Chư Nghé - Trận mở đầu cho cuộc chiến

Nhà văn Tùng Lâm (bên phải) kể lại trận đánh cho PV Xuân Bảy...

Đã 44 năm trôi qua với nhiều thăng trầm của cuộc sống, nhưng những kỷ niệm sâu sắc về một thời của người lính Cụ Hồ, chúng ta cùng nhớ lại trận đánh mở màn của chiến dịch mùa xuân đại thắng 1975.              

Tháng 3-1975, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ đưa một đoàn xe 10 chiếc chở lương thực, thực phẩm tiếp tế cho một trận đánh lớn của Mặt trận Tây Nguyên.

Chúng tôi phải vượt qua hơn 100km đường 19 đầy đèo dốc, vực sâu và ổ voi ổ gà vì từ lâu không được tu sửa. Vả lại phải đi đêm vì thời điểm này là cuối mùa khô nên bụi bốc lên rất cao dễ bị máy bay trinh sát của địch phát hiện.

Gần sáng, đoàn xe chúng tôi mới đến địa điểm giao hàng. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 -  Lê Duy Nghĩa nói với tôi:

- Phiền các cậu ở lại vài ngày để bọn mình nhổ “cái gai” Chư Nghé đã. Rút kinh nghiệm đợt đánh Đức Cơ, ô tô của địch bỏ lại thì nhiều mà ta không biết lái để mang đi cất giấu. Sau đó máy bay của địch đã hủy hoại gần hết.

Thế thì còn gì bằng. Được tham gia một trận đánh khỏi phí mất cuộc đời quân ngũ. Trung đoàn trưởng còn nói thêm:

- Đây là trận đánh mở màn của Binh chủng hợp thành để giải phóng Tây Nguyên. Muốn giải phóng miền Nam thì phải giải phóng Tây Nguyên trước đã. Trận này chúng ta kết hợp pháo binh, xe tăng và bộ binh. Phương án chu đáo, binh lực đã sẵn sàng còn chờ thời gian nổ súng.

14 giờ, tôi được một chiến sĩ trinh sát dẫn lên đài quan sát là cái chòi trên cây lim cổ thụ cao hơn 40m. Ở chỗ này dùng ống nhòm có thể quan sát được toàn bộ điểm cao Chư Nghé mà địch đặt tên mới là Lệ Ninh. Một cứ điểm chiến lược đặt sâu trong vùng giải phóng, nơi giao cắt giữa đường 19 và đường 14 nên quyết tâm của Mặt trận là: "Hoàn thiện vùng giải phóng" nhưng đây cũng là trận mở màn của Binh chủng hợp thành. Tôi như ngừng thở vì hồi hộp đếm từng giây.    

Đúng 16 giờ. Loạt pháo đầu tiên rít gió rồi ập xuống điểm cao Chư Nghé. Pháo lớn 220ly, cối 120, 82 ly cũng thi nhau trút xuống hai giờ đồng hồ làm cho Chư Nghé mù mịt trong khói bụi. Tôi cảm thấy vừa sung sướng lại vừa xót ruột vì chiến trường khó khăn như Tây Nguyên phải rất tiết kiệm. Chợt chiến sĩ trinh sát đưa ống nhòm cho tôi, reo lên:

- Anh xem! Xe tăng đã xuất trận.

Đúng là xe tăng. 8 chiếc xe ở 4 hướng xông lên sát hàng rào dây thép gai đầu tiên rồi dừng lại quét 12 ly 7 và đại liên vào cứ điểm yểm trợ cho đột phá khẩu dùng bộc phá mở hàng ráo. Khi pháo lớn chuyển làn thì trên nóc cứ điểm bọn địch đã kéo cờ trắng ra hàng mà chưa kịp bắn một phát súng nào để kháng cự. Một trận đánh quân ta không đổ một giọt máu.

Tôi được trung đoàn trưởng cho biết, lô cốt trên cứ điểm làm hầu hết bằng thùng phuy và các túi của Mỹ đổ đầy cát nên bị pháo bắn sập hoàn toàn. Số địch chết gần 200 tên, số ra hàng hơn 180 tên. Chúng tôi được dẫn vào thu 12 ô tô GMT còn nguyên vẹn.

Hạnh phúc của tôi là được chứng kiến một trận đánh mở đầu của chiến dịch giải phóng Tây Nguyên thắng lợi rất giòn giã. Cũng nhờ trận đánh này mà địch đã đoán sai ý đồ chiến thuật giải phóng Tây Nguyên mà chủ yếu ở Buôn Ma Thuột.

Trận đánh mở màn của chiến dịch đã góp phần không nhỏ cho cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nay đã bước sang năm thứ 44, nhưng tôi vẫn không thể nào quên được những kỷ niệm nhớ mãi trong đời tôi.

Xuân Bảy (ghi theo lời kể của nhà văn Tùng Lâm - nguyên Chủ tịch UBND xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nguyên Đại đội trưởng Vận tải Đoàn 671 Tây Nguyên)