Chùa Vạn Quang (Bình Phước): “Ban vui, cứu khổ”
Lễ ra mắt Mô hình “Tổ chức Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường” chùa Phật Quang.
Chùa Vạn Quang tọa lạc tại ấp Cầu Hai, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, do Đại đức Thích Tâm Đăng - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Đồng Phú trụ trì đã và đang là điểm sáng tôn giáo của tỉnh Bình Phước về công tác thiện nguyện, an sinh xã hội.
Với tâm nguyện “ban vui, cứu khổ”, chùa coi việc giúp đỡ đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khó khăn là một trong những việc làm hằng ngày của phật tử. Tính ra mỗi năm số tiền chùa dành riêng cho các hoạt động thiện nguyện trên 400 triệu đồng. Đồng thời nhà chùa còn vận độngcác tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ quà, kinh phí, xây dựng nhà tình thương, tặng học bổng, quần áo, sách, vở cho người nghèo, học sinh khó khăn…
Điển hình như chị Lương Thị Thắm, sinh năm 1988, ấp Câu Hai, xã Đồng Tiến,bị khuyết tật bẩm sinh, đi lại rất khó khăn, lại không nhà cửa, không ruộng vườn, sống đơn thân. Hằng ngày chị vẫn phải lết đi bán chổi, lấy tiền nuôi con trai ăn học; chị thường xuyên được nhà chùa giúp đỡ. Đầu năm 2022, chùa nhận hỗ trợ chị suốt đời mỗi tháng 10kg gạo. Chị Thắm nói: Đến trong mơ chị cũng không dám nghĩ chị lại được nhà chùa đặc ân hỗ trợ lâu dài cho 10kg gạo/tháng để lo cuộc sống.
Trong thời gian đại dịch Covid-19, chùa Vạn Quang đã hỗ trợ gần 11 tấn rau, củ, quả; gần 3 tấn gạo và 542 phần quà, 2.000 khẩu trang, gần 2.000 tập vở, xe đạp… vận động xây dựng 3 căn nhà tình thương cho gia đình nghèo, khó khăn về nhà ở, tổng trị giá gần 600 triệu đồng. Chùa Vạn Quang còn nhận hỗ trợ suốt đời cho 2 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn 20kg gạo/tháng.
Bà Ngô Thị Thanh Chung - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đồng Phú cho biết: "Năm 2022, toàn huyện có 155 hộ nghèo, chiếm 0,6% hộ dân, đến nay giảm còn79 hộ, chiếm 0,31%. Đạt được thành tích này có sự đóng góp rất lớn của các cơ sở tôn giáo, trong đó có chùa Vạn Quang".
Đồng thời với công tác thiện nguyện, nhà chùa còn chú trong các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, như mô hình “Tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường” ra mắt sáng ngày 21-9-2023; tọa đàm về ý nghĩa văn hóa của “Ngày Vu Lan báo hiếu” giữa Đoàn Thanh niên tỉnh và Đại đức Thích Tâm Đăng.
Bí thư Đoàn Thanh niên tỉnh Trần Hoàng Trực chia sẻ: "Buổi tọa đàm giúp tuổi trẻ hiểu sâu sắc hơn về công ơn của cha mẹ, tổ tiên, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn...”.
Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Tâm Đăng ôn lại Lời phát biểu, cũng là Lời căn dặn của Bác Hồ với Phật giáo. Bác nói: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, tăng ni và phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần Từ bi, Vô ngã, Vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc”.
Làm theo lời Bác, những năm qua chùa Vạn Quang đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, động viên tăng ni, phật tử thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người con Phật, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đó cũng chính là phương châm của nhà Phật, là: “Đạo pháp - Dân tộc và CNXH”.
Trần Hữu Phước