Hiện nay, trên các đường phố, các vùng nông thôn, các cửa hàng bán bánh Trung thu và các loại đồ chơi xanh đỏ đã có mặt ở khắp nơi... Tết Trung thu là Tết của trẻ em, là thời điểm các cháu vừa bước vào năm học mới 2017-2018. Các bậc phụ huynh, các cấp chính quyền và ngành giáo dục đã chăm lo, đầu tư lớn lao bằng khả năng lớn nhất của mình như sách vở, cơ sở vật chất, trường học cho các cháu. Các cháu thiếu nhi dân tộc thiểu số vùng lũ lụt ở Sơn La, Lai Châu và các tỉnh Bắc Trung Bộ... được các chiến sĩ Công an, bộ đội thức trắng đêm dọn dẹp, xây lại trường mới và tặng những bộ sách vở mới đầy đủ ngay ngày khai trường... Ấy là chuyện đã làm, còn chuyện đang làm, sẽ làm trong những ngày này để các cháu thiếu nhi có một Tết Trung thu đầm ấm và ý nghĩa với mọi người chúng ta lại là chuyện lo cho các cháu về vật chất như bánh nướng, bánh dẻo, các loại đồ chơi, hoa quả đón Tết Trung thu; tổ chức vui đón Trung thu vui vẻ. Nói đơn giản là vậy, nhưng sau đó là nỗi lo của người lớn để tránh ngộ độc cho các cháu. Phòng tránh ngộ độc cho các cháu không chỉ là nỗi lo của người đi mua mà còn là trách nhiệm của chính người sản xuất để bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh tình trạng bánh nướng, bánh dẻo quá đát bán rẻ bán tháo hoặc lúc ấy mới đem “cho, tặng” mất tất cả lòng tốt. Rồi nỗi lo để trong các loại đồ chơi không có chất độc; đồ chơi luôn đảm bảo an toàn tránh gây tai nạn rủi ro cho con trẻ; đồ chơi có tính giáo dục, có tính dân tộc, tránh tính bạo lực; lo để không chỉ trẻ em thành phố, thị xã mà còn trẻ em ở tất cả mọi vùng miền, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới hải đảo; các cháu ốm đau, tàn tật đều có Tết Trung thu... Và, Tết Trung thu không chỉ riêng của các cháu, thăm hỏi và tặng bánh cho các bậc cao niên là chuyện cần làm để tỏ lòng hiếu nghĩa.
Chuyện lo Tết Trung thu cho các cháu là chuyện lớn nhưng chúng ta cần làm và phải làm tốt, cả xã hội cùng chung tay lo cho trẻ em “tương lai của mỗi gia đình và của cả dân tộc” có một cái Tết Trung thu thật vui, an toàn nhất.
Quốc Huy