Chủ động phòng chống thiên tai bão lũ
Thiên tai, bão lũ luôn gây nên những hậu quả nặng nề cho cuộc sống người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Theo thống kê của Ban phòng chống lụt bão T.Ư, trong năm 2013, trên Biển Đông có 15 cơn bão, trong đó có một số cơn bão lớn đổ bộ trực tiếp vào nước ta làm 285 người chết và mất tích, hơn 12.000 ngôi nhà bị đổ, sập, trôi; 900.000 ngôi nhà bị ngập, hàng ngàn tàu thuyền chìm và mất tích; ước tính thiệt hại trong cả nước vì bão lũ lên đến hơn 28.000 tỷ đồng… Dự kiến trong năm 2014, có khoảng 9-10 cơn bão sẽ đổ bộ vào khắp dải duyên hải bờ biển Việt Nam. Không chỉ hứng chịu tác hại do bão đổ bộ thẳng, chúng ta cần đối phó với lũ lụt từ vùng núi đổ về. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với bão lũ, công tác chuẩn bị về phương tiện vật chất cũng tương đối đảm bảo, nhất là nhiều năm qua đã thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) nên đã giảm được nhiều thiệt hại do bão lũ gây ra, nhiều địa phương như tại Quảng Bình, Quảng Trị, người dân đã có kinh nghiệm làm chòi cao trong nhà để tránh lũ tại chỗ. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nảy sinh trên nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống lụt bão mà chúng ta không thể không chú ý. Ngoài yếu tố thiên tai như thay đối phức tạp của thời tiết khí hậu gây dông lốc, sấm sét, lũ quét lũ ống, mưa đá gây chết người và thiệt hại về nhà cửa, hoa màu như diễn ra mới đây tại Lào Cai, Lai Châu… thì yếu tố nhân tai lại góp phần làm hậu quả thiên tai thêm trầm trọng hơn, đó là nạn phá rừng làm ảnh hưởng đến độ giữ nước và xói mòn đất đang diễn ra phổ biến tại các địa phương có rừng trên cả nước, nhất là tại khu vực Tây Nguyên. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), trong 5 năm (2008-2013), khu vực Tây Nguyên mất 130.000ha rừng, tính bình quân mỗi năm mất 25.700ha; độ che phủ của rừng ở khu vực Tây Nguyên chỉ còn 51,3%; chưa bao giờ khu vực có rừng lớn nhất nước với 2,84 triệu héc-ta lại bị tàn phá nhanh và nghiêm trọng như hiện nay mà nguyên nhân chính lại do con người gây ra là chuyển diện tích rừng sang trồng cao su, làm thủy điện, do lấn chiếm trái phép… Ngoài ra, các khu vực khác như miền Đông bắc, Tây bắc Bắc Bộ; Nam Bộ, chuyện phá rừng cũng diễn ra nhiều, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống lụt bão. Ngoài chuyện phá rừng, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho phòng chống thiên tai, bão lũ ở một số nơi còn nhiều bất cập như sự đầu tư tiền của, nhân lực vật lực còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là tại các địa phương thường xảy ra thiên tai lũ lụt, tuy đã có nhiều cảnh báo nhưng chính quyền địa phương và người dân vẫn thờ ơ, chờ “nước đến chân mới nhảy”... Tuy đã được Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng hàng trăm cầu treo nhưng tình trạng người dân miền núi phải vượt sông suối bằng các phương tiện thô sơ, mất an toàn vẫn diễn ra hàng ngày, tiềm ẩn nhiều rủi ro mỗi khi mưa lớn, lũ về… Còn rất nhiều vấn đề cần khắc phục nữa trước mùa mưa bão năm nay đòi hỏi các cấp, các ngành và mỗi người dân thực hiện, khắc phục và đầu tư cơ sở vật chất kịp thời để có thể thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”,chủ động phòng tránh, giảm nhẹ tối đa các hậu quả có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, bảo vệ tính mạng và tài sản người dân, tài sản xã hội.
Vân Anh