Chủ tịch Hà Nội: 'Cửa an toàn hẹp dần'
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Ông Nguyễn Đức Chung cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng rất lớn và đề nghị người dân tuân thủ các khuyến cáo phòng bệnh.
"Từ 25/3 đến 5/4, mọi người hạn chế tối đa việc ra đường; nếu ra đường, tuân thủ quy định đeo khẩu trang và giữ khoảng cách từ 2 đến 3 m với người xung quanh", Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói tại phiên họp thường kỳ của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố, chiều 25/3.
Đây là lần thứ tư trong bảy ngày qua, người đứng đầu chính quyền Hà Nội phát đi thông điệp trên, kêu gọi người dân đồng lòng cùng chính quyền trong việc phòng, chống dịch.
Nêu diễn biến dịch trên thế giới và tại Việt Nam, ông Chung nhận định, tình hình dịch Covid-19 đang có nguy cơ lây nhiễm rất cao ra ngoài cộng đồng và "cửa an toàn của chúng ta ngày càng hẹp hơn".
Một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng là do người dân không thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang nơi công cộng. "Tôi vẫn thấy còn nhiều người không đeo khẩu trang khi đi đường. Các quán cafe không đóng cửa và khách ngồi sát nhau. Tình trạng tụ tập đông người như cúng lễ mùng 1 Âm lịch vẫn còn", ông Chung dẫn chứng và nhấn mạnh "cách phòng ngừa tốt nhất là ở trong nhà".
Hà Nội cho rằng hiện có bốn nguồn lây nhiễm lớn gồm: lây nhiễm chéo và xuất phát ổ dịch bệnh từ bệnh viện Bạch Mai; từ các nguồn khách du lịch và người Việt Nam từ nước ngoài về nước; những người có bệnh mà chưa bị phát hiện và nguồn lây từ các nhân viên y tế.
Thành phố đã rà soát trên 3.000 người nhập cảnh qua sân bay Nội Bài, lấy mẫu xét nghiệm trên 2.000 trường hợp. Gần 1.000 trường hợp đã có kết quả, trong đó phát hiện có 4 trường hợp dương tính. Nếu tính theo tỷ lệ rà soát và phát hiện số ca bệnh trên, còn ít nhất hàng chục trường hợp dương tính mà chưa kịp phát hiện và "đang lang thang ở thành phố". Do vậy không loại trừ trong những ngày tới, thành phố sẽ tiếp tục có thêm ca bệnh mới từ những nguồn lây nhiễm khác.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu "tất cả các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu đóng cửa đến hết 5/4, trừ các cửa hàng xăng dầu bán lẻ, thuốc chữa bệnh, rau củ quả, lương thực thực phẩm". Thành phố chỉ để 20% các phương tiện vận tải công cộng hoạt động. Người dân không nên sử dụng phương tiện công cộng, nên dùng phương tiện cá nhân.
"Nếu tất cả người dân cùng tham gia phòng, chống dịch với ý thức bảo vệ cá nhân mình, gia đình mình và cộng đồng, xã hội thì dịch mới ngăn chặn được", ông Chung nói.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến 12h00 ngày 25/3 trên địa bàn thành phố ghi nhận 52 trường hợp có xét nghiệm dương tính.
Hà Nội đã yêu cầu tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ kinh doanh không cần thiết như: dịch vụ karaoke, massage, bar, vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, sân vận động, các môn thể thao đông người...
Thành phố cũng khuyến cáo người dân hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại các đám hiếu, hỷ, giỗ, liên hoan sinh nhật; khuyến khích người dân ờ nhà, làm việc, học tập trực tuyến... Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không tồ chức các hoạt động có tập trung đông người.
Võ Hải