Chủ động phòng, chống cháy rừng
Từ đầu mùa khô đến nay, cả nước đã xảy ra hàng trăm vụ cháy rừng, gây thiệt hại hàng ngàn héc-ta rừng nguyên sinh và rừng trồng cùng nhiều tài sản của người dân, tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Tại khu vực miền núi phía Bắc, do thời tiết hanh khô và sự lơ là của các địa phương, đã xảy cháy rừng ở Quảng Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh; trong đó vụ cháy rừng ở phường Vân Dương (TP Bắc Ninh) đã làm chết một người; vụ cháy rừng Hoàng Liên (Lào Cai) là khu vực vườn quốc gia xảy đúng Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Tại hầu hết các địa phương có rừng, thời tiết hanh khô, nguồn nước tự nhiên đang thời hạn sâu nên nguy cơ cháy rừng đang là rất lớn. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 120 khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, trong đó có 50 điểm là rừng vô chủ do địa phương quản lý; từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra bốn vụ cháy rừng, gây thiệt hại 400 ha. Tỉnh Kon Tum hiện có 40.000 ha rừng trồng đang thiếu nước, cùng đó là các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La… đâu đâu cũng đứng trước nguy cơ cháy rừng bất cứ lúc nào. 19 tỉnh có rừng trong cả nước đang ở nguy cơ cháy cấp 5-cấp cực kỳ nguy hiểm, trong đó có toàn bộ rừng của các tỉnh Cà Mau, Đồng Tháp, Hòa Bình, Long An, Tây Ninh; 15 tỉnh có diện tích rừng đang ở nguy cơ cháy cấp 4-cấp nguy hiểm, trong đó các tỉnh Cao Bằng, Phú Yên, Quảng Nam có toàn bộ diện tích rừng đang ở nguy cơ cấp 4.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan là nguy cơ gây cháy do chính con người tạo nên khi đồng bào miền núi chưa bỏ được thói quen đốt nương làm rẫy, do chập điện, do sự chủ quan, thiếu ý thức của con người trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong những ngày lễ tết, lễ hội thắp hương thắp nến, trong nấu nướng nhưng không làm chủ được nên bị gió đưa đi gây cháy rừng… Khi xảy cháy rừng thì thực tế cho thấy, cùng với nguyên nhân rừng núi cao, xa khó tiếp cận thì trong một số vụ cháy rừng, các phương tiện thực hiện chống cháy rừng như vòi phun nước, cuốc xẻng, xô chậu, mặt nạ phòng độc… thường rất thiếu, thậm chí là không biết đang ở đâu; lực lượng thì tản mác rất khó tập trung. Do vậy, chủ động trong công tác phòng, chống cháy rừng là một cách bảo vệ rừng hữu hiệu nhất khi công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng được thực hiện sâu rộng trong cộng đồng dân cư để mọi người cùng có ý thức bảo vệ rừng; tổ chức lực lượng kiểm lâm gắn với rừng, với dân; tăng cường các trang thiết bị phòng chống cháy rừng; quản lý tốt các hoạt động canh tác nương rẫy gần rừng; các lực lượng chức năng cần tuần tra kiểm soát thường xuyên, phát hiện sớm cháy rừng để chủ động xử lý…
Quốc Huy