PV: Thưa đại biểu Phan Văn Quý, trong phiên thảo luận vừa rồi, có một số đại biểu Quốc hội cho rằng 5 năm 2016-2020, KT-XH đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức; đồng nghĩa với khó khăn thách thức của Quốc hội Khóa XIV. Là đại biểu doanh nhân CCB, đồng chí có thể cho bạn đọc Báo CCB biết ý kiến của mình về nhận định này?

Đại biểu Phan Văn Quý: Cũng như nhiều đại biểu khác, tôi nhất trí với dự báo được thể hiện trong Báo cáo của Chính phủ: Giai đoạn 2016-2020, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, KT-XH đất nước còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bởi các nhân tố: Tình hình an ninh biển đảo vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường; Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng xấu và khó kiểm soát; Nợ công có chiều hướng gia tăng; Vệ sinh an toàn thực phẩm ngày một nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân; Việc làm của người lao động thiếu nhiều, chất lượng chưa cao... Từ đó, tôi cơ bản nhất trí với những quyết sách đối phó với khó khăn, thách thức đã được Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm định của UBKT trình Quốc hội tại kỳ họp này.

PV: Theo dõi suốt nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, tôi thấy đồng chí quan tâm nhiều đến vấn đề an ninh chủ quyền biển đảo. Trong bài phát biểu trước Quốc hội vừa rồi, đồng chí có kiến nghị gì thêm về vấn đề này?

Đại biểu Phan Văn Quý: Bảo vệ chủ quyền biển đảo là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi chúng ta. Trước bối cảnh an ninh chủ quyền Biển Đông diễn biến bất thường, thậm chí bị đe dọa, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ trên các măt: Chính trị, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng; đặc biệt là kết hợp phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng.

Để chương trình phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng có hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, tại kỳ họp thứ 3, thứ 5 và thứ 10 của Quốc hội khóa này, tôi đã đề nghị: Một là, cần tăng cường nguồn lực cho các doanh nghiệp đóng tàu quân đội; phát triển ngành đóng tàu cần đi đôi với phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình nội địa hóa. Hai là, sớm ban hành "Luật Phát triển công nghiệp quốc phòng" thay cho "Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng", để tạo cơ sở pháp lý cho các đối tượng tham gia phát triển CNQP.

Qua các lần gặp gỡ cử tri, nhiều người dân rất lo lắng về tình hình Biển Đông. Nhiều CCB, đặc biệt là các Tướng lĩnh, các bậc Lão thành cách mạng kiến nghị nên xem kinh tế biển là một ngành đặc thù và cần giao nhiệm vụ phát triển kinh tế biển cho các doanh nghiệp quân đội thực hiện.

Tại kỳ họp này, một lần nữa tôi đề nghị Chính phủ sớm giao cho doanh nghiệp quân đội chủ trì làm kinh tế biển, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đầu tư mạnh cho các doanh nghiệp đóng tàu quân đội, như Ba Son, Sông Thu, Công ty 198...; giúp các doanh nghiệp này phát triển, dẫn dắt ngành đóng tàu của cả nước. Để trong một tương lai không xa, chúng ta có những đội tàu lớn ra khơi, vừa đánh cá, khai thác nguồn lợi từ biển, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nếu chúng ta không đầu tư thích đáng bằng những biện pháp phù hợp, mạnh mẽ, thì việc ngăn chặn tham vọng của nước lớn đối với Biển Đông là điều rất khó.

PV: Sau KT-QP gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo, đồng chí quan tâm, trăn trở nhiều về vấn đề gì?

Đại biểu Phan Văn Quý: Tôi quan tâm nhiều đến việc làm của người lao động. Trong chủ trương về tái cơ cấu nền kinh tế, Đảng ta đã xác định ba khâu đột phá chiến lược. Đến nay, đột phá về thể chế và hạ tầng đã đạt được nhiều kết quả; riêng đột phá về nguồn nhân lực còn nhiều vấn đề phải bàn.

Đầu tháng 3 vừa qua, một số phương tiện thông tin có đưa vụ việc hai người dân Hà Tĩnh đi lao động tự do ở Angola và bị sát hại. Khi đi, họ phải mất cho môi giới hơn 100 triệu đồng/người; khi bị sát hại, để đưa được thi thể họ về, gia đình phải mất khoảng150 triệu đồng/người. Người chết, nợ nần chồng chất, để lại cho một gia đình một người vợ trẻ với hai con thơ; một gia đình khác một người vợ trẻ và ba con nhỏ! Ở đây, theo tôi có hai vấn đề cần bàn, đó là: Các cơ quan chức năng cần tư vấn, khuyến cáo rộng rãi về các thị trường lao động, để người dân biết, rồi cân nhắc, quyết định. Ở góc độ khác, chúng ta phải thừa nhận rằng người lao động trong nước đang rất thiếu việc làm, năng suất lao động chưa cao, bởi ba nguyên nhân: 1. Công tác tổ chức trong lĩnh vực đào tạo nghề chưa hợp lý; 2. Nội dung dạy nghề của các cơ sở đào tạo nghề chưa sát thị trường; 3. Giáo viên dạy nghề còn thiếu và yếu.

PV: Trước thực trạng đó, đồng chí có đề xuất gì?

Đại biểu Phan Văn Quý: Có thể những giải pháp sau là chưa đủ, nhưng tôi đã mạnh dạn đề xuất:

  1. Xem xét điều chỉnh tổ chức về lao động dạy nghề ở cả TƯ và địa phương cho hợp lý. Chính phủ cần có đề án xây dựng lại tổ chức trong lĩnh vực đào tạo nghề cho phù hợp.

  2. Sớm ban hành "Luật Nội địa hóa" để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thực hiện nhiều công trình, dự án, tạo việc làm cho người lao động trong nước.

  3. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề, đặc biệt cho các địa phương có tiềm năng phát triển về công-nông nghiệp tập trung.

  4. Cần khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ các địa phương đầu tư các cơ sở dạy nghề; xây dựng nội dung đào tạo phù hợp, tạo việc làm cho người học sau khi ra trường. Như vậy, chúng ta đã chuyển hình thức "hỗ trợ cho người lao động con cá" như Nghị quyết số 80, ngày 19-5-2011 của Chính phủ, sang việc "trao cho họ cái cần câu".

  5. Có cơ chế hấp dẫn cho các doanh nghiệp hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề được hạch toán các khoản hỗ trợ vào chi phí hợp lý.

Người dân, đặc biệt là lớp lao động trẻ, người nghèo cần việc làm như con người cần cơm ăn, nước uống. Do vậy, chúng ta cần có chính sách đầu tư thích hợp cho công tác đào tạo nghề. Vì đào tạo nghề là một phần của nguồn nhân lực. Nếu khâu đột phá nguồn nhân lực đạt hiệu quả không cao thì công cuộc xây dựng và phát triển đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

Việt Hưng (thực hiện)