Nhạc sĩ Lưu Bách Thụ có bài "Biết ơn Cụ Hồ". Đây là một trong những bài hát ca ngợi Người xuất hiện sớm nhất. Xung quang bài hát này có những mẩu chuyện vui. Câu đầu tiên của bài hát, nhạc sĩ viết: "Dân Nam ơi, biết ơn Cụ Hồ là người". Bác sửa lại: "Dân Nam ơi, biết ơn Cụ Hồ đời đời". Dòng 3, nhạc sĩ viết: "Xa quê hương bốn phương mịt mù lạnh lùng". Bác chữa: "Xa quê hương bốn phương mịt mùng lạnh lùng". Chữ "mù" Bác chữa thành chữ "mùng". Dòng 5, nhạc sĩ viết: "Bao nhiêu phen chống người ngoại xâm". Bác bỏ chữ "người", câu hát thành "Bao nhiêu phen chống ngoại xâm". Chỉ riêng chuyện này ta đã thấy Bác rất cân nhắc, thận trọng khi dùng chữ, một bàì học thiết thực cho người cầm bút.
Bài "Vầng trăng Ba Đình" nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã tạo nên một tứ thơ sâu sắc, đằm thắm để nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc thành công. Nhạc phẩm này dễ hát, với một giọng nữ cao cất lên, người nghe thật xúc động: "Trăng lên kìa trăng lên/ Quảng trường dâng biển sáng/ Ơi vầng trăng, vầng trăng Ba Đình/ Mênh mông, mênh mông, mênh mông và thiêng liêng/ Trong lăng Bác vừa chợp nghỉ/ Như sau mỗi việc làm/ Trăng ơi trăng biết thế/ Nên trăng bước nhẹ nhàng/ Như đầy thuyền trăng ngân".
"Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác/ Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát/ Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam/ Giông tố mưa sa đứng thẳng hàng/ Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ/ Ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...". Đây là những câu thơ trong bài "Vào Lăng viếng Bác" của nhà thơ Viễn Phương. Lời thơ giản dị như những lời nói bình thường, nhưng đã được nhà thơ lựa chọn, đặt vào những khổ thơ đúng chỗ, vậy nên lời thơ có sức hút. Bài thơ lại được Hoàng Hiệp - một nhạc sĩ mà tên tuổi đã từng quen với thính giả cả nước phổ nhạc. Những "hàng tre xanh bát ngát" mà nhà thơ đưa vào bài thơ, rõ là nét quê hương đầm ấm được nhạc chở đi nên xanh tươi mãi, bát ngát mãi...
Nhạc sĩ Huy Thục "trình' bạn đọc và người nghe cả nước một trong những tác phẩm "đi cùng năm tháng" của anh: nhạc phẩm "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" với những câu: "Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận/ Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác/ Nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên Người/ Dâng lên tới Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời…”. Trên sâu khấu trong nhà hát lộng lẫy hay trên bãi cỏ nơi thao trường, nơi đỉnh dốc cao hay nơi bến cảng, hạm tàu, hễ bài hát này được cất lên là ai cũng muốn "hành quân cùng Bác". Tìm được cái giai điệu thuộc loại "vàng mười" này phải nói là một sự tìm tòi sáng tạo...
Bài hát "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người", lời thơ Đăng Trung, nhạc Cao Việt Bách sẽ còn sáng mãi với cuộc hành trình đi tới độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân do Đảng ta và Bác Hồ đã dẫn lối, chỉ đường. Ngày 5-6-1911, Bác ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng, Sài Gòn, nay là TP. Hồ Chí Minh. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30-4-1975, bài hát "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người" được phát sóng đã gây xúc động cho hàng triệu người nghe: "Từ thành phố này Người đã ra đi/ Bao năm ước mong đón Bác trở về/ Trong chiến dịch này Bác đã cùng về với những đoàn quân/ Bác vẫn đến từng nhà thăm các cụ già cầm tay chúng con/ Bác bắt nhịp bài ca "Kết đoàn...". Một giọng nam cao vừa cất lên, ta đã hình dung được cuộc hành trình của Bác. Bài hát sâu lắng, đúng là một nhạc phẩm xuất sắc ca ngợi công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
TÔ KIỀU THẨM