Chữa bệnh tăng huyết áp
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới bị tăng huyết áp và có tới 7.5 triệu người tử vong do nguyên nhân trực tiếp là tăng huyết áp. Ở Việt Nam, theo điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh, thành phố thì tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên là 25,1%. Nghĩa là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp.
Dấu hiệu bạn cần đo huyết áp
Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ chuyên khoa 1, Thầy thuốc Ưu tú Trần Thị Thục Oanh cho biết: “Bệnh tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ ràng nên khó phát hiện sớm. Nếu thấy một số dấu hiệu sau đây thì bạn nên đi kiểm tra huyết áp của mình như: đau, váng đầu, chóng mặt, cảm giác đi đứng không vững, mặt đỏ, hoa mắt, mờ mắt, buồn nôn, mất ngủ, ù tai, hồi hộp, tay chân có cảm giác tê, trí nhớ giảm, mệt mỏi, dễ cáu gắt…
Theo các chuyên gia y tế: Người bình thường mức huyết áp duy trì ổn định ở mức 120/80 mmHg. Nếu huyết áp từ 120/80mmHg tới 139/89 mmHg được gọi là tiền tăng huyết áp, huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên được gọi là tăng huyết áp hay huyết áp cao.
Cao huyết áp là bệnh lý gây tử vong và di chứng thần kinh nặng nề nhất như liệt nửa người, hôn mê sống đời sống thực vật, đồng thời có thể thúc đẩy suy tim, thiếu máu cơ tim làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống (không cảm thấy khoẻ khoắn, mất khả năng lao động) và gia tăng khả năng tử vong.
Biện pháp phòng ngừa
Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp, đặc biệt là hạn chế những biến chứng nặng nề của bệnh, cũng theo bác sĩ Trần Thị Thục Oanh thì mỗi người, đặc biệt là người cao tuổi cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý:
Về chế độ sinh hoạt: Nên tránh căng thẳng, giảm cường độ công việc, sắp xếp công việc thuận tiện, nhẹ nhàng để luôn có tâm lý thoải mái. Tránh những xúc động mạnh như: lo lắng, buồn phiền, giận dữ, kinh sợ; tránh gió lạnh đột ngột; làm việc, nghỉ ngơi điều độ, lành mạnh; thường xuyên tập luyện thể dục, dưỡng sinh vừa sức (đi bộ, bơi lội, đi xe đạp, tập thái cực quyền, yoga…), tập thở chậm và sâu, xoa bóp tay chân…
Về chế độ ăn uống: người tăng huyết áp, nên ăn nhiều rau xanh, củ, quả, hạt. Tránh hoặc hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu cholesterol, quá mặn, ngọt và giàu chất béo. Một số nước uống có tính kích thích như: cà phê, rượu, bia có thể làm tăng huyết áp. Không uống trà, cà phê vào buổi chiều tối, dễ bị mất ngủ, tạo điều kiện cho huyết áp tăng cao.
Đối tượng thường bị cao huyết áp là người cao tuổi, vì vậy những người từ 60 tuổi trở lên nên đo huyết áp thường xuyên; người bình thường khi cảm thấy cơ thể mình thay đổi thì nên đo huyết áp ngay.
Đối với những người đã mắc bệnh cao huyết áp cần điều trị đều đặn và liên tục, không dừng thuốc đột ngột để tránh tình trạng huyết áp tăng vọt, hiện tượng này dễ gây nhiều tai biến như đứt mạnh máu não, nhồi máu cơ tim… Khi huyết áp đã ổn định thì người bệnh vẫn phải uống thuốc.
Tăng huyết áp được ví là “kẻ giết người thầm lặng” bởi tiến triển âm thầm trong 15-20 năm đầu, người bị tăng huyết áp vẫn sống và làm việc bình thường trong khi bệnh đang huỷ hoại cơ thể dần dần, gây ra cái chết gặm nhấm, cái chết huỷ hoại hoặc cái chết đột ngột, đặt biệt tăng huyết áp gây giảm tuổi thọ từ 10 đến 20 năm.
Minh Vũ