Theo dự báo, mùa mưa bão năm nay Việt Nam sẽ phải đón 8-9 trận bão lớn đổ bộ vào vùng biển và lãnh thổ nước ta. Hiện nay đã vào cuối tháng 7 âm lịch, nước ta mới có ba trận bão lớn xuất hiện, mạnh nhất là cơn bão số 2 Ra-ma-sun gây thiệt hại nhiều về người và tài sản cho các địa phương miền núi Bắc Bộ, do vậy, đến cuối mùa bão khả năng sẽ xuất hiện dồn dập 5-6 cơn bão lớn nữa. Với kinh nghiệm phòng chống lụt bão nhiều năm qua và thực hiện các chủ trương PCBL của Nhà nước, trong mùa bão lũ năm nay, các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố hay bị ảnh hưởng của bão lũ đã chuẩn bị nhiều phương án, nhân lực, vật lực sẵn sàng đối phó với bão lũ với điểm nhấn là Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh thuộc 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã được Bộ GTVT hoàn tất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong tháng 7 đã có 4 cầu được khởi công xây dựng, trong tháng 8 có 83 cầu được khởi công và tất cả sẽ được hoàn thành trong năm 2015, sau đó sẽ xem xét xây dựng, củng cố toàn bộ gần 7.500 cầu dân sinh trong cả nước. Tuy nhiên, còn đó những khó khăn lớn ảnh hưởng đến công tác phòng chống bảo lũ, đặc biệt là chuyện phá rừng phòng hộ đầu nguồn tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đang diễn ra nghiêm trọng; chuyện các hồ chứa nước thủy lợi bị hư hỏng nhiều, có nguy cơ biến thành những “quả bom” nước khi mà trong tổng số 6.648 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích 11 tỷ mét khối nước thì có đến 1.150 hồ bị xuống cấp và hư hỏng nặng; chuyện có nhà máy thủy điện vì an toàn của mình trong mùa mưa bão vẫn “vô tư” xả lũ xuống hạ du mà không báo trước, tạo sức tàn phá lớn cùng thiên nhiên làm người dân trở tay không kịp… Đây là những “nhân tai” trong mùa bão lũ, Chính phủ và các địa phương, các cấp các ngành đang có những giải pháp và nguồn đầu tư nhân lực, vật lực to lớn để khắc phục. Cái cần hiện nay, ngoài thời gian thi công là nguồn vốn đầu tư to lớn, là sự chấp hành và phối hợp hoạt động chặt chẽ của các bên liên quan như ngành Điện và ngành Thủy lợi; công tác tuyên truyền, vận động đến người dân trong công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, kịp thời sửa chữa, bổ sung hệ thống thông tin truyền thông công cộng tại các vùng thường xảy ra lũ quét, lũ ống để người dân nắm bắt tình hình kịp thời; nhân rộng những mô hình hay như làm chòi cao trong nhà tại các vùng thường xuyên có lũ, chuẩn bị thuyền bè, phổ cập học bơi và biết cách cấp cứu người đuối nước để người dân chủ động “sống chung” với lũ…
Chủ động phòng chống bão lụt trong mọi tình huống, mọi thời điểm luôn là vấn đề quan trọng và đầu tiên trong công tác PCLB. Cùng với các phương tiện phòng chống lụt bão như ô tô, máy xúc, rào tre, bao tải, đất đá để xử lý tình huống thì công tác chuẩn bị nhà ở tập trung cho dân tránh bão lũ, chuẩn bị lương thực, thực phẩm cũng là chuyện không thể thiếu. Khác với mọi năm, cơn bão lớn đầu tiên ảnh hưởng đến nước ta không từ hướng Đông đổ vào, gây mưa to, ngập lụt, lũ ống lũ quét cho các tỉnh miền núi phía Bắc, suốt từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang đến Điện Biên, Lai Châu là những địa phương lâu nay thường ít có bão và ảnh hưởng của bão không lớn cũng là điểm chú ý trong công tác PCLB năm nay. Chuyện những khu phố TP Lạng Sơn ngập sâu dưới nước; người chết và mất tích, nhà cửa bị phá hỏng ngổn ngang, giao thông tắc nghẽn do lở đất từ lũ quét tại huyện Tam Đường; chuyện người dân đu dây, chui vào bao ni lông qua sông, chuyện lật cầu treo vẫn luôn ám ảnh chúng ta về đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ. Công tác cảnh báo lũ kịp thời và chính xác trong những tình huống như thế này có thể giúp người dân chủ động phòng tránh về người và tài sản trong mùa mưa bão năm nay.
Chủ động phòng tránh thiệt hại do bão lũ gây ra, giữ gìn an toàn sinh mạng và tài sản người dân, tài sản xã hội đang là nhiệm vụ của mỗi chúng ta hiện nay.
Quốc Huy