Các tỉnh miền núi phía Bắc năm nào cũng xảy lũ quét gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Phòng chống thiên tai luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và mỗi người dân chúng ta, đặc biệt là trong mùa mưa bão hiện nay.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo, cảnh báo. Theo thống kê, hằng năm, trên địa bàn cả nước, thiên tai gây tổn thất từ 1 đến 1,5% GDP, chưa kể đến tổn thất về sức khỏe, tính mạng và tinh thần đối với người dân. Có thể nói, trong 21 loại hình thiên tai gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần thì Việt Nam đã nếm trải 20 loại hình, trừ sóng thần.  Trong 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra hơn 300 trận lũ quét, sạt lở đất. Riêng trong năm 2017, lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc như: Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình... làm 71 người chết và mất tích, 4.109 ngôi nhà bị sập, đổ, cuốn trôi.Thiên tai năm 2018 mang nhiều yếu tố cực đoan với 16/21 loại hình thiên tai làm 224 người chết và mất tích do mưa lũ; do lũ quét, sạt lở đất…Hơn 1.900 ngôi nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, trên 261 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập; 43.159 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy; 11.900ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 884km đê, kè, kênh mương, bờ bao và 8,4 triệu m3đất đá đường giao thông bị sạt trượt; 86km bờ sông, bờ biển bị lở; 107 tàu thuyền bị chìm do bão, áp thấp nhiệt đới; tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng. Còn từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai làm 23 người chết và mất tích, hơn 18.200 nhà bị sập đổ, hư hỏng; 27.370ha lúa và hoa màu bị đổ dập; sạt lở trên 22.300m3đất đá, bê tông; 1.427m đê, kè…Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 337 tỷ đồng. Đấy là chưa kể hiện nay, tại khu vực miền Trung đang xảy ra hạn hán, nhiều khu vực hàng tháng qua không có mưa, nắng nóng thường xuyên ở mức 40-41 độ làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân và hàng trăm ngàn ha cây trồng chết khô. Đang nắng hạn đấy, lại đã lo lũ lớn như thông lệ nhiều năm. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai có diễn biến bất thường, cực đoan hơn cả về cường độ, thời gian, địa điểm xuất hiện và trái quy luật. Ngoài các nguyên nhân do tự nhiên thì nhiều nguyên nhân gây nên những hậu quả thiên tai thảm khốc là do ý thức chủ quan chúng ta gây nên như nếp sống ngay trên bờ sông, rạch của nhiều vùng nông thôn Nam Bộ, tại nhiều vùng khu vực miền núi phía Bắc hiện vẫn còn hàng nghìn hộ dân sống dựa vào sông, suối hoặc trên sườn đồi, vách núi... do vậy khi thiên tai ập đến gây nên hậu quả khôn lường. Dự báo, năm 2019, bão hoạt động muộn hơn trung bình nhiều năm nhưng không vì thế mà sinh tâm lý chủ quan không phòng bị.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, các địa phương, ban ngành và người dân cả nước ta đã dành nhiều sức người, sức của để phòng, chống thiên tai, bảo vệ cuộc sống, bảo vệ sản xuất và giữ gìn tài sản xã hội. Ngay từ đầu năm nay, các cấp, ngành chức năng đã tập trung xây dựng và triển khai phương án phòng, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá, ngập úng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, đảm bảo thực hiện phương châm "4 tại chỗ" sát với thực tế. Các Bộ, ngành và địa phương đã lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm ở một số vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất đá; cắm biển cảnh báo tại các vị trí nguy hiểm, xác định hơn 500 xã tại 17 tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ sạt lở đất đá trong mùa mưa, lũ; nâng cao trình độ cán bộ và đầu tư máy móc hiện đại để  dự báo thiên tai sát đúng thực tế; tổ chức hướng dẫn, diễn tập cho người dân. Công tác chuẩn bị cả về tiền bạc, phương tiện vật chất, con người được thực hiện ở tất cả các địa phương… Bên cạnh các ngành chức năng thì công việc chủ động phòng, chống thiên tai cũng cần được chuẩn bị kỹ từ mỗi người dân, đặc biệt là người dân tại các vùng thường xảy thiên tai như chuẩn bị nhà cửa, lương thực thực phẩm, thuyền bè, phao cứu sinh trong mùa bão lũ cũng như chuyển vụ trồng lúa, trồng màu phù hợp với điều kiện thời tiết, tránh những thiệt hại không đáng có.

“Phòng chống thiên tai là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của người dân và toàn xã hội”. Đây là lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới diễn ra vừa qua.    

Thanh Huyền