Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phong trào Thi đua yêu nước
Bác Hồ thăm, tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, năm 1958.
“Mục đích Thi đua ái quốc là gì? Người chỉ rõ: “Diệt giặc đói khổ, Diệt giặc dốt nát, Diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào: Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân. Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, Toàn diện kháng chiến. Kết quả đầu tiên của Thi đua ái quốc là: Toàn dân đủ ăn đủ mặc. Toàn dân sẽ biết đọc biết viết. Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới, để giết giặc ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc...” (Trích Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Từ khi phát động phong trào thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành thời gian quan tâm, theo dõi cụ thể, viết báo tuyên truyền, nói chuyện tại các Đại hội thi đua. Phát biểu tại buổi khai mạc Đại hội các Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1-5-1952 ở Việt Bắc, Bác Hồ nói: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Và “Những người thi đua là những người yêu nước nhất" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, Tập 6, tr.473). Đây là một quan niệm mới về thi đua, thể hiện sự sáng tạo độc đáo trong tư tưởng về thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói đó là một quan niệm, một cách nhìn sâu rộng và cao hơn quan niệm, nhìn nhận thông thường về thi đua, một sự phát triển mới về thi đua. Người chỉ rõ: “Với lòng nồng nàn yêu nước và lực lượng vô cùng tận của nhân dân ta, cuộc thi đua ái quốc nhất định sẽ thành công to” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, Tập 5, tr.441).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua phải được tiến hành thường xuyên, thành một nền nếp làm việc, một thói quen tốt mà ai ai cũng phải bền bỉ, cố gắng rèn luyện làm theo. Người cũng chỉ rõ: Tổ chức thi đua là công tác vận động quần chúng nên những người làm công tác thi đua phải đi sâu, đi sát phong trào, bám sát cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo kiểu chuồn chuồn đạp nước. Phong trào cần phải liên tục và có nội dung thiết thực, không nên chỉ có tính hình thức, có phát mà không động, càng không nên đầu voi đuôi chuột. Thi đua phải có mục đích rõ ràng, khoa học, toàn diện và cụ thể. Có mục đích cho cả nước, cho từng vùng miền, từng ngành, từng giới, từng lứa tuổi; đồng thời phải có mục đích thi đua lâu dài và trước mắt. Mục đích trước mắt tạo điều kiện tiến tới thực hiện mục đích lâu dài. Trong từng thời gian có mục tiêu đột xuất giải quyết khâu quan trọng, then chốt, thúc đẩy các khâu khác phát triển. Mục đích thi đua phải gắn liền với các nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, quân sự, kháng chiến cứu nước, xây dựng đất nước, phù hợp với khả năng thực tế trong từng thời kỳ để nâng cao từng bước một cách tích cực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: Thi đua và khen thưởng phải luôn gắn bó với nhau. Đã thi đua phải có khen thưởng. Đây là một việc quan trọng của công tác tổ chức thi đua. Theo Người: Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch. Trong thi đua yêu nước, khen thưởng xác nhận sự công nhận của xã hội với những cống hiến của các cá nhân, tập thể cho sự nghiệp cách mạng. Khen thưởng chính xác, kịp thời, đúng người, đúng việc những cá nhân, tập thể tiêu biểu đã có công lao, đóng góp sẽ có tác dụng động viên khuyến khích, tạo được những tấm gương cho xã hội. Điều này cũng trực tiếp làm phong trào thi đua phát triển và nếu không làm được điều đó sẽ triệt tiêu động lực và gây hậu quả xấu với công tác thi đua. Để đảm bảo cho phong trào thi đua thắng lợi, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần có hai điều: Một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phần”...
Trải qua hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, rồi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và hơn ba mươi năm đổi mới đất nước, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, được thực hiện sáng tạo và triệt để, đưa cách mạnh nước ta đi từ thắng này đến thắng lợi khác.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2018), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi và thiết thực nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, giảm thiểu tai nạn giao thông, giữ vững ổn định chính trí, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 3 phong trào thi đua trọng tâm "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020, "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau", làm nòng cốt cho các phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay.
Từ khi được thành lập, Hội CCB Việt Nam cụ thể hóa Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng Phong trào thi đua “CCB gương mẫu”. Từ phong trào thi đua này, Hội đã có nhiều đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trên cơ sở đó có gần 153.900 hội viên là đảng viên được bầu vào cấp ủy các cấp; trong đó có trên 83.000 đồng chí là Bí thư, Phó bí thư chi bộ; gần 11.120 đồng chí là Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy cơ sở; 288 đồng chí là Bí thư, Phó bí thư đảng ủy cấp trên trực tiếp. Hội có 67.871 cán bộ, hội viên là đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Toàn Hội có 7.728 doanh nghiệp, 1.499 HTX, 2.261 tổ hợp tác, 82.791 trang trại và gia trại, thu hút gần 547.000 lao động. Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam có 30 tỉnh, thành phố thành lập Hội hoặc Câu lạc bộ Doanh nhân CCB. Trong 5 năm gần đây, Hội CCB Việt Nam có 9 điển hình tiên tiến xuất sắc tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, lần thứ IX; 59 tập thể và 66 cá nhân được T.Ư Hội tặng Bằng khen; hàng trăm tập thể và hàng nghìn cá nhân được các cấp Hội khen thưởng.
Nếu mỗi việc tốt, mỗi người tốt là một bông hoa đẹp thì Hội CCB Việt Nam đã có một vườn hoa đẹp.
Tô Kiều Thẩm