Chủ động ứng phó đại dịch Ebola
Dịch bệnh Ebola đển nay vẫn đang là sự quan tâm, là mối lo hàng đầu không chỉ của các nước Tây Phi mà là của cả thế giới.
Mối lo ngại của chúng ta không phải là không có cơ sở. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, đến nay thế giới, dịch bệnh Ebola đã xuất hiện tại 9 quốc gia. Mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này gây ra là rất lớn, đến nay đã có hơn 10 nghìn người mắc bệnh, trong đó hơn 5.000 người đã tử vong. Điều đáng lo ngại là, trong số các trường hợp mắc và tử vong do dịch bệnh Ebola gây ra thì có đến 458 người mắc và 252 ca tử vong là các bác sĩ, nhân viên y tế đã từng tham gia chăm sóc, cứu chữa cho các bệnh nhân Ebola. Sự lây lan của dịch bệnh này cũng rất nhanh, lúc đầu dịch bệnh Ebola chỉ ở 4 quốc gia vùng Tây Phi nay đã phát triển ra 9 quốc gia, trong đó có cả Mỹ và Tây Ban Nha là những quốc gia có nền y tế hiện đại… Các hãng dược lớn tại nhiều quốc gia tiên tiến đang gấp rút nghiên cứu sản xuất các loại vắc xin, các loại thuốc phòng chống, điều trị cho bệnh nhân Ebola để đưa vào phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả tích cực. Tuy vi rút Ebola chưa có biến đổi gen và độc lực cũng như chưa có bằng chứng lây truyền vi rút Ebola qua đường không khí nhưng theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức quốc tế, vi rút Ebola có nhiều nguy cơ xâm nhập vào các quốc gia qua các hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch.
Trước nguy cơ dịch bệnh Ebola từ cảnh báo của WHO, các cấp chính quyền và ngành y tế nước ta đã thực hiện nhiều biện pháp đề phòng, đối phó với loại dịch bệnh nguy hiểm này. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch ứng phó dịch bệnh do vi rút Ebola gây ra với nhiều tình huống cụ thể, chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc men, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân cho các cán bộ y tế tham gia cứu chữa cho bệnh nhân… Bộ Y tế cũng đã quyết định thành lập 4 đội phản ứng nhanh cấp quốc gia tại 4 khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên; kiện toàn lại các đội dập dịch tại các địa phương để tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Sang đầu tháng 11-2014, Việt Nam sẽ tổ chức diễn tập quy mô lớn tại ba bệnh viện là Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện T.Ư Huế, Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh nhằm nâng cao khả năng ứng phó về phòng chống, xử lý và điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola. Điều đáng mừng là trong hơn hai tháng qua, kể từ khi có các cảnh báo về dịch bệnh Ebola, các ngành có liên quan ở nước ta đã tổ chức lực lượng kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế trực 24/24 giờ hằng ngày, thực hiện khai y tế và đo thân nhiệt với khoảng 300 hành khách đến Việt Nam từ vùng có dịch; có một vài trường hợp nghi ngờ sốt và phải cách ly nhưng đều âm tính với dịch bệnh Ebola; chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh Ebola nào tại Việt Nam. Hiện đã xuất hiện tâm lý chủ quan trong nhiều người coi dịch bệnh Ebola như một cơn mưa bóng mây ở tận đâu đâu, buông lơi các biện pháp đối phó khi đại dịch Ebola đang là rất nghiêm trọng trên thế giới hiện nay và theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, Ebola rất dễ trở thành đại dịch lan ra toàn thế giới.
Việc cần làm hiện nay là hiểu đúng về Ebola, cảnh giác đối phó nhưng không hoang mang. Công việc này, ngoài sự thực hiện của các địa phương, các bộ, ngành và ngành y tế chức năng thì không thể thiếu sự quan tâm thực hiện của các thành viên trong cộng đồng dân cư, trong đó có các CCB và các thành viên gia đình CCB chúng ta thực hiện nghiêm chỉnh các khuyến cáo của ngành y tế để có thể kịp thời đối phó khi dịch bệnh Ebola xuất hiện. Cẩn thận, chủ động đối phó với dịch bệnh Ebola là không thừa.
Kiên Trung