Xã Vân Hòa (Ba Vì, Hà Nội): Dân kêu trời vì Dự án tại Vườn Quốc gia Ba Vì
Nhiều héc-ta đất thu hồi làm dự án đập Đồng Xô phía dưới chân đập đến giờ bỏ hoang…
Nhận giao khoán bảo vệ rừng, bỏ vốn đầu tư trồng một số cây nhưng đến mùa thu hoạch lại không được hưởng; việc thu hồi đất giao khoán bảo vệ rừng và thu hồi đất nông nghiệp để triển khai xây dựng Dự án đập Đồng Xô, đến nay có nhiều diện tích khiến người dân “sót ruột” vì đất đai bỏ hoang, lãng phí... Đó là những kiến nghị của một số người dân xã Vân Hòa gửi cơ quan chức năng Bộ NNPTNT và báo chí…
Du lịch sinh thái… lấn át cuộc sống mưu sinh
Trong đơn, nhiều hộ dân sống tại xã Vân Hòa (Ba Vì, Hà Nội) cho biết: Từ đầu thập niên 1990 thực hiện chủ trương của Nhà nước, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì (VQG) cùng các cấp chính quyền địa phương đã giao đất rừng, cấp giấy tờ bằng sổ lâm bạ để quản lý, nuôi trồng và bảo vệ chăm sóc rừng (BVR) theo quy định của pháp luật.
Năm 1999 tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt Dự án khu Du lịch Thiên Sơn Thác Ngà rộng tới 450ha, lấn vào cả 433,25ha phần đất của VQG đang quản lý và đã giao cho các hộ dân nhận khoán BVR. Năm 2003, sau khi Đề án thí điểm sử dụng môi trường rừng đặc dụng để phát triển du lịch sinh thái và giáo dục hướng nghiệp tại VQG Ba Vì được triển khai, tháng 6-2003, Bộ NNPTNT có văn bản phê duyệt phương án cho Công ty Bình Minh thuê 252ha môi trường rừng đặc dụng để phát triển du lịch.
Đến năm 2010, Bộ NNPTNT và UBND T.P Hà Nội còn tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chuyển giao 30,3ha rừng đặc dụng dưới cốt 100 thuộc xã Vân Hòa về VQG Ba Vì quản lý để tiếp tục cho Công ty Bình Minh thuê môi trường rừng đặc dụng, phát triển kinh doanh du lịch sinh thái gắn với Khu du lịch Thiên Sơn Thác Ngà. Trước đó, năm 2007, số diện tích này đã chuyển giao về các địa phương quản lý, để giao lại cho người dân nhận khoán BVR, nhưng cứ nhùng nhằng không thực hiện được. Đến năm 2012, diện tích đo đạc lại tăng vọt lên 39,9ha.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trong diện tích điều chuyển để làm Khu du lịch có phần chồng lấn diện tích của một số hộ dân đã ký hợp đồng nhận khoán BVR, gây trồng rừng như gia đình CCB Đinh Văn Luân 10,9ha, cựu quân nhân Phùng Đức Việt 13ha, các bà Nguyễn Thị Ái 40ha, Nguyễn Thị Thanh 20ha (tên nhận BVR là Thu); các ông Nguyễn Văn Nghĩa 11ha, Nguyễn Văn Cân hơn 10ha, Nguyễn Viết Mong, Nguyễn Văn Nghênh 11ha.
Thế nhưng việc thu hồi đất rừng không thực hiện đúng trình tự, không theo quy trình thanh lý hợp đồng, không đền bù khiến người dân có khiếu nại. Năm 2002, Kết luận của Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) về toàn bộ Khu du lịch Thiên Sơn Thác Ngà và Dự án làm đường, đập nước thủy lợi của xã Vân Hòa chỉ ra: Việc UBND tỉnh Hà Tây đã ký quyết định quy hoạch Khu du lịch Thiên Sơn Thác Ngà có 433,25 ha thuộc lâm phần đất do Bộ NNPTNT quản lý mà không thống nhất với Bộ là trái với quy định. Khu du lịch Thiên Sơn Thác Ngà nằm sâu trong lõi rừng nguyên sinh đã phá cảnh quan môi trường, phá rừng, san lấp hàng loạt nhà kiên cố và đường bê tông. Việc xây dựng liên tiếp 4 đập nước đã xâm chiếm diện tích canh tác của nhân dân địa phương xã Vân Hòa (thôn Xoan).
Kết luận thanh tra bị bỏ ngỏ?
Theo người dân cho biết, đến thời điểm hiện tại, sau gần 20 năm, Kết luận thanh tra vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến họ tiếp tục có đơn khiến nghị gửi lên cấp có thẩm quyền…
Người dân cho hay, toàn bộ đất đai vườn rừng được giao trước đây khi thu hồi không thanh lý và không được bồi thường theo quy định. Một số diện tích rừng có đan xen hoặc nằm trên cốt 100 bị mắc kẹt với đất đai của khu du lịch, diện tích 39,9ha nằm chấp chới giữa VQG và địa phương, không được giải quyết triệt để. Việc này chưa được thực hiện sẽ tiếp tục gây rất khó khăn cho việc quản lý, BVR đối với diện tích nhận giao khoán. Không những thế, hàng chục héc-ta đất sản xuất nông nghiệp xung quanh đập Đồng Xô bị thu hồi, sau khi xây xong đập cả một vùng đất rộng lớn vài héc-ta phía dưới chân đập bị đất đá trong quá trình thi công đổ ra, khiến cho đất đai bị bỏ hoang, đời sống nhân dân ngày càng gặp khó khăn do thiếu đất canh tác…
CCB Đinh Văn Luân cho biết: Gia đình bỏ tiền ra trồng cây từ năm 2007 nhưng VQG không cho thu hoạch, kể cả cây gãy, chết, báo cho Ban Quản lý nhưng cũng không được động đến. Trong khi đó, vốn Nhà nước đầu tư chỉ trồng các cây lâu năm như sấu, de, lát... còn lại cây keo, bạch đàn, tre luồng người dân tự bỏ vốn trồng. Mặc dù bỏ nhiều công sức nhưng VQG cũng không cho thu hoạch, ngay cả vài năm trước có trận bão cây đổ la liệt, người dân làm báo cáo, rồi làm đơn mấy năm liền nhưng cũng không được chấp thuận giải quyết.
Vẫn theo CCB Đinh Văn Luân, mỗi năm gia đình ông chỉ được trả tiền chăm sóc, BVR là 200.000 đồng/ha/năm. Trong khi đó, thời gian trông nom BVR thì nhiều, cây nào mất, chết, đất trống thì phải trồng bổ sung, khó khăn chồng chất...
Lý giải kiến nghị của dân, ông Đỗ Hữu Thế - Giám đốc VQG Ba Vì cho biết: Chúng tôi mới nhận được văn bản chuyển đơn của người dân xã Vân Hòa kiến nghị do Tổng cục Lâm nghiệp chuyển đơn về VQG xem xét giải quyết. Về nội dung như trong đơn phản ánh là đúng thực tế, VQG đang rà soát lại, sớm có hồi âm cho người dân và báo cáo Tổng cục Lâm nghiệp…
Bài và ảnh: Chính Nhi