Tân Phú (Đồng Nai) là huyện vùng sâu, vùng xa, kinh tế thuần nông, đời sống của nhân dân trong đó có CCB còn rất nhiều khó khăn. Những năm qua, Thường vụ, BCH Huyện hội luôn trăn trở làm sao giảm được hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CCB?
Đồng chí Đặng Ngọc Tăng, Chủ tịch Huyện hội cho biết: Dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh Bác Hồ vừa qua, toàn huyện mở ống tiết kiệm được tổng số tiền là 1,3 tỷ đồng; hội viên đã tự nguyện bổ sung 21% cho các nguồn quỹ hoạt động của Hội ở cơ sở. Hiện nay nguồn quỹ bình quân mỗi hội viên trong huyện đạt 1,25 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung của cả tỉnh, có xã đạt từ 1,5 đến gần 3 triệu đồng một hội viên.
Trong kế hoạch giảm nghèo cho CCB giai đoạn 2014-2015, Huyện hội đề ra nhiều giải pháp; điều tra, phân loại hộ nghèo, theo các nhóm nguyên nhân như thiếu đất, thiếu vốn sản xuất, thiếu lao động, thiếu kinh nghiệm và trình độ sản xuất… để có những giải pháp cho việc vận động, giúp đỡ từng loại đối tượng, từng hộ CCB thoát nghèo. Ấn tượng nhất là việc các cấp Hội tập trung giúp hội viên nghèo vay và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả từ ngân hàng CSXH. Hiện nay, Hội CCB huyện đang quản lý 98 tổ vay vốn, có 4.419 hộ với tổng dư nợ gần 60 tỷ đồng, riêng hội viên CCB có 852 hộ vay với số dư nợ 13 tỷ đồng, nhưng nhờ biết quản lý lại đưa vào sử dụng cho SXKD đúng mục đích và phát huy được hiệu quả, số dư nợ hiện chỉ còn 0,8%, thấp hơn mức dư nợ bình quân chung của Tỉnh hội…
Cùng với khai thác vốn, Huyện hội bằng những kế hoạch cho từng hoạt động, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá như: giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo, xóa nhà tạm nâng cao chất lượng sinh hoạt, nên các hoạt động của cơ sở rất nhịp nhàng tiến triển.
Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp xây dựng được 1 căn nhà đồng đội và sửa chữa 3 căn trị giá 47 triệu đồng, trong đó hội viên đóng góp 25 triệu đồng, 56 ngày công. Nhờ sự quan tâm của tổ chức Hội và ý chí tự lực, tự cường, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên CCB huyện Tân Phú ngày càng được nâng lên.
Lê Liên