Chủ động phòng chống cháy, nổ (07/04/2011)

Theo số liệu thống kê, năm 2010, cả nước đã xảy ra 2.261 vụ cháy, nổ; tăng 14,95% so với năm 2009. Những vụ cháy, nổ này đã gây nên những thiệt hại hết sức to lớn về tài sản, ước chừng hơn 600 tỷ đồng và 2.543 ha rừng; làm 90 người chết và 240 người bị thương. So với năm 2009, số người chết do cháy nổ giảm 3,2% nhưng số người bị thương tăng 24% và thiệt hại về tài sản tăng 23,3%.

Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Năm 1996, Chính phủ đã lấy ngày 4-10 hàng năm làm “Ngày phòng cháy, chữa cháy”. Đáng chú ý, năm 2001, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng cháy và chữa cháy. Ngành chủ quản của công tác này là Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã tổ chức hàng chục ngàn buổi nói chuyện chuyên đề và huấn luyện về nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy; xây dựng gần 4.000 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và dân phòng; tổ chức cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, hộ kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và từng bước giảm số vụ cháy, số người chết, số người bị thương và số tài sản thiệt hại…

Tuy nhiên, tình hình cháy nổ trên địa bàn cả nước ta vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số vụ việc và thiệt hại về người và tài sản chưa giảm được đáng kể. Nguyên nhân chính của tình trạng này do nhiều cơ sở và nhà dân sản xuất, kinh doanh hàng hóa chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho hệ thống phòng cháy, chữa cháy và chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định về công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy. Tại nhiều thành phố, thị xã, khu công nghiệp, việc trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy vẫn còn mang tính đối phó với công tác kiểm tra của chính quyền; người ta có thể dễ dàng nhận thấy chỉ ở nơi công cộng dễ bị cơ quan chức năng và chính quyền kiểm tra thì mới có một vài bình cứu hỏa, thông thường là loại bình nhỏ treo lơ lửng, chứ tại nhiều nơi dễ xảy cháy thì tìm mãi cũng chẳng ra những bình chữa cháy. Ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi có nhiều khu dân cư đông đúc, do ý thức chủ quan, do việc mưu sinh hàng ngày nên trên những ngõ phố nhỏ bé, ngoằn ngoèo tình trạng hàng quán, xe cộ chen nhau đi hầu như không lúc nào vắng người dẫn đến chuyện nếu xảy cháy thì xe chữa cháy không thể vào được. Ngoài ra, tại Hà Nội, tình trạng hàng đống dây điện cũ mới các loại mắc trên đường phố gây chập điện xảy cháy nổ đã diễn ra nhiều nhưng công tác cải tạo, khắc phục vẫn diễn ra hết sức chậm chạp vì… thiếu kinh phí. Nguyên nhân gây cháy nổ còn do tình hình thời tiết khô hạn kéo dài; do hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ và người dân còn yếu, trách nhiệm chưa cao, chưa phát hiện sớm các vụ cháy nổ, công tác chữa cháy kém hiệu quả và việc báo cháy cho các lực lượng chức năng còn chậm; công tác cứu hộ, cứu nạn còn chậm trễ. Bên cạnh đó là chuyện bảo vệ các phương tiện phòng cháy, chữa cháy ở một số nơi, tuy đã được trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy như bình bọt, cuốc xẻng, thùng cát, nước chữa cháy nhưng một số người tham lam đã mang về làm của riêng, hoặc chuyện để bảo vệ nên người ta đem để trong kho rồi khóa kỹ, lúc xảy cháy thì lại không có phương tiện cứu chữa kịp thời… Đây là những chuyện vẫn thường xảy ra tại các địa phương chúng ta, khi có đợt kiểm tra thì người ta chấp hành tương đối tốt , nhưng sau đó thì mọi chuyện lại đâu vào đấy…

Để công tác phòng cháy, chữa cháy đạt hiệu quả cao và kịp thời, bảo vệ tốt sinh mạng cũng như tài sản xã hội, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra của các cấp chính quyền và ngành cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chức năng thì rất cần ý thức tự giác chấp hành của mọi người chúng ta ngay trong cuộc sống hàng ngày như đun nấu, đốt rừng, đốt vàng mã, vứt đầu mẩu thuốc lá cháy dở, không tàng trữ xăng dầu, vật liệu nổ trong nhà, tắt các thiết bị điện… để phòng cháy và chữa cháy tốt. Làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy là để bảo vệ chính mạng sống mỗi người chúng ta cũng như bảo vệ tài sản do mồ hôi công sức chúng ta làm nên.

Vân Trang