ngọc Anh, Thành Lê, Đội hợp xướng thiếu nhi Sol Art, Đội thiếu nhi Nhà văn hóa Ba Đình...
Cũng trong Chương trình, Ban tổ chức đã trao Bảng tri ân tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam và kỷ niệm chương của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân đã tham gia đóng góp tích cực trong hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và hậu quả chất độc da cam nói riêng là vấn đề lương tâm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức và của mọi người dân; cần được tiến hành dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương với phương châm “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”./.
Dương Sơn