Chưa có thuốc giải độc tố trong lá ngón
Quân đội do yêu cầu nhiệm vụ, môi trường công tác thường gắn liền với rừng núi; nhất là trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, bữa ăn của bộ đội thậm chí chủ yếu là rau rừng, nên việc nghiên cứu, đề ra cách phòng ngừa cây lá ngón đã được Ngành Hậu cần rất chú trọng làm tốt, như đưa vào giảng dạy và là đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu... trong hệ thống nhà trường. Tuy nhiên, cho đến nay, Y học Quân đội nói riêng, cả nước nói chung vẫn khẳng định chưa có loại thuốc nào, kể cả đông y và tây y chữa được độc tố của lá ngón. Cách tốt nhất là phòng ngừa, không ăn nhầm phải lá ngón.Lá ngón.
Nếu ăn phải lá ngón thì rửa ruột (rửa càng nhanh càng tốt, thời gian tốt nhất là 30 phút đầu) đưa nước vào ruột bệnh nhân nhiều nhất có thể để làm loãng nồng độ độc tố của lá ngón là cách rửa ruột hiệu quả nhất; đồng thời làm thủ thuật cho bệnh nhân nôn ọe ra, sau đó mới đưa đến cơ sở y tế chữa trị tiếp.
Gần đây có một trường hợp cho là cứu thành công một người dân ăn phải lá ngón, bằng cách cho nuốt con ngóe sống với nước lấy từ thân cây chuối. Phải khẳng định ngay đây chỉ là một “mẹo”, may mắn không để lại hậu quả.
"Tanh như ngóe", ngóe lại còn sống, nuốt vào trọng bụng ngóe bị tắc thở, giẫy đạp mạnh, cùng với nước cây chuối trơn kích thích, giúp bệnh nhân nôn ọe ra được... Còn con ngóe và nước cây chuối đều không có chất gì kháng lại được chất độc trong cây lá ngón. Cũng không nên phổ biến “mẹo” chữa này vì vừa mất vệ sinh, vừa rất dễ dẫn đến những hậu quả khác, nguy cơ con ngóe vướng trong họng, làm bệnh nhân bị tắc nghẹn không thở được rất cao, trong khi tinh thần lại không không ổn định nên rất nguy hiểm.
Cách kích thích cho bệnh nhân nôn ọe, là dùng các phương tiện y học được trang bị trong túi thuốc cấp cứu; hoặc có thể dùng tay đưa sâu vào bên trong cổ họng bệnh nhân (móc họng), khi ngón tay chạm vào gốc lưỡi, phản xạ nôn sẽ xuất hiện; hoặc cũng có thể sử dụng một chiếc lông gà ngoáy vào trong cổ họng bệnh nhân. Lông gà chạm vào thành họng và gây nôn rất hiệu quả...
Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta vẫn còn rơi rớt tình trạng uống lá ngón để tự tử. Những trường hợp này hầu như không có cơ hội cứu sống vì không phát hiện được kịp thời. Thiết nghĩ cách phòng ngừa hiệu quả nhất là ở những địa phương có cây lá ngón nên phát động tiêu hủy, đồng thời hướng dẫn cách nhận biết loại cây này để phòng ngừa.
Phát động trong nhân dân cứ thấy cây lá ngón là cắt bỏ. Nếu thành phong trào rộng khắp thì thậm chí không lâu cây lá ngón sẽ bị tiệt chủng ở rừng nước ta.
Nguyễn Đông Thức