Chủ tịch nước gặp song phương lãnh đạo các nước tại Liên hợp quốc
Tại cuộc gặp với Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedov, Chủ tịch nước cho rằng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hai nước còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy quan hệ hợp tác đa dạng và thực chất.
Hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư trên các lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu và thế mạnh như dệt may, da giầy, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, giống cây trồng và chăn nuôi, sản xuất bông nguyên liệu, vải sợi, dầu khí, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng..., qua đó tạo động lực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác.
Chủ tịch nước đề nghị Turkmenistan sớm cử Đại sứ kiêm nhiệm Việt Nam và trân trọng mời Ngài Tổng thống Gurbanguly Berdimuhamedov thăm Việt Nam vào thời điểm thuận lợi.
Tổng thống Gurbanguly Berdimuhamedov khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, nhất trí cao với các ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.
Hai vị lãnh đạo cũng nhất trí quan điểm là bạn bè truyền thống, hai nước cần phối hợp hiệu quả với nhau nhằm đóng góp tích cực vào việc đảm bảo hòa bình, an ninh quốc tế, giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Mozambique Filipe Jacinto Nyusi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Đảng FRELIMO và Nhà nước Mozambique.
Để tiếp tục tăng cường quan hệ song phương, thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2015), Chủ tịch nước đề nghị hai nước tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn bộ/ngành, địa phương và doanh nghiệp để mở rộng hợp tác bằng những biện pháp cụ thể và thiết thực.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã mời Tổng thống Filipe Jacinto Nyusi sớm thăm chính thức Việt Nam. Tổng thống F. J. Nyusi bày tỏ những ấn tượng sâu sắc trong chuyến thăm Việt Nam năm 2011 với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng, bày tỏ mong muốn sớm được thăm lại Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Chính phủ Mozambique tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án liên doanh của doanh nghiệp hai nước được triển khai hiệu quả tại Mozambique, trong đó có dự án liên doanh viễn thông Movitel của Tập đoàn Viettel, và Liên doanh hợp tác nông nghiệp về nghiên cứu phát triển cây lương thực và cây thực phẩm tại Mozambique giai đoạn 2013-2017.
Tổng thống F. J. Nyusi đánh giá rất cao các dự án của Việt Nam ở Mozambique, khẳng định luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án liên doanh Việt Nam-Mozambique. Tổng thống cho rằng thành công của các liên doanh này sẽ góp phần to lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của hai nước, tạo động lực để doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác, đầu tư sang các lĩnh vực nhiều tiềm năng khác như dầu khí, giao thông, giáo dục, hàng hải, xây dựng cảng biển...
Tổng thống Nyusi cho biết sẽ sớm cử Bộ trưởng Giao thông sang Việt Nam để trao đổi các biện pháp hợp tác cụ thể. Hai vị lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, vì lợi ích của các nước đang phát triển.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã cảm ơn Mozambique ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019, Hội đồng Kinh tế-Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018 và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Gặp Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị, để tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước thời gian tới, Việt Nam và Thụy Điển cần tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp và tiếp xúc cấp cao.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã mời ông Stefan Lofven thăm chính thức Việt Nam và thông qua Thủ tướng Thụy Điển, mời Nhà vua Thụy Điển Gustav XVI thăm Việt Nam vào thời điểm thuận lợi.
Thủ tướng Stefan Lofven cho biết nhiều thế hệ lãnh đạo Thụy Điển luôn có tình cảm tốt đẹp đối với Việt Nam. Cá nhân ông Stefan Lofven cũng luôn ủng hộ phát triển quan hệ với Việt Nam và mong muốn sớm thăm Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng Stefan Lofven cũng trân trọng mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Thụy Điển. Nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại giữa Việt Nam với Thụy Điển và EU, Chủ tịch nước đề nghị Thụy Điển thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA); mong Thụy Điển sớm công nhận và thúc đẩy Ủy ban châu Âu công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, qua đó thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với EU nói chung và với Thụy Điển nói riêng.
Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng là cầu nối tích cực để EU và Thụy Điển tăng cường quan hệ với ASEAN. Thủ tướng S. Lofven khẳng định sẽ thúc đẩy để EVFTA sớm được ký kết và phê chuẩn.
Với tiềm năng hợp tác còn rất lớn giữa hai nước, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ Thụy Điển hỗ trợ các công ty Thụy Điển đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Điển có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng sạch và tái tạo, vận tải, dịch vụ ngân hàng - tài chính, thiết bị y tế đồng thời, Việt Nam mong muốn Chính phủ Thụy Điển tiếp tục cung cấp ODA thông qua các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới… để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện bình đẳng giới.
Về tăng cường hợp tác giáo dục và đào tạo, Chủ tịch nước đề nghị Thụy Điển tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao về lâm nghiệp, năng lượng, công nghệ sinh học, y học và báo chí; đồng thời thúc đẩy các mô hình trao đổi sinh viên và hợp tác đào tạo giữa các trường Đại học và Viện nghiên cứu hai nước.
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, Chủ tịch nước đề nghị Thụy Điển quan tâm và ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam trong giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển Liên hợp quốc năm 1982./.
Theo TTXVN