Chung niềm vui với ngư dân
Trao đổi với chúng tôi, Trung úy Thạch Hưm Sâmbô - Trạm trưởng
cho biết: “Anh em ở trạm phải làm việc gấp nhiều lần so với nhiệm vụ được giao của mỗi người. Công tác kiểm tra khá vất vả, không cẩn thận là bỏ lọt những hành vi vi phạm pháp luật. Khi tàu vào cửa, phải kêu gọi hướng dẫn vào nơi neo đậu thật sự an toàn. Chúng tôi còn cho anh em xuống tận nơi thăm hỏi ngư dân sau chuyến đi biển dài ngày để nắm bắt tình hình”.
Ông Trang Văn Ngào - Chủ tịch UBND thị trấn Định An cho biết, hiện thị trấn có trên 750 thuyền viên làm việc trên 208 tàu khai thác hải sản của huyện Trà Cú (có 65 tàu có công suất từ 400 mã lực trở lên), đa phần các tàu khai thác xa bờ đều liên kết với nhau hoạt động theo tổ, đội. “Mô hình Tổ tàu thuyền an toàn” do BĐBP tỉnh triển khai nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc vươn khơi, bám biển cũng như khi gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Mô hình này cũng phát huy được vai trò tích cực trong việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc... Đặc biệt là trong việc tìm kiếm ngư trường, tiếp tế nhiên liệu, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng sản lượng, giảm chi phí mỗi chuyến đi biển khoảng 20-25%, ông Ngào nói.
Ngư dân Đồ Văn Nghiệp - Tổ trưởng Tổ hợp tác khai thác hải sản Định An 3 phấn khởi bổ sung: Để từng bước đưa vào nền nếp hoạt động của mô hình “Tổ tàu thuyền an toàn” hằng tháng, cán bộ Trạm kiểm soát Biên phòng cảng Định An phân công nhau sinh hoạt định kỳ với các tổ. Thông qua những buổi sinh hoạt đó, các thành viên của tổ trao đổi tình hình an ninh trật tự trên biển, chia sẻ với nhau những ngư trường có nguồn thủy sản phong phú để cùng nhau khai thác, cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sinh hoạt và đánh bắt ngoài khơi xa, nhất là việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho ngư dân đạt hiệu quả cao.
Nhìn cuốn sổ đăng ký phương tiện ra vào cửa biển trong một ngày, chúng tôi nhận thấy số lượng công việc rất nhiều, như ghi tên người và số tàu, ghi số thuyền viên, ghi thời gian xuất, nhập bến… Một cuốn khác thì ghi tần số liên lạc và tình hình trên biển. Trung uý Sâmbô cho biết thêm, vào mùa mưa, mùa gió bão thì anh em càng thêm vất vả. Đơn vị phải tăng cường lực lượng cho chốt và thành lập các tổ công tác, máy liên lạc hoạt động 24/24 giờ để kêu gọi các thuyền vào bờ tránh bão. Nhất là khi không may có tàu cá gặp nạn trên biển thì cả đơn vị đứng ngồi không yên, tìm cách cứu hộ, cứu nạn. Nhiều lần sóng gió rất lớn, anh em cũng phải ra biển cứu hộ ngư dân gặp nạn. “Nhiều hôm trong đêm khuya, nhận được thông tin trên biển xảy ra vụ tai nạn chìm tàu, hoặc ngư dân bị trôi dạt trên biển thì tất cả mọi người đều phải tập trung cao độ để xác định vị trí, tọa độ, sau đó liên lạc với các tàu ngoài biển đến nơi cứu hộ, nếu gần bờ thì tàu của Đồn Biên phòng trực tiếp ra tận nơi” - Trung uý Sâmbô nói.
Chỉ một ngày có mặt ở Trạm kiểm soát Biên phòng cảng cá Định An, chúng tôi cảm nhận được cường độ làm việc khẩn trương, khối lượng công việc quá lớn và sự gian nan khó nhọc của người lính Biên phòng. Các anh luôn thao thức, ánh mắt luôn hướng ra cửa biển, ngoài ấy hàng trăm bà con ngư dân đang miệt mài ngày đêm lao động với bao nguy hiểm giữa trùng dương, chiếc máy liên lạc vẫn kết nối thông suốt với các chủ tàu ngoài biển. Niềm vui của bà con ngư dân với những chuyến ra khơi an toàn và trở về đầy ắp cá, tôm cũng chính là niềm vui của các anh, của những người lính Biên phòng đang canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài và ảnh: Nghi Phương