Chủ tịch Quốc hội dự Lễ Kỷ niệm 50 năm công ước về bảo vệ di sản văn hóa

Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu dự lễ.

Sáng 6-9, tại Ninh Bình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về dự Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương; Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay và đại sứ một số nước tại Việt Nam…

Cách đây 50 năm, ngày 16-11-1972, tại Kỳ họp lần thứ 17 diễn ra ở Thủ đô Paris (Pháp), UNESCO đã thông qua Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đặt nền móng vững chắc cho công tác bảo vệ di sản. Đến nay đã có 194 quốc gia thành viên của công ước.

Việt Nam là thành viên của UNESCO từ năm 1976, phê chuẩn Công ước từ ngày 19-10-1987 và được cộng đồng quốc tế đánh giá là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn thực hiện tốt các quy định của công ước.

Với nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ, phong phú, đặc sắc, Việt Nam đã lựa chọn, lập hồ sơ 8 di sản văn hóa, thiên nhiên tiêu biểu và được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.

Phát biểu chào mừng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho rằng, việc Ninh Bình được chọn là nơi đăng cai tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là cơ hội để Ninh Bình nói riêng, Việt Nam nói chung khẳng định tinh thần của công ước về bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới 1972 đã và đang được thực thi hiệu quả, trở thành kim chỉ nam cho công tác bảo tồn di sản.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, các giá trị di sản văn hoá, thiên nhiên ở Ninh Bình là nguồn lực, trụ cột và động lực quan trọng trong xây dựng văn hoá, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế, là cơ hội để Ninh Bình phát triển bền vững, mở rộng giao lưu văn hoá, kinh tế với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Vì vậy, việc gìn giữ, bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đòi hỏi sự tập trung cao của các cấp uỷ đảng, chính quyền, của từng người dân trực tiếp sở hữu di sản, chung sống với di sản, phát huy cùng di sản.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, 35 năm qua kể từ khi tham gia công ước, Việt Nam luôn quan tâm tới công tác xây dựng và thực thi các kế hoạch quản lý, quy hoạch và đầu tư, hỗ trợ kinh phí tại các Di sản Thế giới ở Việt Nam. Các Di sản Thế giới ở Việt Nam được tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp, đồng thời bảo tồn được các giá trị nổi bật toàn cầu, tính xác thực, tính toàn vẹn theo hướng bền vững.

Trước thời điểm dịch Covid-19, năm 2019, các Di sản Thế giới ở Việt Nam đã đón trên 18,2 triệu lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm, với tổng doanh thu đạt 1.800 tỷ đồng), là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản thế giới tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, góp phần cân bằng/bảo vệ môi trường, củng cố hòa bình và an ninh theo hướng phát triển bền vững cho Việt Nam và thế giới.

Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay hoan nghênh Việt Nam đã phát huy đầy đủ tiềm năng từ các công ước văn hóa của UNESCO. 35 năm sau khi gia nhập, Việt Nam đã có 8 di sản được ghi danh là Di sản thế giới. Mỗi di sản, theo cách riêng của mình, đã góp phần thể hiện bề dày lịch sử của Việt Nam; thể hiện sự giàu có và đa dạng của văn hóa Việt.

Bà Audrey Azoulay đánh giá cao mô hình Khu Di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên.

Theo bà Audrey Azoulay, bảo tồn di sản là điều kiện tiên quyết để đảm bảo rằng thế giới không bị sụp đổ thêm nữa. “Đó là sự kết nối giữa quá khứ và tương lai của chúng ta. Chúng ta phải đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng mà chúng đáng có. Chúng ta cần phải coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, như ví dụ ở Việt Nam và như mô hình mẫu mực của Tràng An”, bà Audrey Azoulay nói.

* Trước đó, chiều 5-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã tới dâng hương tại Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Đền thờ Vua Lê Đại Hành tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG