Chủ bút “Tờ báo hạng bét” ở Điện Biên Phủ
Cố Đại tá nhà báo Lê Kim - nguyên phóng viên Báo QĐND (1956-1990), phóng viên Báo CCB Việt Nam sau khi nghỉ hưu. Thời gian tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là cán bộ cấp tiểu đoàn, phụ trách công tác tuyên huấn của Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Để phục vụ cho công tác chính trị tư tưởng và hoạt động văn hóa của bộ đội tham gia chiến dịch, ngoài Báo QĐND (được xuất bản tại mặt trận), các đại đoàn đều ra báo của mình. Đại đoàn 308 ra tờ báo “Lập công”, còn mỗi trung đoàn lại ra một tờ báo riêng. Vì vậy, hồi đó, bộ đội thường nói vui: Báo của trung đoàn là tờ báo hạng bét…
Chủ bút “Tờ báo hạng bét”
Trong hồi ức của cố nhà báo Lê Kim, thì thời gian tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, “tờ báo hạng bét” của Trung đoàn 36 có tên là “Quyết Thắng” và ông là Trưởng tiểu ban Tuyên huấn của trung đoàn được giao làm “chủ bút” (Tổng biên tập). Ông cho biết: Cây viết của “Quyết Thắng” là một vài cán bộ, nhân viên chính trị của Trung đoàn. Là báo nhà, nên “phóng viên” trực tiếp săn tin trên trận địa và báo sau khi xuất bản cũng bám theo lưng bộ đội, thường xuyên di chuyển theo đội hình chiến đấu của Trung đoàn. Báo được in trên một phiến đá (in li-tô), chiều dài và chiều rộng chừng 40cm và đều được cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban Chính trị trung đoàn thực hiện hết sức thủ công. Giấy in báo chủ yếu là giấy dó được sản xuất ở Phú Thọ chuyển lên nhưng cũng rất hiếm hoi. Trung bình mỗi tuần Trung đoàn cho ra hai số “Quyết Thắng”. Báo ra phục vụ Trung đoàn là chính, nhưng mỗi số Trung đoàn có gửi dăm tờ lên Đại đoàn; rồi Đại đoàn lại dành vài tờ gửi lên Bộ Chỉ huy mặt trận.
Theo cố Đại tá, nhà báo, thực chất tờ “Quyết Thắng” là tờ tin nội bộ, nhưng lại mang dáng dấp tờ báo bởi tờ tin này dành khá nhiều “đất” để in chuyện vui, tranh và thơ đả kích… Mỗi số báo của Trung đoàn 36 xuất bản ở Điện Biên Phủ thường có các bài xã luận (chủ yếu do chủ bút Lê Kim viết) nhằm tuyên truyền, động viên bộ đội giữ vững tinh thần, ý chí chiến đấu. Ông cũng là người có năng khiếu sáng tác những bài thơ châm biếm, đả kích kẻ địch. Vì “tờ báo hạng bét” có “phát hành” lên Đại đoàn và Mặt trận, nên có những tin - bài của “báo hạng bét” được các biên tập viên Báo QĐND tại Mặt trận sử dụng lại. Cũng vì vậy, dần dần các ông trở thành những “Cộng tác viên tự nguyện” của Báo QĐND - chữ của cố Đại tá nhà báo Lê Kim. Ông cũng cho biết: Chính những tin, bài của ông được dùng trên Báo QĐND ở Mặt trận Điện Biên Phủ ngày ấy là “chứng chỉ” để sau này ông trở thành phóng viên đích thực của Báo QĐND.
Trong khi tờ “Quyết Thắng” được “phát hành” lên tới Mặt trận thì Báo QĐND Mặt trận cũng được được gửi xuống tới đại đội, nhưng rất ít. Vì vậy, chủ bút Lê Kim đã chọn trên Báo QĐND những bài xã luận hoặc những bài phổ biến kinh nghiệm chiến đấu của đơn vị bạn, đăng lại trên “Quyết Thắng” để phục vụ đơn vị kịp thời, rộng rãi.
Mặc dù chỉ là “cây nhà lá vườn”, chất lượng nội dung và kỹ thuật in ấn còn nhiều hạn chế, nhưng trong điều kiện chiến đấu gian khổ, ác liệt, đời sống văn hóa thiếu thốn đủ bề…, thì “tờ báo hạng bét” của các trung đoàn như “Quyết Thắng” là tài liệu tuyên truyền và là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với bộ đội ở Điện Biên Phủ.
“Tây còn khổ gấp 10 ta” - bài thơ đậm “chất Lê Kim”
Cố Đại tá nhà báo Lê Kim cho biết: Cùng với những bài thơ của các tác giả gửi từ hậu phương được Báo QĐND đăng tải để cổ vũ tinh thần của bộ đội, như bài “Giữ lấy tuổi trẻ” của nhà thơ Hoàng Cầm, có hai câu kết “Anh xuất trận đêm nay/ Bao quân thù gục xuống”, được nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc…, còn có những bài thơ sáng tác tại mặt trận được anh em hào hứng đón nhận. Trong đợt 2 của chiến dịch, nhiều anh em có biểu hiện chán nản, trời mưa dầm dai dẳng, bộ đội ta đào hào đêm đêm đều bị thương vong. Biết được tâm trạng của chiến sĩ, Trưởng tiểu ban Tuyên huấn của Trung đoàn 36 động viên anh em: “Khổ thế đã thấm tháp gì, Tây nó còn khổ gấp mình hàng chục lần”. Rồi những điều ông vin vào để giải thích cho bộ đội về nỗi khổ của địch, hết sức dí dỏm, là ý tưởng để ông viết bài thơ “Tây còn khổ gấp 10 ta” đăng trên tờ “Quyết Thắng” của trung đoàn. Sau đó, vì thấy có tác dụng động viên tinh thần bộ đội, nên bài thơ “Tây còn khổ gấp 10 ta” đã được đăng trên Báo QĐND tại Mặt trận. Toàn văn bài thơ như sau:
Tây còn khổ gấp 10 ta
Con Cò bay lả bay la
Bay từ đồn địch bay qua quân mình
Thấy anh hì hục đào nhanh
Cò có câu chuyện gửi anh Vệ đào
Rằng Cò vượt 8 lần rào
Vượt 5 lưới lửa, Cò vào đồn Tây
Cò thấy nhiều truyện rất hay
Thằng Tây cuống quýt loay hoay đào hầm
Lính bị thương tải đến ầm ầm
Quân y chật ních nó nằm nó rên
Có thằng sốt rét phát điên
Có thằng kiết lỵ ỉa lên cả hầm
Số ốm lên tới hàng trăm
Số bị thương mỗi ngày tăng một nhiều
Lính Tây lận đận, deo neo
Đồn Tây ảm đạm cờ treo rủ buồn.
*
Ngoài này anh Vệ thật tươm
Có thức ăn, lại có cơm nóng đều
Trong kia lính địch tiêu điều
Mỗi ngày 2 lạng, trôi vèo hết bay
Anh có nước uống đủ đầy
Lính địch thì chỉ mỗi ngày 1 ca
Anh còn có chỗ vào ra
Lính Tây thì chỉ bó giò một khu
Trời nắng, trong hố tối mò
Giặc Tây chết ngốt bơ phờ sợi râu
Trời mưa nước chảy hầm sâu
Thì Tây lại nhục hơn trâu ruộng lầy
Anh đào công sự mỏi tay
Thì Tây cũng phải đào ngày đào đêm
Anh làm còn được động viên
Lũ Tây thì chỉ bị trên “xả lù”!
Anh đào mệt, anh ăn no
Lũ Tây đào mệt vẫn khô ráo mồm
Ngoài này dầu đạn, dầu bom
Công sự anh vững anh còn ngại chi
Lũ Tây khốn nạn trong hầm
Pháo ta nổ phải là lìa trần gian
Giặc Tây bắn ẩu, bom tràn
Tốn trăm nghìn đạn chẳng làm nên công
Pháo ta dóng giả đì đùng
Hễ bắn là trúng là long lở hầm
Ngoài này anh gặp khó khăn
Anh lấy sức lực tinh thần vượt qua
Tây còn khổ gấp mười ta
Không khắc phục được chỉ già mồm kêu
Ới anh bộ đội mến yêu
Cò em cũng biết anh nhiều gian truân
Nhưng là Quân đội nhân dân
Thì anh vẫn vững tinh thần đấu tranh
Ngày mai nhiệm vụ hoàn thành
Đồn thù lớp lớp tan tành ra tro
Đoàn anh sẽ phất lá cờ
“Quyết chiến Quyết thắng” Bác Hồ mới trao.
Lê Kim - (số 139, ngày 4-4-1954)
Duy Hưng